Từ việc ĐHCĐ lần 1 bất thành, tình hình ở ngân hàng Đại Á cũng được tiết lộ thêm nhiều thông tin mới, trong đó có việc các cổ đông đang thoái vốn.
Đại hội đồng cổ đông của DaiABank ngày 9/5 vừa qua đã không thể diễn ra do sự vắng mặt của một nhóm các cổ đông lớn. Chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu vấn đề và biết được hiện các cổ đông cũ của nhà băng này, đặc biệt là các cổ đông lớn, đang rầm rộ thoái vốn.
Cổ đông lớn là ai?
DaiABank không phải là công ty niêm yết, nên các báo cáo về tình hình quản trị cũng như kết quả kinh doanh được cập nhật khá chậm so với các ngân hàng khác. Ngoài ra, những thông tin về DaiABank còn rất hiếm, vì vậy cho đến hiện tại, báo cáo quản trị mới nhất của ngân hàng mới dừng ở…cuối năm 2010.
Theo báo cáo này, cổ đông lớn nhất của DaiABank là Tổng công ty Tín Nghĩa và các công ty liên quan (gọi tắt là nhóm công ty Tín Nghĩa), tiếp đến là nhóm cổ đông ngân hàng ACB, công ty Xổ số Đồng Nai. Đại diện của 3 cổ đông lớn nhất này cũng nằm trọn trong cơ cấu HĐQT của DaiABank (gồm 2 đại diện của Tín Nghĩa, 2 đại diện của ACB và 1 đại diện của Xổ số Đồng Nai).
Cơ cấu cổ đông của DaiABank tại thời điểm cuối năm 2010
Đến cuối năm ngoái, các tỷ lệ sở hữu nói trên đã ít nhiều thay đổi, tuy nhiên cổ đông lớn nhất vẫn là nhóm Tín Nghĩa, ACB và Xổ số Đồng Nai.
ACB, Tín Nghĩa đã và đang thoái vốn
Tại ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, TGĐ Đỗ Minh Toàn cho biết đã thoái vốn khỏi Đại Á. “Chúng tôi đã thoái vốn khỏi DaiABank, đang làm thủ tục chuyển nhượng sang tên”, ông Toàn đã thông báo trước cổ đông như vậy.
Trước khi thoái vốn, nhóm cổ đông liên quan đến ACB nắm giữ tỷ lệ khá cao, lên tới 19,5% vốn điều lệ DaiABank.
Trong khi đó, liên quan đến nhóm cổ đông lớn nhất của DaiABank là Công ty Tín Nghĩa – sở hữu 25% cổ phần (tăng so với tỷ lệ hồi cuối năm 2010) cũng đã công bố ý đồ thoái vốn khỏi DaiABank.
Điều đáng nói, người đại diện cho số cổ phần “khủng” nói trên lại chính Ông Quách Văn Đức – chủ tịch HĐQT DaiABank. Trong bối cảnh ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, nhất là đứng trước khả năng hợp nhất, sáp nhập với ngân hàng khác, cổ đông lớn đang nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT lại công bố chuyển nhượng không thể không khiến người ta phải đặt câu hỏi về thực trạng quản trị của nhà băng này cũng như trách nhiệm của ông chủ tịch.
Trao đổi với đại diện của NHNN chi nhánh Đồng Nai – cơ quan quản lý trực tiếp DaiABank, chúng tôi được biết thêm, công ty Tín Nghĩa đúng là đang thực hiện thoái vốn khỏi DaiABank. Tuy nhiên, đến thời điểm này công ty vẫn còn nắm giữ một lượng cổ phiếu nhất định. Trong trường hợp Tín Nghĩa bán hết cổ phần DaiABank, theo vị đại diện, ông Chủ tịch sẽ “không còn nhiệm vụ gì” tại ngân hàng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc các cổ đông lớn do chủ tịch HĐQT đại diện thoái vốn khỏi ngân hàng phải tuân theo các qui định của NHNN.
Dù vậy, khi cổ đông mà vị chủ tịch HĐQT đó đại diện thoái vốn khỏi ngân hàng thì vấn đề dư luận cũng cần được quan tâm. Sẽ có nhiều câu hỏi xung quanh đến tình hình quản trị cũng như tương lai của ngân hàng.
Còn theo ý kiến của một số lãnh đạo ngân hàng thương mại, rõ ràng một khi có ý định thoái vốn thì cổ đông đó cũng sẽ không còn nhiều trách nhiệm với hoạt động ngân hàng, thậm chí họ chỉ lo làm sao chuyển nhượng có lợi cho họ nhất. Điều này cũng nảy sinh vấn đề e ngại của nhà đầu tư và thị trường về tương lai của ngân hàng đó trong bối cảnh ngành tài chính nói chung còn nhiều khó khăn và vấn đề sáp nhập, hợp nhất của bản thân ngân hàng còn chưa ngã ngũ.
Theo Cafe F