Gia Minh, biên tập viên RFA - 2013-10-13
Hoạt động công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua các dự án đầu tư buộc phải bảo đảm qui trình đánh giá tác động môi trường nhằm không gây ra những hệ lụy tiêu cực đến cuộc sống của cộng đồng và thiên nhiên.
Trong thực tế công tác này đang được tiến hành thế nào tại Việt Nam? Những hệ lụy do việc đánh giá tác động môi trường không đến nơi đến chốn thế nào? Và những công tác cần thực hiện trong lĩnh vực này ra sao?
Những vấn đề này được nêu ra trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.
Thực tế công tác
Luật pháp Việt Nam có những qui định rõ ràng buộc các dự án đầu tư phát triển có tác động đến môi trường tự nhiên phải tiến hành công tác đánh giá những ảnh hưởng mà hoạt động của dự án sẽ gây ra cho tự nhiên và những người dân trong khu vực của dự án đó.
Ông Nguyễn Vũ Trung, viên chức Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động Môi trường, thuộc Bộ Tài Nguyên- Môi trường, nói lại về những qui định như thế và thực tế chấp hành tại Việt Nam:
“Trong luật có những qui định rất rõ về loại hình rồi, và trong thông tư cũng có những hướng dẫn rất cụ thể để làm BTM ( đánh giá tác động môi trường).
Chế tài chưa phù hợp lắm với cuộc sống vì vừa rồi như Nicotex Thanh Thái, xử phạt hơi thấp.”
VN trong bối cảnh đang phát triển, đất nước còn nghèo và chưa có những hướng dẫn đánh giá tác động đầy đủ về mảng xã hội, sức khỏe, rối tác động đến môi trường chưa làm kỹ.
-Nguyễn Huỳnh Thuật
Chuyên gia về rừng Nguyễn Huỳnh Thuật, một người tích cực kêu gọi bảo vệ môi trường của khu rừng quốc gia Cát Tiên trước kế hoạch của Tập đoàn Đức Long - Gia Lai xây dựng hai dự án thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai đoạn đi qua Vườn Quốc gia Cát Tiên, cho biết thực tế hoạt động đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam mà ông theo dõi biết được như sau:
“Việt Nam trong bối cảnh đang phát triển, đất nước còn nghèo và chưa có những hướng dẫn đánh giá tác động đầy đủ về mảng xã hội, sức khỏe, rối tác động đến môi trường chưa làm kỹ. Thứ hai nữa đơn vị chủ đầu tư lại thuê đơn vị đánh giá tác động môi trường, nên thường bao giờ chủ đầu tư cũng thuê người ủng hộ họ chứ không mang tính chất độc lập.
Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định, nhưng thẩm định để làm chứ không phải để dừng lại. Bước thẩm định là bước cuối cùng của quá trình đầu tư. Tôi thấy qui trình ‘lộn ngược’. Có một số bài nói thủy điện Việt Nam đi ngược với thế giới là như vậy đó. Nói chung những đánh giá tác động của Việt Nam chỉ làm cho đúng thủ tục thôi, gọi là cho đẹp về mặt hình thức, thủ tục; chứ không phải một cửa để đóng lại hay mở ra.
Trường hợp Cát Tiên có phải dừng lại do đánh giá tác động môi trường hay không chẳng qua do dư luận lên tiếng nhiều quá, rồi quốc hội và đặc biệt tỉnh Đồng Nai nên là trường hợp ngoại lệ thôi. Còn bao giờ đã nằm trong qui hoạch mà các cấp chính quyền đã cho phép đầu tư rồi thì bao giờ đánh giá tác động môi trường cũng được thông qua.”
Hệ lụy tiêu cực
Công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án tại Việt Nam trong thời gian qua không được làm đến nơi đến chốn đã dẫn đến hậu quả là hệ sinh thái tại Việt Nam bị suy thoái ở mức được nói là trầm trọng.
Thống kê được đưa ra tại hội thảo Việt Nam- Hàn Quốc lần thứ tư về ‘Quy hoạch Môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường’ diễn ra ở Hà Nội hồi ngày 15 tháng 8 vừa qua, cho thấy diện tích rừng, hệ sinh thái có đa dạng sinh học cao nhất tại Việt Nam giảm từ 72% hồi năm 1909, xuống còn 43% hồi năm 1941 và 28% vào năm 1995. Diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam trong 50 năm qua giảm đến 80%, và chừng 96% các rặng san hô bị đe dọa hủy hoại một cách nghiêm trọng.
Ngoài những con số thống kê cụ thể như thế, chuyên gia Nguyễn Huỳnh Thuật còn nêu ra những tác động bất lợi do việc đánh giá tác động môi trường không được làm đến nơi đến chốn, thậm chí trong trường hợp được nêu ra là làm theo yêu cầu đơn đặt hàng theo ý của chủ đầu tư dự án mang tính hình thức, thiếu căn cứ, thậm chí còn trái ngược thực tế…
“Cụ thể các đập bị vỡ như đập Dak Mek, hoặc thủy điện đổi dòng trên đầu nguồn Sông Ba… Khiến cho cuộc sống người dân ở vùng hạ du thay đổi đột ngột. Mùa màng mất mát. Trường hợp như vừa rồi xả lũ mà không cho dân biết. Vùng đập thủy điện Sông Tranh 2 đến nay dư chấn vẫn còn trong lòng người, hằng triệu người ở vùng Sông Tranh họ không biết sống chết ra sao; lãnh đạo cấp cao đâu có ai dám ở đó; hoặc họ xuống rồi đi thôi còn người dân là người phải gánh chịu đau khổ đó. Đó là những hệ lụy trước mắt, còn những hệ lụy tiềm ẩn, lâu dài rất lớn như việc chôn hóa chất, rồi việc xả chất độc ra các dòng sông khiến nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm khiến sức khỏe của người dân, cộng đồng bị ảnh hưởng.
Nên khôi phục lại chuyện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trước khi đi đến quyết định đầu tư nhằm giúp cho người ta thấy có thể được hay không thể được.
-TS Nguyễn Ngọc Sinh
Môi trường không có ranh giới nên ảnh hưởng đến toàn cầu. Phá rừng làm ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng rất lớn.
Đa dạng sinh học nghèo đi cũng dẫn đến đa dạng văn hóa bị mất mát; tại Việt Nam nhất là đồng bào dân tộc bản địa ở vùng rừng. Nền tảng đa dạng văn hóa là trên đa dạng sinh học; đó là một mất mát rất lớn mà chúng ta chưa có một đánh giá nào khoa học và độc lập về mất mát đa dạng văn hóa và đa dạng sinh học như thế nào!”
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết việc đặt vấn đề suy giảm đa dạng sin học ở Việt Nam tại hội thảo hồi ngày 15 tháng 8 vừa qua:
“Tại sao có rất nhiều nỗ lực kể cả việc thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường lẫn Luật Bảo tồn Đa dạng Sinh học mà đa dạng sinh học của Việt nam vẫn có dấu hiệu như vậy? Cũng như ô nhiễm công nghiệp đến môi trường có giảm tốc độ nhưng ô nhiễm nói chung vẫn gia tăng? Họ liên hệ có thể khâu đánh giá tác động môi trường chưa được làm thật tốt, ví dụ khi dự án ảnh hưởng đến Khu Bảo tồn, đến vườn quốc gia, hay các khu rừng trồng…, việc đánh giá tác động môi trường làm chưa được tốt. Đó là cách liên hệ để nói đến những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng và đa dạng sinh học vẫn đang suy giảm.”
Công tác triển khai
Trước thực trạng đáng ngại của hoạt động đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển ở Việt Nam trong những năm vừa qua gây ra những hệ lụy tiêu cực như thế, cơ quan chức năng Việt Nam đang triển khai những biện pháp gì?
Ông Nguyễn Vũ Trung nói đến hoạt động chỉnh sửa luật pháp sao cho phù hợp với thực tiễn và biện pháp chế tài mạnh đủ sức răn đe những đối tượng không thực thi:
“Bây giờ mình đang sửa đổi luật. Tất cả mọi cái phải theo quá trình, phải hoàn thiện dần chứ không thể một sớm, một chiều được. Ý thức phải được tăng dần lên theo thời gian và các chế định phải dần dần mới đi vào cuộc sống. Trong điều kiện đất nước đang phát triển thì nhiều cái phải điều chỉnh dần, chứ rất khó để điều chỉnh ngay trong tức thì được.
Nước Nhật từ năm 60 đến năm 70, người ta cũng phải chấp nhận đánh đổi, nhưng dần dần mọi việc phải đi vào quỹ đạo; không thể nào phát triển mà không tính đến việc bảo tồn được.”
Trong lĩnh vực luật pháp liên quan công tác đánh giá tác động môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh cũng có ý kiến như sau:
“Đây là bước trực tiếp so sánh kinh nghiệm giữa những qui định của luật năm 1993; tuy còn mang tính nguyên tắc đơn giản nhưng cũng có những cái rất hữu ích trong thực tiễn, và có những sửa đổi đến năm 2005; giờ tổng kết lại xem thế nào. Chúng tôi thấy rất tốt, nhưng cũng có những điều rút kinh nghiệm ra, tức lấy ý kiến của cộng đồng nhân dân đối với các dự án chuẩn bị triển khai ở địa bàn cụ thể nên như thế nào. Luật có qui định nhưng những hướng dẫn chưa bảo đảm cho thật tốt trong việc lấy ý kiến của cộng đồng, tìm sự đồng thuận của cộng đồng đối với các dự án sắp sửa triển khai. Đồng thời rút ra kinh nghiệm đối với một số dự án lớn có thể có những ảnh hưởng, tác động mạnh, sâu và mở rộng đối với môi trường nên khôi phục lại chuyện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trước khi đi đến quyết định đầu tư nhằm giúp cho người ta thấy có thể được hay không thể được. Còn chưa có đánh giá tác động môi trường sơ bộ mà có đánh giá tác động môi trường thì có thể làm khó cho nhà đầu tư.”
Ngoài ra Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh cũng đề cập đến một số công tác khác trong đó có sự tham gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam:
“Loại trừ đi những dự án làm không đúng qui định, cũng như khi làm xong rồi mới phát hiện là không hợp lý. Cái gì cũng phải xem xét rất cụ thể; nhưng chúng tôi chỉ có một số người thôi, mỗi người một chuyên môn sâu; còn những gì mà dư luận có ý kiến, chúng tôi cũng nghe ngóng, khi nào thật cần thiết mới tham gia; chứ không phải ‘ba đầu, sáu tay’ gì để trả lời mọi chuyện và tham gia ‘tất tần tật’ được.”
Tạp chí Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.