(Dân trí) - TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ
Y tế, khẳng định đây là trường hợp nghiêm trọng và vì thế đoàn công tác
của Bộ Y tế đã lập tức đến địa phương để tìm hiểu.
>> Vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong: Tủ lạnh mất điện làm ảnh hưởng tới vắc xin?
Vắc xin viêm gan B “chịu” được nhiệt cao?
Nhiều người băn khoăn, liệu sự cố mất điện có phải là nguyên nhân
dẫn đến cái chết định mệnh của 3 trẻ sơ sinh tại huyện Hướng Hóa, Quảng
Trị sau tiêm vắc xin viêm gan B?
Chia sẻ với báo chí ngày 23/7, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y
tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc bảo quản vắc xin thường phải tuân
theo những quy định tương đối ngặt nghèo, tuy nhiên các loại vắc xin
cũng có những giới hạn của nó mà trong thời gian ngắn, trong điều kiện
nhiệt độ trong tủ lạnh mất điện một cái đột ngột lên cao ngay mà nó còn
các đá vẫn có thể duy trì được một thời gian, trong một thời gian ngắn
như thế vắc xin có thể đảm bảo. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào từng
loại vắc xin, có loại để được ở nhiệt độ 37 độ C trong vài ngày như vắc
xin sởi.
Cùng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh
dịch tễ T.Ư cho biết, nhiều ý kiến cũng lo ngại, sự cố mất điện 2,5
tiếng lúc 5h30 sáng ngày 20/7 tại thị trấn Khe Sanh, trong đó có Bệnh
viện đa khoa huyện Hướng Hóa, có thể ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin
viêm gan B tiêm cho 3 nạn nhân. Tuy nhiên về lý thuyết việc mất điện
trong thời gian ngắn không ảnh hưởng gì đến chất lượng, tính an toàn của
vắc xin. Vắc xin viêm gan B có tính ổn định cao với nhiệt độ, có thể
chịu ở nhiệt độ 370 C trong vòng 1 tháng mà vẫn không làm
thay đổi tính sinh miễn dịch của vắc xin. Tuy nhiên vẫn nên bảo quản vắc
xin ở nhiệt độ 2-8 độ C.
Tiếp tục “truy” nguyên nhân tử vong
Ông Bình cho biết, hiện mẫu vắc xin, mẫu bệnh phẩm (máu, mô phổi,
não, gan, thận, tim) của 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại
Quảng Trị đã được gửi đến các phòng thí nghiệm quốc gia để xét nghiệm,
tìm nguyên nhân tử vong. Các mẫu bệnh phẩm này đều do bên công an thực
hiện họ cũng đang giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan, sẽ gửi về Cục
khoa học hình sự (Bộ công an) giúp làm rõ.
“Chưa bao giờ Việt Nam xảy ra sự việc như vừa xảy ra ở Quảng Trị. Ở
Nghệ An từng có chùm ca bệnh 3 trẻ nhưng trên địa bàn khác nhau, cùng
huyện nhưng xã khác. Còn ở đây, 3 trẻ cùng một lúc, cùng một nơi, tại
ngay một bệnh viện là chưa từng có. Trường hợp này rất hy hữu, nghiêm
trọng vì thế đoàn công tác của Bộ Y tế đã lập tức đến địa phương để tìm
hiểu”, ông Bình nói.Về nguyên khiến 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B, ông Hiển cho biết: “Sốc phản vệ không rõ nguyên nhân” chỉ là kết luận ban đầu. Một số chuyên gia y tế nghĩ đến giả thiết, có thể trong mũi thuốc tiêm cho 3 nạn nhân có chất lạ nên dẫn đến tình trạng trẻ bị sốc phản vệ với những triệu chứng rất giống nhau. Cả 3 ca tử vong về lâm sàng đều diễn biến rất nhanh như tím tái, khó thở, lịm đi trong vòng 10 phút sau tiêm; kết quả mổ tử thi đại thể có biểu hiện xuất tiết, xung huyết, xuất huyết đa phủ tạng (phổi, tim, gan, thận lách, não, màng ruột). Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giả thiết, mọi kết luận cuối cùng cần phải chờ kết quả kiểm nghiệm vắc xin và mẫu bệnh phẩm mà Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị đang gửi đi xét nghiệm tại Viện pháp y quốc gia (kiểm định chất lạ) và Viện kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế (kiểm định chất lượng, tính an toàn của vắc xin). Theo tôi, sau khoảng 1 tháng nữa thì có thể sẽ có kết quả cuối cùng về vụ việc này”.
Ông Bình bày tỏ: “Tiêm vắc xin liên quan đến tính mạng con người nên cần quan tâm chặt chẽ. Khi đã tổ chức tiêm chủng thì các cơ sở phải ghi chép, báo cáo, trường hợp nặng, tử vong thì phải điều tra kỹ xem có liên quan vắc xin hay không. Việc tiêm chủng tại BV huyện Hướng Hóa đã có nhiều sai sót (tiêm ngay tại phòng đẻ, không có tủ bảo quản vắc xin, bỏ chung với các sinh phẩm khác)… những khuyết điểm này phải rút kinh nghiệm, đề nghị chương trình tiêm chủng mở rộng tập huấn, tăng cường thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, chất lượng vắc xin cũng cần kiểm nghiệm, dù cùng với vắc xin đó đã sử dụng 600.000-700.000 liều trên cả nước, chỉ xảy ra tai biến tại địa phương này, tuy ít nghĩ đến chất lượng vắc xin nhưng vẫn phải kiểm tra”.
Bộ Y tế chỉ ra quyết định tạm dừng 2 lô vắc xin liên quan đến sự cố 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị. Hiện tại, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn còn 2 lô vắc xin viêm gan B khác, đủ để cung cấp cho các địa phương nhằm tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh.
Có thể lùi thời gian tiêm vắc xin viêm gan B?
Ông
Bình cho biết, giai đoạn cuối 2007, đầu năm 2008 có nhiều trường hợp
phản ứng sau tiêm chủng đối với vắc xin viêm gan B, khi đó tổ chức khá
nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, mời quốc tế đến xem
các nước sử dụng như thế nào, WHO khuyến cáo nên sử dụng như thế nào?
Kết quả đưa ra, trong điều kiện như Việt Nam với tỷ lệ lưu hành vi rút
cao nên mục tiêu phải tiêm sớm để bảo vệ cho trẻ khi đẻ. Với khoảng 10%
bà mẹ có sẵn vi rút trong máu, quá trình sinh đẻ có thể xâm nhập vào cơ
thể trẻ nên phải tiêm sớm, tiêm muộn thì giá trị bảo vệ trẻ kém đi, trẻ
mắc các bệnh này nguy cơ dẫn đến xơ gan, ung thư gan, tử vong rất cao.
Với
những trường hợp mẹ không mắc bệnh có thể không cần tiêm chủng ngay,
nhưng vấn đề làm sao phát hiện bởi việc xét nghiệm trước khi đẻ cũng tốn
kém, hơn nữa, làm hồ sơ sinh có xét nghiệm viêm gan B chỉ một số bệnh
viện tại Hà Nội, TP HCM thực hiện, còn tại các nơi khác, dân có thể tự
bỏ tiền chủ động làm. Thời điểm đó, Bộ Y tế cũng đặt ra phương án tất cả
các sản phụ làm xét nghiệm trước khi sinh, chỉ những trường hợp nào
đang mang vi rút ở trong máu thì mới tiêm cho trẻ, nhưng đặt vấn đề đó
ra lớn quá, không đáp ứng được, mà cũng không nước nào làm chuyện đó.
Hiện
tại WHO vẫn khuyến cáo tiêm trong 24 giờ sau sinh vì sức khỏe chung của
cộng đồng, tuy nhiên trước tình hình xảy ra, lãnh đạo bộ sẽ chỉ đạo họp
hội đồng chuyên môn để cân nhắc thời điểm sử dụng vắc xin viêm gan B.
|
Hồng Hải