Các rừng thông ở nội ô lẫn ngoại ô TP Đà Lạt lần hồi bị “giết sạch” để phục vụ cho nhu cầu của con người
Trận mưa đá bất thường xảy ra ngày 7-5 ở
TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là minh chứng mới nhất về tình trạng thời tiết bất
thường ở TP này trong những năm gần đây. Đây chính là hậu quả sau những
“bạc đãi” mà con người gây ra cho mảnh đất xinh đẹp này, nhất là tình
trạng chặt phá thông tràn lan.
Rừng thông phía sau Dinh 1 bị tàn sát để lấy đất canh tác, làm nhà ở.
Ảnh: ÁNH NGUYỆT
“Xóa trắng” lấy đất làm nhàẢnh: ÁNH NGUYỆT
Nhiều người dân sống lâu năm ở TP Đà Lạt cho biết từ năm 2000 trở
về trước, có hàng chục cây thông to cao vút mọc dọc đường Bùi Thị Xuân
thơ mộng. Nay, trên con đường này là hàng chục nhà hàng, khách sạn mọc
lên, mảng rừng thông xanh mát vì thế gần như bị “xóa trắng”. Từ đầu
đường đến cuối đường chỉ còn vỏn vẹn 15 cây đứng chơ vơ, khép nép giữa
những mái nhà tôn. Nhà nghiên cứu Đà Lạt Lê Phỉ cho biết không riêng gì
đường Bùi Thị Xuân mà thông trên rất nhiều tuyến đường khác của TP này
cũng bị vạt sạch. “Chẳng những thông nằm hai bên đường Hùng Vương bị đốn
trụi mà phía dưới thung lũng cũng bị chặt sạch” - ông Phỉ ngậm ngùi.
Rừng thông bạt ngàn ở đồi Giáo dục giờ chỉ còn lưa thưa vài cây. Thông bị đốn hạ
để làm nhà cửa Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Tương tự, cả cụm rừng thông lâu năm nằm phía sau UBND tỉnh Lâm Đồng
cũng biến mất, nhường đất cho cả một khu phố văn hóa mọc lên. Những gốc
thông xù xì còn sót lại phía sau những mái nhà lúp xúp trông rất thảm
thương. Bị triệt hạ thê thảm hơn là cả một rừng thông trải dài trên khu
đồi Sở Giáo dục (phường 3). Ngọn đồi lần hồi bị san phẳng, từng cây
thông lần lượt bị “giết” không thương tiếc. Trước đây, số lượng thông ở
khu vực này nhiều ngang ngửa với mật độ thông ở Dinh 2 hiện nay. Thế mà
giờ đây, cả khu đồi chỉ còn lại một “vành đai mỏng” thông mọc ven theo
triền đồi. để làm nhà cửa Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Nhiều năm trước, đối diện Dinh 2 là một khu rừng cảnh quan tuyệt đẹp với những tán rừng thông xanh thẫm trải dài từ sườn đồi xuống tận lòng thung lũng. Ngày nay chen giữa rừng thông là một khu dân cư với những ngôi biệt thự hoành tráng, vô số ngôi nhà kiên cố và lố nhố nhà kính để trồng rau, hoa của hơn 150 hộ dân, trong đó hơn một nửa thuộc địa phận phường 3, số còn lại là của phường 10. Chịu chung số phận là rừng cảnh quan ở các khu vực Dinh 1 (phường 10), tịnh xá Ngọc Hoàng (phường 4), đồi Mai Anh (phường 6). Ông Nguyễn Minh Lâm, sống ở Đà Lạt 45 năm, cảm thán: “Hồi xưa nhìn đâu cũng thấy thông, bây giờ chỉ còn lèo tèo vài cụm nhỏ. Với tốc độ giết thông như thế này mai mốt cả TP Đà Lạt chỉ còn vài cây thông, như vậy sao xứng với tên gọi là TP ngàn thông!”.
Thưa dần những đồi thông bạt ngàn
Đứng trước nhu cầu xây dựng các công trình, một lượng lớn thông đã bị “xử” để dành đất nâng cấp hạ tầng giao thông nội thị và các công trình phục vụ dân sinh. Dễ thấy nhất là một mảng rừng thông lâu năm đã biến mất để lấy đất xây dựng Công viên Bà Huyện Thanh Quan (gần hồ Xuân Hương). Khu vực đường Đặng Thái Thân có hàng chục cây thông bị chặt hạ để làm đường, làm nhà hoặc như hàng loạt cây thông cổ thụ ở đường Hồ Tùng Mậu bị chặt hạ để mở đường.
Tương tự như thông nội ô, rừng thông ở khu vực ngoại ô TP Đà Lạt
cũng lần hồi biến mất. Theo nhà nghiên cứu Lê Phỉ, toàn TP Đà Lạt có 99
ngọn đồi. Trước đây, những ngọn đồi này đều có rừng thông bạt ngàn thì
nay chỉ còn khoảng 20 ngọn đồi còn thông. “Trong tất cả thung lũng,
thông đều mọc thành rừng, kéo dài đến sát bờ suối thì nay không còn gì.
Thung lũng Đa Thiện trước đây rất nhiều thông nay cũng sạch trơn.
Cả ngọn núi Labbé Bắc (hòn Ông) và Labbé Nam (hòn Bộ) xưa kia dày
đặc thông thì nay cũng chỉ còn một chúm cây ở trên ngọn. Cánh rừng thông
ở rừng Ái Ân cũng chịu chung số phận khi bị tàn sát không thương tiếc” -
ông Phỉ bức xúc. Ông Phỉ than khổ khi giờ đây không thể tìm được khu
vực rừng thông trong nội ô cho học sinh cắm trại như trước kia nữa mà
phải đi cách xa trung tâm TP từ 6 - 10 km. Mỗi khi nói về sự biến mất
của rừng thông Đà Lạt, trái tim già nua của ông trào dâng niềm nuối
tiếc. Ông chỉ còn biết thốt lên câu: “Thảm thương lắm nhà báo ơi...!”.
Giờ đây, rừng thông ở khu vực hồ Tuyền Lâm cũng bị đe dọa bởi hàng
loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng. Theo tính toán của cơ quan chức năng TP
Đà Lạt, để thực hiện các dự án du lịch này phải đốn hạ 98.534 cây thông,
trong đó có 21.133 cây tự nhiên và 77.401 cây trồng trên tổng số
895.764 cây thông của toàn khu vực hồ Tuyền Lâm.
Tìm mọi cách triệt tiêu thông
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm TP Đà Lạt
chặt hạ từ 400-600 cây thông. Khi đề cập về số lượng thông của TP Đà Lạt
ngày một giảm đi và có nguy cơ biến mất, ông Hoàng Công Đính, nguyên
trưởng Ban Quản lý rừng nội ô TP Đà Lạt, cho biết: “Một trong những
nguyên nhân khiến cây xanh TP ngày một ít đi chính là tình trạng di dân
tự do, làm nhà trái phép dưới tán rừng, gây sạt lở đất rừng làm cho
thông ngã đổ”. Người dân tìm đủ mọi cách để tiêu diệt thông trong khuôn
viên nhà mình, như đục khoét, đổ đất lấp gốc, ken gốc, ken rễ, khoan
cây, đổ axít... nhằm làm cho thông chết đi rồi đóng tiền phạt, sau đó
xin phép chặt hạ.
|
Kỳ tới: Mất nhiều, trồng ít
THỤY TRANG - ÁNH NGUYỆT