Clip mang tên “Sự trăn trở của kẻ lười biếng” dài hơn 1 tiếng được quay bởi một nam sinh tự xưng là học sinh lớp 12, trong đó bày tỏ những quan điểm về việc học tập, về những bất cập, yếu kém của giáo dục Việt Nam.
Được đăng tải trên Youtube vào ngày 13/4, clip này đã nhận được hơn 60.000 lượt like, hàng nghìn lượt bình luận, được chia sẻ ở nhiều trang web khác, đồng thời thu hút rất nhiều tranh luận trái chiều từ người xem.
Ảnh cắt từ clip |
Mở đầu “bài diễn thuyết” của mình, nam sinh này nói: “Tôi là một học
sinh lớp 12. Ở Việt Nam thì đây là giai đoạn khắc nghiệt nhất trong đời
mỗi học sinh. Và chính sự khắc nghiệt này khiến cho những câu hỏi tích
tụ qua bao tháng ngày dài sẽ phải bật ra ngoài thành những quan điểm…”
Với
giọng lưỡi chất chứa đầy bức xúc, ngôn ngữ cơ thể sinh động, nam sinh
này cho rằng “những gì mà chúng ta đang gọi là giáo dục là hậu quả không
hề tươi sáng với bất kỳ thành phần nào của xã hội”.
Thừa
nhận rằng tất cả những kiến thức đang được giảng dạy trong nhà trường
hiện nay là những kiến thức nên biết, tuy nhiên nam sinh này cho rằng
những kiến thức đó cần thiết ở mức độ nào đối với mỗi người thì lại là
một vấn đề khác. “Con người ta sinh ra là khác nhau, tại sao tất cả lại
phải phát triển theo cùng một hướng giống nhau?” – cậu học trò này đặt
câu hỏi.
Giống như nhiều phân tích khác
về chương trình sách giáo khoa hiện nay, người thuyết trình khẳng định
rất nhiều kiến thức phải học hiện nay “chẳng hề cơ bản chút nào” và thực
sự “không cần thiết”.
Chỉ cần học hết lớp 9 là đủ?
Phát
ngôn “gây sốc” nhất của cậu là “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ”, bởi theo
cậu, ở tuổi 14, 15, nhiều người đã biết xác định được khả năng và lối đi
riêng cho mình. Cậu khẳng định không nghề nào cần đến toàn bộ kiến thức
THPT. Vậy mà học sinh lại phải đáp ứng bài tập, bài học của hơn một
chục môn học?
Cậu khẳng định, trong một
cộng đồng, không cần đến một thế hệ con người biết đầy đủ mọi điều, mà
cộng hưởng với nhau để cùng phát triển một cách tốt nhất.
Tiếp
đó, nam sinh này chỉ ra bệnh thành tích và hình thức của giáo dục hiện
nay, bởi hầu hết học sinh học là để thi, để kiểm tra, để không bị tách
rời khỏi đám đông, để được an toàn…. chứ không phải xuất phát từ mong
muốn học để lấy kiến thức.
“Nếu sáng mai
không kiểm tra thì hôm nay bạn có học không? Nếu mai được nghỉ mà ngày
kia cũng chẳng kiểm tra môn gì thì bạn có mở sách ra để học không? Nếu
không có bất cứ một khái niệm nào trong thi cử, bạn có mở sách ra để làm
giàu cho bản thân mình không?”. Cậu đặt ra những câu hỏi khiến không ít
người giật mình.
Nam sinh lớp 12 cũng
cho rằng nguyên nhân khiến học sinh sợ các kỳ thi là do “điểm số” bởi
“điểm số là khái niệm đầy bất cập”. Điểm số có thể bị ảnh hưởng bởi cảm
tính, bị thay đổi bởi gian lận – và thứ được cho là thước đo ấy đã mất
đi sự minh bạch. Theo nam sinh tự nhận là “kẻ lười biếng” này thì IQ chỉ
là một phần nhỏ để đánh giá một cá nhân. Vậy thì cớ gì mà điểm số giữ
được tính sáng suốt của nó? Cũng từ đó, cậu chỉ ra điểm số gây ra sự bất
bình đẳng, sự tự phụ, tự ti, tị nạnh… - một điều không đáng có, đặc
biệt là ở cấp tiểu học.
Không chỉ đưa đề
xuất “học đến lớp 9 là đủ”, hay “không nên tạo ra điểm số”, cậu còn đưa
quan điểm các cơ quan, doanh nghiệp không nên tuyển người qua bằng cấp.
Một người lãnh đạo giỏi ắt sẽ biết đánh giá năng lực của người khác, và
chỉ có những “thằng ngu” mởi tuyển dụng nhau bằng bằng cấp, học hàm,
học vị.
Kết thúc bài thuyết trình, nam
sinh này khẳng định muốn đánh giá một cá nhân, hãy nhìn vào những giá
trị sản phẩm mà họ tạo ra. “Sản phẩm có ảnh hưởng lớn là có giá trị cao,
không có ảnh hưởng là đồ vô dụng. Những thứ có giá trị ảnh hưởng không
bao giờ là những thứ có sẵn bày ra như đáp án trong bài kiểm tra".