Mặc dù đã đạt 11/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội trong bốn tháng đầu năm, song các ý kiến thảo luận tại phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14.5 vẫn nặng trĩu lo lắng, trong đó tập trung nhất là tình trạng tồn kho, cả hàng và tiền!
Chủ nhiệm ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nhận xét, tăng trưởng kinh tế quý 1.2013 và tháng 4.2013 so với cùng kỳ 2012 có tăng lên, song nếu so với mục tiêu đặt ra cả năm thì vẫn chưa như mong muốn và khả năng đạt được mục tiêu này là hết sức khó khăn.
Thiếu tiền, lấy đâu của cải vật chất cho xã hội
Họp ủy ban thường vụ Quốc hội.
Một trong những cơ sở quan trọng cho nhận định của ông Hiển, là luồng tài chính đổ vào nền kinh tế đang rất thấp, biểu hiện qua tốc độ tăng trưởng tín dụng bốn tháng đầu năm chỉ đạt 1,44%.
“Tăng trưởng vốn huy động tới hơn 5%, cho thấy lượng tiền vào – ra của nền kinh tế mất cân đối, khả năng hấp thụ vốn rất yếu”, ông Hiển nhận xét.
Để đạt mức tăng trưởng GDP 5,5% như kế hoạch đặt ra, tăng trưởng tín dụng cả năm phải ở mức 14 – 15% – một mục tiêu khó khả thi. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 1/2013, tính theo giá thực tế thì tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì sụt giảm.
Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP quý 1 năm nay chỉ đạt 29,6% GDP, cũng thấp hơn nhiều với cùng kỳ năm trước (36,2%).
Ông Hiển nhấn mạnh: “Cùng với việc nguồn vốn FDI không tăng, nguồn lực cho tăng trưởng năm 2013 là rất khó khăn trong điều kiện hiệu quả đầu tư chưa thực sự có sự cải thiện rõ rệt”.
Tốc độ tăng CPI tháng 4 giảm so với các tháng trước một mặt là tín hiệu tốt cho kiềm chế lạm phát, mặt khác là biểu hiện sức mua yếu, thị trường đầu ra khó khăn, tác động trở lại khu vực sản xuất, lao động, việc làm, thu ngân sách…
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan không giấu tâm trạng lo lắng trước những khó khăn trong năm 2012 tiếp tục kéo dài sang năm 2013 với biểu hiện nghiêm trọng hơn. Phó Chủ tịch nước, cho rằng “cần tập trung xử lý chính sách tiền tệ, vì đầu vào tăng hơn 5% trong khi đầu ra chỉ tăng hơn 1%.
“Đóng băng rồi các đồng chí ạ, mà tất cả là từ đồng tiền mà ra, thiếu tiền, sản xuất đình trệ, lấy đâu của cải vật chất cho xã hội. Tôi đề nghị phải tập trung xử lý dòng vốn, chúng ta có dám mạnh dạn giãn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp không, chứ không thì chết”, phó Chủ tịch nước lo lắng.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý và Chủ tịch hội đồng Dân tộc Trung ương Ksor Phước cũng chung mối lo ngại về tình trạng tồn kho, không chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà cả lĩnh vực tiền tệ.
“Từ năm 2009 đến nay, năm nào chúng ta cũng nhận định thời gian tới sẽ khó khăn và thực tế thì năm nay lại khó khăn hơn năm trước. Thống nhất với nhau là khó khăn thì dễ, vấn đề làm phải tìm được đột phá, trong đó căn cơ về giải pahsp tài chính, tiền tệ để giải quyết vấn đề hiện nay là thiếu vốn, nợ đọng, tồn kho”, ông Lý nói.
Bộ nào cũng muốn giữ một tí tiền để chi phối
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Mối quan ngại lớn khác tại cuộc họp hôm qua là thu ngân sách rất khó khăn, trong bối cảnh doanh nghiệp phá sản hàng loạt.
Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nêu ý kiến: “Nếu nguồn thu không đảm bảo cho dự toán chi, Chính phủ đã xây dựng kịch bản ứng phó như thế nào, tác động xấu về đầu tư công ra sao, các chương trình hỗ trợ mục tiêu thế nào?”.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lưu ý, phải rà soát lại tất cả các dự án đầu tư, đảm bảo đồng vốn được sử dụng hiệu quả nhất. Cùng với đó, phải kiên quyết thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bằng cách đưa ra Quốc hội bàn, quyết ngay, chỗ nào giảm chi thường xuyên 10%, chỗ nào giảm 20%, không nể nang trong phân bổ ngân sách và chương trình mục tiêu quốc gia được nữa.
Theo phó Chủ tịch nước, tại kì họp trước, các đại biểu Quốc hội đã nêu sự lãng phí trong chương trình mục tiêu quốc gia, chẳng hạn, trong chương trình mục tiêu quốc gia có chương trình nước sạch rồi, nhưng trong chương trình nông thôn mới cũng lại có chương trình nước sạch nữa.
“Quốc hội phải biểu quyết lại, mạnh dạn rút đi, không thể để tình trạng các bộ, ai cũng muốn giữ một tí tiền để chi phối. Quốc hội không đề cập, thì ai quyết định được vấn đề này”, bà Doan nhấn mạnh.
Phó chủ tịch nước cũng nhắc nhở khắc phục yếu kém trong quản lý nguồn thu, nhất là với các doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, đi đâu cũng thấy mở rộng quy mô sản xuất, nhưng lại báo lỗ, trốn thuế.
Bà Đoan đặt câu hỏi: “Vấn đề này, ai phải chịu trách nhiệm?”, và yêu cầu, phải tăng cường kiểm tra, giám sát và theo đến cùng kết quả kiểm tra, giám sát, không thể để tình trạng “giám sát xong để đấy” như lâu nay nữa.
Theo SGTT