VNE - Thứ sáu, 4/10/2013
7 năm vướng lao lý, qua 4 phiên xét xử, ông Phạm Đình Tiếng (cựu thiếu tá Công an Hà Nội) tiếp tục bị tuyên phạm tội Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chiều 4/10, TAND Tối cao sau hai ngày xét xử đã tuyên phạt ông Tiếng (nguyên cán bộ Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an Hà Nội, PC17) án 18 năm tù cho 2 tội danh. Kháng cáo kêu oan, đề nghị tuyên "không có tội" của ông Tiếng bị cấp phúc thẩm cho rằng không có cơ sở xem xét.
Theo cáo buộc của cơ quan công tố, vụ "chợ ma túy Thanh Nhàn" do Cao Thị Lan cầm đầu đã khép lại với 2 vụ án lớn, 78 người bị phạt tù. Trong số này 13 bị cáo nguyên là cán bộ công an. Sau phiên phúc thẩm ngày 5/4/2010, phần liên quan ông Tiếng bị TAND Tối cao hủy để điều tra lại từ đầu.
Ngày 27/4, tại phiên sơ thẩm lần 2, ông Tiếng bị TAND Hà Nội quy kết thêm hành vi nhận 12.000 USD "chạy án" cho vợ chồng Bùi Trọng Bảy và Trần Thị Lan, cùng là bị can trong vụ án. Trước đó, ông bị báo buộc nhận hối lộ 8.000 USD để "lo lót" cho Nguyễn Viết Mạnh, người bán thuê ma túy; lừa đảo nhận 5.000 USD "chạy án" cho Trần Thị Lành (chị vợ Bảy) trong khi không còn tham gia ban chuyên án. Do vậy, ông Tiếng lĩnh thêm một năm tù, chịu tổng hình phạt 18 năm cho 2 tội Nhận hối lộ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên phúc thẩm lần 2 mở sáng 3/10, bị cáo Tiếng với dáng vẻ mệt mỏi cho rằng cấp sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của Bảy và Lan quy kết ông nhận hối lộ 20.000 USD và lừa đảo 5.000 USD là không có căn cứ.
Theo ông Tiếng, với vai trò trinh sát, ông không có thẩm quyền triệu tập lấy lời khai của các nghi can cũng như “thả người” nên không thể hứa hẹn những điều trên. Cựu thiếu tá cho rằng ông là nhân tố tích cực, chủ động tham gia triệt phá đường dây ma túy gây nhức nhối giữa lòng Hà Nội từ nhiều năm qua, lập danh sách 20 người nghi vấn. “Tôi làm gì cũng bị giám sát và phải được sự đồng ý của lãnh đạo”, ông Tiếng trình bày.
Bị cáo Phạm Đình Tiếng, từng là cựu thiếu tá công an, bị bắt giam từ năm 2006.Ảnh: Việt Dũng
|
Có mặt tại tòa với tư cách nhân chứng, Bảy ban đầu khai đưa ông Tiếng tổng cộng 28.000 USD, sau khai 25.000 USD. Nhận có biết việc này và vài lần đi giao tiền cùng chồng, Lan khai không thống nhất, lúc 23.000 USD khi 25.000 USD, trong khi địa điểm giao nhận cũng không nhớ rõ.
Nhân chứng Nguyễn Đại Dương (từng là chủ vũ trường New Century, có thời gian ở cùng buồng giam với Bảy) khẳng định nghe Bảy tâm sự rằng giữa anh ta và cơ quan điều tra có việc "đổi chác" nên đổ vấy tội Nhận hối lộ cho ông Tiếng. Nhân chứng thứ hai tại phiên tòa là Dương Trường Giang (từng bị giam cạnh buồng với Lan) cho hay được Lan hỏi về việc tư vấn pháp luật về việc "phản cung" để vu khống cho ông Tiếng.
Đại diện gia đình bị cáo, vợ ông Tiếng cho rằng trước khi bị bắt ông có nói rằng "đang bị hãm hại". Theo bà, danh sách 20 nghi can ông Tiếng lập đã bị bỏ ngoài hồ sơ và thay vào đó là một tài liệu “lạ” với dấu hiệu bị tẩy xóa, chữa bút phê... Nêu ra nhiều chứng cứ, cũng là công an, vợ ông Tiếng cho rằng vụ án có dấu hiệu làm sai lệch nhằm "kết tội oan cho chồng tôi".
Chiều 4/10, khép lại 2 ngày xét xử với nhiều luồng ý kiến, HĐXX phúc thẩm nhận định lời khai về việc đưa tiền cho ông Tiếng của vợ chồng Bảy - Lan có căn cứ. Lời khai của hai nhân chứng "không có chứng cứ để chứng minh là sự thật".
Việt Dũng