Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-10-21
2013-10-21
Ngày 20/10 được gọi là ngày phụ nữ Việt Nam, ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Nhân dịp này Đài Á Châu Tự Do ghi nhận chia sẻ của một số phụ nữ trẻ về những ngày dành cho phụ nữ tại Việt Nam.
Hình thức hay nội dung?
Mỗi năm hai lần, đến hẹn lại lên, giá hoa ở các thành phố Việt Nam lại tăng giá vì người ta có nhu cầu cao đi mua hoa tặng…phụ nữ. Đó là hai ngày, ngày 8/3 được xem như ngày Quốc tế phụ nữ, và lại có thêm ngày 20/10 dành riêng cho phụ nữ Việt Nam.
Nếu ngày 8/3 được kỷ niệm để đánh dấu một thời điểm mà phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ bùng phát ở nước Mỹ tư bản cách đây đã hơn 150 năm, thì ngày 20/10 là ngày mà Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam được thành lập dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay.
Chúng tôi đã hỏi chuyện một vài bạn nữ trẻ cảm nghĩ về những ngày giành cho phụ nữ. Những bạn nữ này là những người có nhiều hoạt động trong lĩnh vực kinh tế xã hội hiện nay.
Chị Minh, hiện là Giám đốc một công ty tư vấn đầu tư Việt nam Nhật bản nói:
“Nói chung tôi cũng chẳng quan tâm đến những cái ngày lễ hội. Riêng đối với phụ nữ Việt Nam thì tôi thấy nó cũng là hình thức, chẳng có ý nghĩa gì hết.”
Một bạn nữ khác làm việc cho một tổ chức phi chính phủ cũng đồng ý với ý kiến của chị Minh, và nói thêm về sự quan tâm của phụ nữ Việt nam hiện nay đến các vấn đề đời sống xã hội:
“Mấy cái ngày đó nó bị lạm dụng chẳng có ý nghĩa gì, thấy người ta làm thì làm theo, có khi chỉ kèn cựa nhau là ai có nhiều hoa hơn, còn cũng chẳng biết cái ngày đó từ lâu ra. Phụ nữ hiện nay thì chẳng quan tâm đến các vấn đề xã hội đâu, phụ nữ văn phòng thì ăn diện se sua rồi đưa hình món ăn lên facebook, vậy thô, những chuyện chính trị xã hội thì cho rằng là không phải của mình.”
Phụ nữ và hoạt động xã hội, chính trị
Việc quan tâm đến những vấn đề chính trị xã hội của nữ giới, và tiến tới tham gia vào hoạt động chính trị xã hội chính là một trong những nội dung mà giới đấu tranh cho nữ quyền hướng tới. Trong vòng 100 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự thăng hoa quyền lực của nữ giới, nhất là ở các quốc gia tư bản chủ nghĩa, thậm chí ở những quốc gia vốn khắt khe với phụ nữ như các quốc gia Hồi giáo Pakistan và Bangladesh.
Ở các quốc gia thuộc hệ thống cộng sản cũ, phụ nữ rất thường hay được nhắc tới trong các tổ chức phụ nữ, nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Trong trang web của một trường đại học tại Việt Nam, ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam được ghi nhận như sau:
20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Hai từ phụ nữ thường xuyên được nhắc đến trong các diễn văn chính trị, các thông điệp tuyên truyền, đôi khi đến mức khó hiểu như: khu phố phụ nữ tự quản, hoặc là …cung đường phụ nữ…Và dĩ nhiên truyền thông của Đảng rất bận rộn bởi hai từ phụ nữ vào hai ngày 8/3 và 20/10.
Tuy vậy có vẻ như quyền lực chính trị của nữ giới trong các nước cựu cộng sản rất ít được nói đến. Ở phương tây tư bản chủ nghĩa, người ta chứng kiến việc thực thi quyền lực của những người phụ nữ nổi tiếng như bà Thatcher thủ tướng Anh, bà Cresson thủ tướng Pháp, hay những quốc hội lập hiến của các quốc gia Bắc Âu có đa số nghị viên là nữ. Và gần đây nhất, việc khai thông bế tắc chính trị tại Hoa Kỳ đã được bắt đầu bằng một nhóm nghị sĩ nữ tại Thượng viện quốc hội Hoa Kỳ (Time 18/10/13.) Trong khi đó ở các quốc gia cộng sản, người phụ nữ có quyền lực chính trị nhất lại là bà Giang Thanh vợ cố chủ tịch Trung quốc Mao Trạch Đông. Dĩ nhiên đó là một thứ quyền lực chính trị nhiều tranh cãi.
Riêng tại Việt Nam, trong một bài viết của báo Time vào năm 2008, thì sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị được xếp vào nhóm nước trung bình kém.
Blogger Mẹ Nấm, một phụ nữ có nhiều hoạt động xã hội tại Việt Nam nói với chúng tôi về những ngày dành cho phụ nữ ở Việt Nam:
“Từ lúc biết suy nghĩ thì đối với tôi những ngày như 8/3 hay 20/10 không có ý nghĩa thực tế, vì chỉ là những hoạt động tặng hoa, tặng quà cho nhau như một trào lưu của xã hội, như một hình thức. Còn sự bảo vệ những người phụ nữ yếu thế trong xã hội vẫn không được chú trọng. Các trường hợp bạo hành gia đình, phụ nữ bị lạm dụng không được giải quyết đàng hoàng… sự tồn tại của Hội liên hiệp phụ nữ không có vai trò gì.”
Nhận định tương tự về sự bất bình đẳng giới cũng được nhắc đến trong một bài báo trên tở Thanh Niên tại TP HCM, một ngày trước ngày quốc tế phụ nữ 8/3, rằng trong khi sự chênh lệch về lương giữa nam và nữ trên thế giới ngày càng thu hẹp, thì tại Việt Nam cách biệt đó ngày càng tăng và bất lợi cho giới nữ.
Là một người hoạt động xã hội, có nhiều lần gặp phải phiền phức từ nhà cầm quyền, blogger Mẹ Nấm nhìn thấy nhiều hoạt động của phụ nữ trong các hoạt động xã hội đó, chị cho rằng:
“Hiện đã có nhiều phụ nữ dấn thân cho các phong trào tự do dân chủ nhưng không được ghi nhận.”
Trở lại với nhận xét của bạn nữ làm cho tổ chức phi chính phủ ở trên về việc phụ nữ không quan tâm đến các vấn đề xã hội sẽ thấy dường như có sự mâu thuẫn với nhận xét của blogger Mẹ Nấm. Nhưng thực ra là không có mâu thuẫn vì các hoạt động mà blogger Mẹ Nấm đề cập là những hoạt động không được đảng cộng sản công nhận, và dĩ nhiên không bao giờ được truyền thông của Đảng đề cập đến.
Như vậy, những tiến triển của phong trào nữ quyền ở Việt Nam, cũng giống những hoạt động chính trị khác, như yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, thành lập một đảng chính trị đối lập với đảng cộng sản, là thuộc một thế giới khác, một thế giới mà đảng cộng sản không kiểm soát được bằng các tổ chức ngoại vi của họ, trong đó có Hội liên hiệp phụ nữ.
Có thể ý kiến của các bạn nữ trẻ trên đây là của thành phần có học thức, có nhiều suy nghĩ về nữ quyền, trong khi đó nhiều phụ nữ Việt khác không có đòi hỏi chi nhiều ngoài những bó hoa của ngày 8/3 hay 20/10, rực rỡ ngoài đời, hay trên mạng facebook. Nhưng có một điều chắc chắn rằng trong số 250,000 người Việt sống như nô lệ được tổ chức Walk Free đề cập trong một báo cáo vừa qua thì có đến 80% là phụ nữ.