Liên quan đến vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm
vắc-xin viêm gan B, một số chuyên gia y tế nghĩ đến giả thiết có thể
trong vắc xin có 'chất lạ'.
- 3 trẻ tử vong sau tiêm: Kết luận ban đầu
- 3 giả thuyết vụ trẻ tử vong sau tiêm tại Quảng Trị
- 3 bé chết sau tiêm: Tủ bảo quản mất điện
Liên quan đến vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, sáng nay 22/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tể Trung ương, Trưởng Ban quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia làm trưởng đoàn cùng đại diện Viện Pasteur Nha Trang trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng và Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, có 3 giả thuyết gây ra 3 ca tử vong, đó là nghi vấn về chất lượng vắc xin, chất lượng dịch vụ tiêm chủng (vận chuyển, bảo quản vắc xin, quy trình tiêm chủng...) hoặc bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên của trẻ.
GS.TS
Nguyễn Trần Hiển: “Đến thời điểm này chưa thể kết luận chính xác nguyên
nhân dẫn đến ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin phòng viêm gan
B”
Sau gần 3 ngày làm việc với mục tiêu thu thập đầy đủ các bằng chứng
khoa học có liên quan đến sự cố tiêm chủng này, hội đồng tư vấn chuyên
môn, đánh giá tai biến trong sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế tỉnh
Quảng Trị và đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đã loại trừ nguyên nhân do sự
trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ; tuy nhiên còn 2 nguyên nhân
(dù thấp) chưa được loại trừ đó là do chất lượng vắc xin và dịch vụ tiêm
chủng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hoá.Trong quá trình điều tra và cả khi đã có những kết luận ban đầu, theo ông Hiển, một số chuyên gia y tế nghĩ đến giả thiết, có thể trong mũi thuốc tiêm cho 3 nạn nhân có chất lạ nên dẫn đến tình trạng trẻ bị sốc phản vệ với những triệu chứng rất giống nhau. Cả 3 ca tử vong về lâm sàng đều diễn biến rất nhanh như tím tái, khó thở, lịm đi trong vòng 10 phút sau tiêm; kết quả mổ tử thi đại thể có biểu hiện xuất tiết, xung huyết, xuất huyết đa phủ tạng (phổi, tim, gan, thận lách, não, màng ruột).
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giả thiết, mọi kết luận cuối cùng cần phải chờ kết quả kiểm nghiệm vắc xin và mẫu bệnh phẩm mà Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị đang gửi đi xét nghiệm tại Viện pháp y quốc gia (kiểm định chất lạ) và Viện kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế (kiểm định chất lượng, tính an toàn của vắc xin).
'Một tháng nữa sẽ có kết quả cuối cùng'
GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, tất cả những kết luận sơ bộ trên chỉ là những giả thuyết đưa ra, Viện pháp y và Viện kiểm định vắc xin đang bắt tay vào công việc tìm nguyên nhân gây ra tai biến do vắc xin viêm gan B, dự kiến, sau khoảng một tháng nữa sẽ có kết quả cuối cùng về vụ việc này.
Trước phản ứng của giới chuyên môn cho rằng nên bỏ quy định tiêm vắc-xin viêm gan B 24 giờ sau sinh mà thay bằng tiêm cho trẻ 2-3 tháng tuổi sẽ ít tai biến hơn, GS.TS Hiển cho rằng, Vắc xin viêm gan B là một trong những văc xin an toàn nhất và ít phản ứng phụ nhất vì nó là vắc xin tinh chế. Việc tiêm tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh là rất quan trọng vì nó sẽ phòng được 85-90% các trường hợp lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sang con. Càng tiêm muộn, tỷ lệ này càng giảm đi.
Cũng theo ông Hiển, việc tiêm phòng 24 giờ sau sinh thực sự đã góp phần giảm tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam, từ 15-20% vào những năm 1990 xuống còn 2% vào năm 2010, đạt mục tiêu của Tổ chức y tế thế giới khu vực Tây thái Bình Dương, và đang tiến tới khống chế tỷ lệ này xuống dưới 1% vào năm 2007, góp phần giảm tỷ lệ viêm gan mãn, xơ gan và ung thư gan ở Việt nam trong tương lai. Kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Trung quốc, Hàn Quốc, Thái lan... cho thấy bằng việc triển khai tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh, họ đã khống chế thành công tỷ lệ viêm gan B xuống dưới 1%.
Mai Hương