Mới đây, công ty Alphanam (mã ALP) bất ngờ đề xuất xin hủy niêm yết tự nguyện trên sàn chứng khoán. Ông chủ của Công ty này thừa nhận, hiện chỉ hứng thú với việc thâu tóm các doanh nghiệp thua lỗ và kiếm lời từ việc phục hưng lại từ sự thua lỗ đó.
Hứng thú kiếm lời từ thâu tóm doanh nghiệp thua lỗ
Cổ phiếu ALP chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM từ giữa tháng 12 năm 2007. Tuy nhiên, hiện nay mã cổ phiếu của Alphanam thấp kỷ lục trong 3 tháng nay với mức 8.800 đồng và đang trong diện bị cảnh báo. Theo báo cáo tài chính kiểm toán công bố trước đó, năm 2012, Alpham lỗ gần 150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đang âm khoảng 145 tỷ đồng. Hiện công ty này có tổng tài sản trên 3.480 tỷ đồng, gồm 17 công ty con và 2 công ty liên kết; hoạt động đa ngành, gồm sản xuất thiết bị điện và vật liệu điện; cho thuê ôtô, buôn báo gạo, bất động sản, lắp đặt thang máy...
Một trong những lý do được Alphanam đưa ra là hiện nay, hoạt động chính của ALP hiện nay là đầu tư tài chính, chủ yếu là nghiệp vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Phát biểu tại đại hội cổ đông, chủ tịch HĐQT Alphanam, ông Nguyễn Tuấn Hải cho biết, trước khi niêm yết, cổ tức dành cho các cổ đông ALP đều không dưới 25%. Từ khi niêm yết, cổ tức chỉ còn là "kỷ niệm đẹp" khi Alphanam đứng trước sức ép tăng trưởng nóng. Ông Hải hy vọng, hủy niêm yết, công ty có thể thoải mái hơn trong việc chi trả cổ tức, các cổ đông sẽ "sống được bằng cổ tức". Ông chủ của Alphanam thừa nhận, hiện chỉ hứng thú với việc thâu tóm các doanh nghiệp thua lỗ và kiếm lời từ việc phục hưng lại các công ty này. Và, nguyên tắc là chỉ mua những gì có thể "sờ được" có khả năng thanh khoản được nhưng có mức giá mua thấp nhất.
Trước câu hỏi, khi xảy ra tranh chấp giữa "cá lớn" và "cá bé" thì cơ quan nào sẽ giải quyết việc này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện nay luật của chúng ta còn rất mù mờ, vì thế khi xảy ra tranh chấp, các bên tự chọn cho mình hình thức để xử lý vấn đề. Các bên có thể đưa nhau ra tòa... Tuy nhiên, tất cả các quy trình và cơ chế đó còn rất hạn chế. Vì thế, chúng ta cần bổ sung luật về vấn đề này. Kể cả vấn đề định nghĩa M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) ở nước ta còn chưa rõ. Luật Doanh nghiệp của chúng ta cũng đang được đề nghị bổ sung từ này vào.
Alphanam quyết hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, luật sư Trần Mỹ Long (đoàn Luật sư TP. Hải Phòng) cho rằng: Việc công ty Alphanam rút khỏi thị trường chứng khoán rồi mua lại các công ty làm ăn thua lỗ có thể do chiến lược kinh doanh của họ. Dù công ty tư nhân, hay công ty Nhà nước đều có quyền mua lại công ty khác theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Hai bên thương lượng với nhau và cuối cùng được thể hiện trên bản hợp đồng ký kết.
Hiện nay việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đang trở thành xu hướng ở nước ta. Việc mua bán, sáp nhập của các doanh nghiệp Nhà nước đã có những quy định điều chỉnh, ràng buộc rõ ràng. Thế nhưng, việc mua bán, thâu tóm, sáp nhập của các doanh nghiệp tư nhân thì còn nhiều điều băn khoăn. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đây là một xu hướng tốt, diễn ra phổ biến trên thế giới. Có điều, ở nước ta, hoạt động kiểu này còn mới mẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần hướng dẫn về luật. Những rủi ro tiềm ẩn ở bên trong, ví như vấn đề về hoạch định giá trị. Doanh nghiệp kê khống giá trị lên cao, bên mua không tính hết được độ rủi ro của nó mà mua vào thì dễ bị rơi vào tình trạng lỗ nặng. Dù hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp rất cần thiết nhưng hiện nay nó còn nhiều khoảng trống về luật, nhận thức và kinh nghiệm của các doanh nghiệp.
Ví dụ bên định giá "ăn tiền" nên định giá tài sản sai lệch được lợi cho bên bán hoặc bên mua. Nếu người ta mua nhầm và phát hiện ra thì tìm ai để "bắt đền", sửa ở đâu. Quyền lợi của người lao động trong quá trình mua bán đó sẽ được giải quyết thế nào? Những khoản truy thu trách nhiệm về sau như khi mua công ty, những khoản nợ cũ thì ai là người phải trả... Những quy định liên quan đến việc đó hiện nay ở nước ta còn rất mờ. Thứ hai, phải có cơ chế trách nhiệm và thông tin để tất cả các sự việc được bày ra phải đảm bảo, tránh trường hợp lừa đảo hoặc ép", chuyên gia Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Tiềm ẩn rủi ro và những nguy cơ
Bên cạnh đó, luật sư Long cũng cho hay, hiện nay việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) và thôn tính các doanh nghiệp khác đang dần trở thành xu thế vì làm như vậy sẽ tập trung được sức mạnh để trở thành những đầu tàu kinh tế. Nhiều công ty làm ăn yếu kém, có nguy cơ phá sản, bán cho những công ty có tiềm lực kinh tế. Công ty này trở thành công ty con của công ty mua nó và chịu sự chi phối của nó. Một số công ty đang làm ăn thua lỗ, sau thời gian tái cơ cấu có thể phục hồi lại, làm ăn tốt hơn, sinh lãi. Nhìn vào bề ngoài, hai bên có thỏa thuận đàng hoàng, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đằng sau nó là gì thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Liệu có hiện tượng "cá lớn, ép cá bé" đến mức phải bán lại công ty cho họ với “giá rẻ” hay không? Nếu cơ quan công an mà phát hiện ra những sự việc trên thì bên "ép" sẽ bị xử lý hình sự như thế nào?
Hiện nay, các quy định về hoạt động mua bán, sáp nhập đã được hình thành trong các quy định của luật Doanh nghiệp, luật Chứng khoán, luật Cạnh tranh, luật Đầu tư... nhưng nó mới chỉ dừng lại ở việc xác lập về hình thức, trong khi đó về mặt nội dung cần phải quy định đầy đủ hơn nữa bởi hoạt động này còn nhiều nội dung liên quan đến định giá doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề tài chính, cổ phiếu, cổ phần, người lao động, thuế phí... của doanh nghiệp sau khi mua bán sáp nhập.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn khó khăn trong hoạt động này vì chưa có xếp hạng tín nhiệm chính thức với các doanh nghiệp Việt, vấn đề thủ tục mua bán, sáp nhập còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, còn thiếu thông tin trong hoạt động mua bán sáp nhập thông tin về giá cả, thị trường, thương hiệu, quản trị...
Sẽ có nhiều chiêu để ép nhau
Đằng sau câu chuyện doanh nghiệp lớn mua những công ty thua lỗ, rất có thể họ dùng chiêu ép doanh nghiệp nhỏ phải bán cho họ với giá rẻ. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, hình thức ép của các doanh nghiệp có rất nhiều dạng, không phải ép theo kiểu đánh nhau ngoài chợ trời. Tùy từng trường hợp cụ thể, các doanh nghiệp lớn có thể dùng quan hệ hoặc dùng các sức ép khác, kể cả "dọa hành chính", "doạ hình sự" để ép nhau. Ví dụ như doanh nghiệp nhỏ bị sai phạm điều gì đó, nếu doanh nghiệp lớn tiết lộ bí mật thì doanh nghiệp nhỏ sẽ bị thiệt nhiều hơn là bán cho họ.
|
Thành Huế