Thứ hai, 9/5/2011, 22:31 GMT+7 "Lúc nền chợ sụp xuống, tôi thấy như bị ai đẩy xuống hố sâu rồi lấp đất lại. Rất may khi nước tràn đầy kiot, tôi trồi lên được nhưng tay chân đau buốt vì bị tôn cắt", người đàn ông sống sót sau vụ sạt lở nói.Trưa 9/5, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Trương Thị Hồng Loan (người phụ nữ bán bún tử nạn trong vụ sạt lở ở chợ Rạch Cam) phủ trùm không khí tang thương. Cái chết của người mẹ trẻ đã khiến hai đứa con thơ thành côi cút trong phút chốc. Sáng nay, khi xác chị Loan được đưa lên bờ, cô con gái lớn chỉ vừa học lớp 1 cứ ôm riết lấy cậu em 2 tuổi khóc ngất bên thi thể mẹ.
Hàng xóm của chị Loan cho biết, sáng nào chị cũng cùng một người phụ việc dọn hàng bán bún ở dãy ki-ot ven sông. Vào thời điểm xảy ra vụ sạt lở, chị đã sai cô gái phụ việc đi mua rau còn mình cũng lui cui nhặt giá. Vừa làm chị vừa nói chuyện rôm rả với mấy bà bạn hàng bên thì tai họa bất ngờ ập đến. 40 m bờ sông tại ngã ba chợ Rạch Cam nứt toác và sụp xuống ầm ầm kéo theo cả chục người. Dù là con dân miền sông nước, chị bơi rất giỏi nhưng vẫn không thoát ra ngoài được. Có lẽ chị đã bị thanh đòn tay đập trúng đầu bởi khi thi thể chị được tìm thấy có một vết thương rất nặng gây vỡ trán. Tiểu thương lớn tuổi nhất chợ là cụ Tuyết, nhà ở bên kia con rạch nhỏ. Do quá già yếu nên vừa rơi xuống sông bà cụ đã chìm mất. Tai nạn xảy ra lúc trời vẫn còn tối, nước chảy nhanh nên nhiều thanh niên lao ngay xuống sông cứu người nhưng không thể tìm được cụ Tuyết. Khu vực xảy ra sạt lở nằm ngay ngã ba, thường có con nước xoáy đập vào bờ tạo thành hàm ếch. Chiều cùng ngày những người bị thương đã xuất viện và quay về chợ gom dọn tài sản được thợ lặn vớt lên. Chị Trần Thị Nhớ còn chưa hết kinh hoàng cho hay khi ấy chị vừa mở cửa kiot để quét dọn hàng bán nước mía. Đó cũng là lúc loa truyền thanh vừa bật lên thông tin thời sự địa phương. "Lúc quét rác tôi nói với mấy chị bán hàng cạnh bên là nhìn thấy một tấm đan vênh lên. Tôi còn nói đùa. Vừa dứt câu thì mặt đất rung chuyển. Tôi hoảng quá chạy ra ngoài tránh nhưng không kịp nên bị cuốn xuống sông cùng với đất đá và những vật dụng khác", chị nói. Theo chị Nhớ, lúc chìm xuống sông, xung quanh toàn nước và vách tôn, chị bị ù tai, uống căng bụng nước. Một lúc sau chị may mắn trồi được lên mặt nước, đúng cánh cửa sau của kiot nên được mọi người xung quanh kéo lên bờ đưa đi cấp cứu.
Còn anh Bùi Thanh Vũ trở về nhà với nhiều vết thương trên người do bị tôn cứa. Anh kể, lúc đó đang dọn bàn ghế thì nghe thấy tiếng nứt răng rắc dưới nền nhà. Vừa dừng tay nghe ngóng thì cả dãy kiot bỗng "bật ngửa" lên. Lập tức anh chạy ra cửa sau định nhảy xuống sông nhưng không kịp. "Cảm giác lúc đó giống như bị ai đó đẩy xuống hố sâu rồi lấp đất lại nên tôi không nghĩ mình sẽ sống. Rất may khi nước tràn vào đầy kiot thì tôi trồi lên được nhưng tay chân nát hết vì bị tôn cắt khắp nơi", anh Vũ nhăn nhó. Anh này cũng cho biết thêm, chiều hôm trước phát hiện ống dẫn nước sinh hoạt tại khu vực có một vết nứt nhỏ nhưng nghĩ không sao. Không ngờ chỉ sau một đêm mà vết nứt này xé toạc từ đầu cầu Rạch Cam đến cuối chợ, kéo theo 12 kiot và cả chục con người xuống sông. Thời điểm chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, hàng chục thanh niên đã dũng cảm lao xuống dòng nước xoáy để cứu người. Những người khác cũng hô hoán, ném can nhựa, phao xuống sông và kiếm xuồng bơi ra cứu người bị nạn. Chiều muộn, đội ngũ cứu hộ đã đưa gần hết vật dụng dưới sông lên bờ. Gần 200 tiểu thương đã ngưng buôn bán và di dời tài sản vì có khả năng nơi đây sẽ tiếp tục sạt lở bởi một số vết nứt mới vừa xuất hiện. Trao đổi với VnExpress.net, bà Lê Minh Xuyến (Bí thư Đảng ủy phường Long Hòa) cho biết đang thỏa thuận tìm một khu đất khác ở khu vực Bình Chánh, đối diện chợ Long Hòa, để giúp tiểu thương buôn bán tạm thời. Về lâu dài UBND quận Bình Thủy đã lên phương án di dời chợ Long Hòa vào khu tái định cư của quận rộng 46 ha ở khu vực Bình Yên. Thiên Phước |