Chỉ trong một thời gian ngắn, có 4 lao động Nghệ An tử vong tại Angola. Những người này đều đi xuất khẩu lao động “chui” bởi các đường dây buôn người len lỏi về tận từng phường, xã. Trong khi đó, dường như các cơ quan có trách nhiệm chưa thực sự quyết liệt bảo vệ người dân.
Vỡ mộng xuất khẩu lao độngLà nạn nhân đầu tiên được xác định tử vong tại Angola do bệnh sốt rét ác tính, anh Nguyễn Công Nguyên (SN 1984) trú tại khối Tân Diện, phường Nghi Hòa (TX.Cửa Lò, Nghệ An). Gia đình nạn nhân vốn đã khó khăn, vì miếng cơm manh áo nạn nhân phải xa gia đình, xa người vợ mang thai tháng thứ 8 để sang xứ người làm thuê.
|
Vợ nạn nhân Nguyễn Công Nguyên thẫn thờ trước nỗi đau mất chồng |
Nghe nhiều người giới thiệu sang Angola làm việc với mức lương 1.000 USD/tháng, gia đình đã cầm cố tài sản, vay mượn để đóng 6.000 USD cho chủ thầu để được xuất ngoại.
Ông Nguyễn Công Hợp – bố anh Nguyên chia sẻ: “Vay mượn tiền rồi giao chủ thầu để đưa nó sang đó làm việc chứ không có hợp đồng chi hết. Người ta hứa sang đó thu nhập 800USD/tháng, tiếp theo 1.000 USD…”.
Công việc những tưởng sẽ suôn sẻ, nhưng khi sang đến Angola phụ hồ được 6 tháng, chủ thầu chỉ trả 3.000 USD chứ không có như hứa hẹn ban đầu nên anh Nguyên chuyển sang làm cho một chủ thầu khác. Sau gần 1 tháng điều trị tại bệnh viện, gia đình phải vay mượn thêm 6.000 USD gửi qua chi phí thuốc thang.
Ngày 9/3, anh Nguyên tử vong do bệnh quá nặng. Oái ăm là xác nạn nhân không thể đưa ra khỏi viện vì chi phí điều trị tại bệnh viện lên đến 153.000 USD chưa thanh toán. Cùng với đó là khoảng 15.000 USD chi phí máy bay, việc khâm lượm khoảng 800 - 10.000 USD để có thể đưa thi thể anh Nguyên về nước.
Nạn nhân thứ hai tử vong tại Angola là anh Nguyễn Đức Cao (SN 1988), trú tại xóm 7, xã Nghi Kim (TP.Vinh, Nghệ An). Anh Cao XKLĐ sang Angola theo giới thiệu của một Cty XKLĐ tại Hà Nội. Đầu tháng 1/2013, anh Cao sang Angola làm việc sau khi đặt cọc trước 130 triệu đồng cho Cty môi giới. Tại Angola, Cao được bố trí làm công nhân xây dựng.
Do khí hậu khắc nghiệt nên Cao bị ốm và khoảng cuối tháng 2/2013 được bạn bè đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng ngày 1/3 anh đã tử vong do sốt rét ác tính. Cũng vướng thủ tục, nhưng nhờ sự bạn bè, anh em lao động người Việt tại Angola quyên góp, ủng hộ và sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola nên đến chiều 5/4 thi thể anh Cao đã được đưa về nước cùng thi thể anh Nguyễn Cao Nguyên.
Một nạn nhân tử vong mới đây tại Angola chưa rõ nguyên nhân là anh Phan Văn Sơn (SN 1973) trú xã Hưng Tây (Hưng Nguyên, Nghệ An). Cũng XKLĐ theo quen biết giới thiệu, gia đình anh Sơn phải đặt cọc 6.100 USD để được sang Angola làm việc. Sáng 12/4, gia đình nhận được hung tin là anh Sơn sau một giấc ngủ thì không thấy tỉnh dậy, bạn bè báo về là anh đã tử vong.
Nỗi mất mát lớn lao để lại gánh nặng cho gia đình, người vợ trẻ và hai đứa con thơ đứa đầu 10 tuổi đứa thứ hai 4 tuổi. Cũng như trường hợp trước, để đưa thi thể anh Sơn về nước chôn cất gia đình phải đóng số tiền là 700 triệu đồng chi phí vận chuyển và khâm lượm.
Gần đây nhất, chiều 13/4, gia đình anh Hồ Cảnh Sơn (SN 1968), trú tại xóm 7, xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) được bạn bè báo tin anh đã tử vong do bệnh sốt rét ác tính sau hai tuần cấp cứu tại bệnh viện. Anh Sơn cũng như những trường hợp trên, đều đi làm việc tại Angola theo dạng “chui”.
Trước đó, ngày 21/1 anh Nguyễn Quang Hạnh (SN 1977) trú tại xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, Nghệ An cùng bố đến Cty CP Thương mại & Xuất nhập khẩu Xây dựng COSEVCO (Bộ Xây dựng) đóng tại địa chỉ số 84, đường Nguyễn Trãi, TP Vinh (Nghệ An) để “đòi” tiền cọc đã đóng để đi XKLĐ Anggola. Trong lúc đang làm việc với cán bộ công ty thì bất ngờ một nhóm thanh niên từ ngoài xông vào kéo anh Hạnh ra ngoài cổng công ty, hai bên xảy ra ẩu đả và anh Hạnh bị côn đồ đâm chết.
|
Hai đứa con nhỏ, đứa 10 tuổi, đứa 4 tuổi khóc ngất bên ban thờ của bố Phan Văn Sơn. |
Người lao động chết, cơ quan chức năng mới… tuyên truyền?
Theo ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, sau khi xảy ra các vụ lao động Việt Nam tử vong tại Angola, Sở đã chỉ đạo các đơn vị lập báo cáo gửi về Sở cũng như điều tra số lượng người đã đi XKLĐ sang Angola.
“Hiện Bộ LĐTB&XH chưa cấp phép cho bất cứ một tổ chức, công ty nào đưa lao động của Việt Nam sang các nước như: Angola, Libi hay Nga. Các đường dây đưa lao động Việt Nam sang các thị trường trên chủ yếu theo con đường làm hộ chiếu đi du lịch rồi ở lại tìm việc làm. Ngành lao động cũng đã khuyến cáo người dân về tình trạng xuất khẩu “chui” và những rủi ro gặp phải…”, ông Thắng cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân lén lút về tận gia đình người dân để dẫn dắt lao động sang Angola làm việc mà các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được. Lao động khi đưa bị đưa “chui” sang Angola đời sống không được đảm bảo, các quyền lợi không được hưởng, trong khi phải làm các công việc nặng nhọc, thậm chí bị ép bán dâm…
Ông Thắng cho biết thêm, “hiện chúng tôi đã giao cho Phòng LĐTBXH của các huyện triển khai công tác tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu về việc đi xuất khẩu lao động sang Angola là thị trường chưa được cấp phép và những rủi ro”.
Hiện tại, số người Việt Nam đi XKLĐ “chui” tại Angola vẫn chưa thể thống kê hết được và rủi ro có thể xảy ra đối với bất cứ ai, bất cứ lao động nào...
Người dân không chỉ phải trả giá bằng tiền, bằng máu mà đã có quá nhiều cái chết thương tâm, đề nghị các cấp có thẩm quyền không chỉ dừng lại ở việc “chỉ đạo”, tuyên truyền, mà cần quyết liệt vào cuộc để tìm ra "chân tướng" và trừng trị những cá nhân, đơn vị… móc nối để đưa người đi XLKĐ “chui”, nói thẳng là buôn người.
Ngô Toàn