Thanh Trúc, phóng viên RFA2011-12-26Thời gian qua, tại Việt Nam liên tục xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, làm cách nào và dựa vào đâu để giải quyết vấn đề này? Báo chí ở Việt Nam thời gian qua thường loan những tin tức và hình ảnh gọi là bạo lực học đường, tải lại những video clip cảnh các nữ sinh hai ba em xúm vào chửi mắng đánh đập một em, trong khi một em khác dùng điện thoại cầm tay thu lại hình ảnh đó để tung lên Internet. Phải chăng chỉ ở Việt Nam mới có những chuyện đáng buồn như thế, làm cách nào và dựa vào đâu để giải quyết bạo lực học đường? Ngày càng phổ biếnBáo Tiền Phong của Việt Nam, số ra ngày 13 tháng trước, loan tin bốn nữ sinh một trường trung học phổ thông ở Bắc Giang bị đuổi học vì đã vây đánh dã man một công nhân, dùng dao rạch tung áo nạn nhân, quay clip rồi tung lên mạng. Tin nói khoảng năm ngàn lượt truy cập xem đoạn video clip dài gần bốn phút này trước khi nó được gỡ xuống.
Đây là một trong những thông tin về bạo lực học đường thời gian qua, thường là chuyện hai ba nữ sinh xúm lại đánh đập hành hung một nữ sinh, còn một cô đứng ngoài thì giữ nhiệm vụ quay phim rồi đưa lên Internet. Phần lớn nguyên nhân được biết là phát xuất từ mâu thuẫn cá nhân, nhưng nhiều câu hỏi được nêu lên về bạo lực học đường, một hiện tượng xã hội cần lưu ý giải quyết và ngăn cấm. Theo bác sĩ Phương Thúy, chuyên trị liệu về tâm thần và cũng là một nhà tư vấn tâm lý đặc biệt cho giới trẻ, hiện đang hành nghề tại California, bạo lực học đường là chuyện xảy ra từ xưa, xảy ra ở khắp nơi chứ không chỉ riêng Việt Nam: "Ngay cả những nước văn mình tân tiến như Hoa Kỳ và Châu Âu cũng có trường hợp đó xảy ra. Ở những nước văn mình thì những chuyện đó phải được báo cáo được tường trình. Nhưng trong một xã hội gò bó thì chắc chắn những chuyện người ăn hiếp người, cá lớn nuốt cá bé, xảy ra thường xuyên, không được chú ý tới và nhiều khi coi đó là chuyện thường tình cho nên không được bàn tới mà thôi." Về bản chất, bác sĩ Phương Thuý phân tích tiếp, bạo lực học đường không chỉ là ẩu đả, đánh nhau u đầu sứt trán, nhiều người đánh một người đến thương tích như các clip thấy được trên mạng ở Việt Nam, mà còn dưới hình thức bắt nạt hoặc ăn hiếp tuy tế nhị nhưng tác hại vô cùng lớn lao: "Không chỉ chọc ghẹo, ma cũ ăn hiếp ma mới, mạnh hiếp yếu, mà bằng cử chỉ, những lời nói khinh miệt và liên tục, tẩy chay không chơi với, những cái nhìn những cái liếc những cái nguýt… còn làm khổ cho các em bị ăn hiếp bị bắt nạt đó cả ngàn lần, đưa đến cảnh không chịu đi học mà cha mẹ hỏi thì không nói. Nó xảy ra ở học đường cũng như xảy ra trên Internet mà người ta gọi là "cyber bullies" mà hậu quả có thể là tai hại vô lường. Tôi xin nói thêm là chuyện bắt nạt không nhẹ nhàng đâu, và tôi chắc chắn rằng chuyện này xảy ra khắp nơi. Bằng cớ là ở Hoa Kỳ gần đây có những em tự tử chết vì bị bắt nạt bị ăn hiếp bị chọc ghẹo ở trong trường." Không được hướng dẫn Trong lúc đồng ý rằng bạo lực học đường, mà tác nhân gây chuyện là nữ sinh, khiến người xem bị sốc, bác sĩ Phương Thúy nói thêm về nguyên nhân chủ yếu liên quan đến hiện tượng các nữ sinh tham gia đánh nhau như vậy:"Thứ nhất là các em sống trong môi trường mà thái độ hung hăng và không được hướng dẫn chế ngự để giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa. Trong hoàn cảnh gia đình xã hội mà chúng ta nhận thấy là các em rất dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những hành động bạo lực qua truyền hình qua phim ảnh hoặc là chính xã hội em đang sống. Theo lẽ thì báo chí, khi đăng tải nguồn tin về chuyện bạo hành đánh đá giữa các nữ sinh, thì có nên tải xuống lại những đoạn video clip không mấy dẹp như vậy không? Câu hỏi được bác sĩ Phương Thúy trả lời: "Chuyện phát hình trên mạng có hai ý nghĩa. Một là làm mà còn muốn khoe khoang cho mọi người thấy, khoe khoang cái hành động của mình. Nhưng mà đồng thời cho lên mạng và phổ biến cũng là hình thức nào đó, có phải chăng như một lời kêu cứu là gia đình cha mẹ thấy cô bất lực với những hành động hung hăng như vậy, bây giờ chỉ có một cách la làng lên cho tất cả mọi người biết, như là một phương cách để mà có gắng giới hạn lại." Từ Hà Nội, thạc sĩ Phan Ý Ly chuyên nghành giáo dục và phát triển con người, đang thực hiện dự án có tên "Hướng Dẫn Cách Dạy Tích Cực Trong Trường Học" đồng ý với nhận định của bác sĩ Phương Thúy rằng bạo lực học đường thì ở nước nào cũng có:
"Bạo lực học đường không phải bây giờ mới có, hoặc chỉ Hà Nội hay Việt Nam mới có. Gần đây truyền thông hoặc nhờ vào các phương tiện ví dụ điện thoại có chức năng quay hình, rồi sự phổ biến của Internet, thì mọi người biết đến nhiều hơn và cho rằng bây giờ nó là một vấn nạn, chứ từ trước nay hiện tượng này vẫn xảy ra mà không có nhiều người biết." Về hiện tượng nữ sinh hợp thành băng đảng thành nhóm rồi xúm nhau đánh đập bạn học như đã xảy ra ở Việt Nam, thạc sĩ Phan Ý Ly nêu câu hỏi tại sao lại có quan niệm nam sinh đánh nhau và bắt nạt nhau thì được mà nữ sinh lại không được phép thượng cẳng chân hạ cẳng tay với bạn. Theo cô thì đừng quên rằng các nữ sinh, phía ra tay bạo hành hay phía bị đánh đập, đều có vấn đề có áp lực của chính họ: "Họ sửng sốt khi nhìn thấy nữ sinh mà cũng đánh nhau, và vì thế làm to vấn đề lên. Với góc nhìn của tôi thì tôi thấy rằng ở cả hai giới đều xuất hiện bạo lực và đều là vấn đề. Chứ không phải các em nữ thì chúng ta lên án và các em nam thì chúng ta ngồi im. Vấn đề thứ hai tôi cũng muốn nói là ở lứa tuổi vị thành niên khi mà đi học thì các em gặp áp lực của các bạn cùng lứa rất là lớn. Chưa nói nữa là hiệu ứng đám đông, khi mà trong một nhóm chơi với nhau, cùng hành xử một cách, thì rất khó để một em trong nhóm đó đi ngược lại hành xử của đám bạn mình. Không chỉ riêng đánh nhau mà kể cả hút thuốc hay là về quan hệ tình dục hay là bất cứ quyết định nào đưa ra thì cả nhóm cùng làm theo những gì các bạn của mình làm. Đi ngược lại có nghĩa là mình tự cách ly khỏi nhóm đó." Về những điều nhìn thấy trên video clip, thạc sĩ Phan Ý Ly giải thích tiếp, khi một nhóm cùng xông vào đánh một em, còn một em đứng bên ngoài quay phim, dù đồng tình hay không đồng tình thì cũng rất khó để một đứa trẻ ở lứa tuổi không được chuẩn bị về tâm lý, về kỹ năng thương lượng và kỹ năng giải quyết vấn đề và làm sao nói ra được ý kiến khác biệt của mình, có phản ứng thích đáng: "Theo tôi nhận xét người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng không có kỹ năng không có cách giải toả bức xúc của mình, chưa có cách lành mạnh để giải quyết mâu thuẫn. Chưa nói đến hình ảnh bạo lực đó về cá biệt các nữ sinh mà chính khi con cái làm sai hoặc là mắc lỗi lầm dù cố ý hay vô tình, khó nhìn thấy người bố người mẹ đó giải thích để con nhìn ra vấn đề, mà thường dùng hình phạt, đánh, sỉ nhục, đe nẹt vân vân…Thì đứa trẻ hình thành một thói quen là không có cách trao đổi, không có kỹ năng hay là văn hoá về đối thoại mà chỉ có văn hóa về bạo lực, làm cho người khác cảm thấy xấu hổ, đau đớn tinh thần và thể xác. Với lý giải như thế thì có thể hiểu tại sao các em nữ sinh đánh bạn rồi lại còn quay clip sau đấy tung lên mạng, coi như đấy là sự trừng phạt để giải tỏa nỗi tức giận và sự ức chế nào đấy của người thưc hiện động tác như vậy." Kỷ luật có hiệu quả?Nếu chỉ áp dụng kỷ luật như cảnh cáo hoặc đuổi học như trường hợp bốn nữ sinh vừa rời ở Bắc Giang, thì cũng không giải quyết được vấn đề bạo lực học đường, thạc sĩ Phan Ý Ly giải thích: "Kỷ luật, lên án hay là các hình phạt là hình thức mang tính trừng trị chứ về lâu dài thì không hiệu quả không mang tính răn đe cao. Kể cả khi đuổi học em A thì vẫn còn em B, C, D, E ở trong trường, nếu làm cho các em sợ thì các em sẽ có những hình thức xử lý bạn mình tinh vi hơn để không bị phát hiện.
Gốc gác của vấn đề là biết cách hòa giải biết cách thương lượng với bạn, biết cách nói ra điều mình mong đợi. Những cái đấy không được dạy. Theo tôi cần có những cách thực sự giúp các em trong quá trình trưởng thành, các em cần những công cụ những cách giải tỏa tâm lý một cách an toàn cho mình và cho những người chung quanh. Tôi nghĩ đấy là cách các em cần học và rất nhiều người lớn ở Việt nam cũng cần phải học." Đó là chuyện bạo lực học đường ở Việt Nam. Tuần trước, tại Hoa Kỳ, Bộ Tư Pháp Mỹ công bố thông cáo báo chí, nói rằng kết quả những cuộc nghiên cứu mới cho thấy sự cần thiết phải có chiến lược ứng phó với tệ nạn "bully", tạm dịch chung là tình trạng côn đồ, ăn hiếp, xô đẩy, bắt nạt, hành hung trong trường học. Ông Jeff Slowikowski, quyền giám đốc văn phòng Pháp Lý Và Phòng Chống Tội Phạm Thanh Thiếu Niên thuộc Bộ Tư Pháp Mỹ, đánh giá bạo lực học đường là vấn đề phức tạp của xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến học sinh và trường học. Ông nói mục đích của thông cáo báo chí nhằm chia sẻ thông tin và trao đổi với học sinh toàn quốc, vào khi phụ huynh của các em và chính các em từng phản ảnh nỗi lo lắng trước sự gia tăng tình trạng ăn hiếp bắt nạt lấn lướt trong trường học. Chiến lược giải quyết mà các nhà nghiên cứu yêu cầu là những khóa huấn luyện kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, cơ hội cho học sinh tham gia sinh hoạt cộng đồng, hướng dẫn tâm lý học sinh giai đoạn chuyển tiếp tiểu học lên trung học, tập đối thoại và chấp nhận khác biệt trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, mở những chương trình phòng chống bạo lực học đường ngay từ lớp nhỏ. Về mặt chính quyền, những biện pháp cần có là theo dõi, giám sát, tìm hiểu và truy ra nguyên nhân của bạo lực bạo hành trong hàng ngũ học sinh hầu có thể ngăn chận hay giải quyết thỏa đáng. Theo dòng thời sự:
|
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog