THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 May 2011

Cổ phiếu VN giá thấp: Nhiều giá trị bị ruồng bỏ

http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CGCCAF/co-phieu-gia-thap:-nhieu-gia-tri-bi-ruong-bo.html

6/05/2011 07:59:16

Trong thời điểm này, nếu biết đãi cát tìm vàng, nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được những món hời
(ĐTCK-online) Với mức giá hiện tại của cổ phiếu, nhiều công ty tính ra có mức vốn hóa không bằng lượng tiền mặt công ty đang có, chưa kể các tài sản khác.


Mới đây, một nhóm NĐT có tiềm lực tài chính đã tới một DN niêm yết trên HNX và đề nghị ban lãnh đạo nhượng lại lượng lớn cổ phần với giá cao gấp đôi giá trên sàn. Lý do là nhiều năm qua, DN vật liệu xây dựng có vốn điều lệ 22 tỷ đồng này vẫn tăng trưởng lợi nhuận trên dưới 30%/năm, có nhiều tài sản ngầm, nhưng giá cổ phiếu sắp tụt xuống phân nửa mệnh giá.
Phát hiện ra "món hời", nhưng nhóm NĐT này không thể thu gom trên sàn khi mỗi ngày chỉ vài ngàn cổ phiếu được giao dịch. Nhưng sự hào hứng tắt ngấm khi ban lãnh đạo "ra giá" không gấp đôi mệnh giá không bán (gần gấp 4 giá thị trường). Câu chuyện cho thấy thị trường hiện nay không hoàn toàn phản ánh đúng yếu tố cơ bản về DN. Từ sự hoảng loạn mang tính tập thể, không hiếm các giá trị khác đang bị ruồng rẫy.
Tiền mặt
Trong báo cáo phân tích chuyên đề, rất hiếm khi CTCK khuyến nghị trực tiếp cho khách hàng mua… cổ phiếu một CTCK khác. Tuy nhiên, trong báo cáo nhanh về các cổ phiếu triển vọng năm 2011 được phát hành ngày 24/5, CTCK Rồng Việt (VDSC) đã khuyến nghị khách hàng mua vào cổ phiếu KLS của CTCK Kim Long. Cần nói thêm, chỉ có 9/623 cổ phiếu niêm yết được đề cử theo hai tiêu chí. Thứ nhất, nhóm cổ phiếu của các ông lớn như VNM, HPG, DPM… Nhóm thứ hai là các cổ phiếu cơ hội với hoạt động kinh doanh không bị tổn hại nhiều bởi các khó khăn hiện tại. VDSC khuyến nghị mua KLS dựa trên quan điểm "tỷ lệ tiền mặt đang chiếm phần lớn trong cơ cấu tổng tài sản".
Theo KLS, tính đến hết ngày 31/3, Công ty đang nắm giữ hơn 1.800 tỷ đồng tiền mặt. Ngoài ra, KLS hiện nắm giữ 200 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, 250 tỷ đồng cổ phiếu OTC. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch 24/5, vốn hóa của Công ty chỉ còn trên 1.600 tỷ đồng.
Tương tự với KLS, hết quý I, CTCP Cáp Sài Gòn (CSG) thông báo đang có hơn 200 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng. Con số này ngang bằng với giá trị vốn hóa thị trường của Công ty hiện nay. Tính ra mọi thương hiệu, máy móc thiết bị và lượng hàng tồn kho giá rẻ của Công ty được định giá bằng ...0.
Chưa hết, CTCP Sách và thiết bị trường học Long An (LBE) hoàn toàn không vay nợ, tính đến cuối quý I, lượng tiền mặt gửi ngân hàng là 14,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn hóa của Công ty (vốn điều lệ 11 tỷ đồng) chỉ khoảng 8 tỷ đồng - tương đương 60% tiền mặt hiện có!
Về mặt nguyên tắc, đầu tư cổ phiếu không trông chờ vào kịch bản DN phá sản, tài sản được "xẻ thịt" chia cho các cổ đông. Nhưng trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay, các công ty giàu tiền mặt đang có lợi thế so sánh với phần còn lại của thị trường. Nếu môi trường kinh doanh tiếp tục biến động, có thể thực hiện chiến lược phòng thủ gửi ngân hàng.

Lợi nhuận và cổ tức
NĐT có thể đánh cược từng ngày, từng giờ với các dao động giá trên thị trường, nhưng về lâu dài, lợi nhuận là thứ duy nhất phát sinh ra các dao động đó. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận của các DN trong mùa ĐHCĐ vừa qua có thể đã sớm trở nên lạc hậu từ sự thay đổi về môi trường kinh doanh hoặc được xây dựng theo kiểu "bánh vẽ". Sẽ hợp lý hơn nếu đánh giá lợi nhuận với cam kết cổ tức tiền mặt trong quá khứ và tương lai. Và nếu tỷ suất cổ tức/thị giá cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng thì đáng để xem xét.
Dựa trên tiêu chí này, thị trường đang rẻ rúng khá nhiều mã. Chẳng hạn, cổ phiếu EID của CTCP Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội có giá 6.500 đồng/CP. Theo dự kiến, EID trả cổ tức tiền mặt trên 15% trong năm 2011, tương đương năm ngoái. Như vậy, bây giờ, nếu mua cổ phiếu sách, NĐT dài hạn có thể hưởng tỷ suất lợi nhuận khoảng 23%. Bên cạnh đó là trông chờ khả năng giá cổ phiếu phục hồi.
Tương tự, cổ phiếu LBE rơi xuống mức 7.000 đồng/CP. Năm ngoái, LBE trả cổ tức tiền mặt 20%, EPS đạt 3.100 đồng. Năm 2011, ngoài lợi thế về tiền mặt, LBE cam kết trả cổ tức tiền mặt tối thiểu 10%; CTCP Bao bì Mỹ Châu (MCP) vừa báo lợi nhuận quý I/2011 tăng gấp 4 so với cùng kỳ, kế hoạch trả cổ tức tiền mặt 18% - cao hơn mức 15% năm ngoái, nhưng giá cổ phiếu đã rớt xuống dưới mệnh giá...
Trong số cả trăm cổ phiếu dưới mệnh giá hiện nay, vài chục mã nhờ các mô hình kinh doanh đặc thù hoặc lợi thế đặc biệt, vẫn đảm bảo duy trì lợi nhuận trong năm 2011, không đáng phải nhận sự ghẻ lạnh. Thế nhưng, rủi ro không nằm ở yếu tố nội tại mà mang tính hệ thống từ sự sụt giảm chung của thị trường, khi các cổ phiếu hàng đầu cũng trở nên rẻ tương đối. Tuy nhiên, khác với những cổ phiếu ngang giá một cốc trà đá, vẫn có các cơ hội đâu đó với các mã thị giá thấp, tương tự việc thi thoảng nếu tinh mắt, ta vẫn có thể lựa được vài món đồ có giá trị sử dụng trong đám hàng hóa "sale off".
Giang Thanh