THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 October 2012

Chữ "Dũng" trong nghề giáo



David Thiên Ngọc (Danlambao) - Điều cần thiết và phải có đầu tiên khi bước chân vào cổng trường sư phạm là mỗi SVSP, giáo sinh cần rèn luyện tính "trung thực", đến khi tốt nghiệp lại một lần nữa bước chân vào nhà trường là nơi mà mình giảng dạy thì tính "trung thực" lại càng nâng cao bởi nó đã được tôi luyện trong thời gian mấy năm ở các trường cao đẳng, đại học rồi. Để làm cho tính trung thực đó sáng lên là nhờ có ánh đèn phát ra từ cái "Dũng". Chính điều này là cốt lõi của vấn đề...

*

Lão Tử nói "Sai lầm về văn hóa là làm chết cả muôn đời..." 
Lê-Nin nói "Học, học nữa, học mãi..." 
Phạm Văn Đồng nói "Nghề giáo là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí." 

Vấn đề giáo dục (GD) ở VN bây giờ đem ra soi rọi hay phê phán thì tôi nghĩ có nên tiếp tục nữa hay không? Bởi hàng vạn lời đóng góp, mổ xẻ cùng bao nhiêu hình thức khác đã đầy trên mặt báo chẳng những của cá nhân những nhà báo, nhà văn, nhà GD... mà cả những cơ quan, tổ chức chuyên ngành GD hoặc liên quan đến GD đã trăn trở quan tâm và cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, cải thiện hơn trong lĩnh vực GDVN. Thế nhưng thời gian trôi qua căn bệnh nan y đã làm hoại tử cơ thể của ngành GD. Từ hệ thống lãnh đạo, quản lý ngành đến các nhà xuất bản, nhà biên soạn sách giáo khoa, giáo án... và cuối cùng là đội ngũ giáo viên (GV) hầu như những con virus của căn bệnh trầm kha đó đã hủy hoại và mỗi cơ quan, cá nhân bị tàn phá theo lĩnh vực riêng của mình như trong nội tạng và toàn thân của một con người vậy. 

Nay tôi thiết tưởng cũng nên viết ra những dòng này. Bởi câm lặng, nhắm mắt để cho gió thổi mây bay thì riêng thế hệ "nhi bất hoặc" hay "tri thiên mệnh" của chúng ta thì không nói chi, vì dù sao cũng đã an bài hơn nữa cũng đã có chất đề kháng. Nhưng còn lại thế hệ mới vào đời và ở buổi bình minh thì chúng ta không thể vô trách nhiệm để những vết chàm bôi vào những tờ giấy trắng tinh khôi kia được. 

Trong bài viết này tôi chỉ đề cập một vài ý nhỏ trong đội ngũ GV, còn các mặt khác trong ngành GD thì như tôi đã nói là đã có quá nhiều bài viết trong đó tôi cũng đã có bài đóng góp trên Danlambao. Đối với đội ngũ GV VN thì có hàng vạn vấn đề để nói. Phát huy dạy tốt, gương tốt để xã hội học tập thì cũng nhiều và ngược lại cũng không hiếm. Ở đây theo tôi cái tố chất quan trọng trong mỗi GV cần phải có là cái "dũng". Cái "dũng" gói ghém trong phạm vi giảng dạy và nêu gương mà thôi chứ chưa nói đến tầm cao hơn của chữ dũng mà tôi đã phân tích trong bài"Trí thức Việt Nam trước nội tình đất nước" trên Danlambao. 

Đi thẳng vào vấn đề của cô giáo dạy văn trường THCS Lomonoxop (Hà Nội) Hà Thu Thủy. Ở đây không cần phải lập lại hay mổ xẻ gì thêm vấn đề bởi sự kiện, từng bước trong quá trình giảng dạy và qua sự thẩm tra trên bài vở của các em học sinh cùng những lời xác minh của học trò và bút tích của cô Thủy trong các bài kiểm tra của các em thì tôi thiết tưởng nơi đây chúng ta không cần phải nói gì thêm nữa. Không cần phải vạch lá tìm sâu bởi ở đây lá không còn, chỉ còn vài chiếc là ban giám hiệu và tổ trưởng bộ môn văn mà thôi. Còn lại sâu thì bò ngổn ngang không cần tìm chi cho mệt sức. 

Điều cần thiết và phải có đầu tiên khi bước chân vào cổng trường sư phạm là mỗi SVSP, giáo sinh cần rèn luyện tính "trung thực", đến khi tốt nghiệp lại một lần nữa bước chân vào nhà trường là nơi mà mình giảng dạy thì tính "trung thực" lại càng nâng cao bởi nó đã được tôi luyện trong thời gian mấy năm ở các trường cao đẳng, đại học rồi. Để làm cho tính trung thực đó sáng lên là nhờ có ánh đèn phát ra từ cái "Dũng". Chính điều này là cốt lõi của vấn đề. Trong tất cả hàng ngũ GV hầu hết ai cũng nêu cao tính "trung thực" và dạy cho các em HS tính trung thực. Nhưng chính trong mỗi GV có dám "trung thực" hay không khi hai từ này áp dụng cho chính mình? Nếu những bậc mô phạm không đủ "dũng khí" để "trung thực" nói lên khuyết điểm của mình thì như vậy hóa ra những lời của các vị "phán ra trên bục giảng" là những điều lừa dối sao? Thật tình mà nói khi tôi đọc và nhìn những hình ảnh và sự kiện của cô giáo Thủy tôi thật sự "bàng hoàng" và không biết mình có phải người VN không? có hiểu được văn hóa VN không? Lạy trời là không phải và tôi hoàn toàn bị nhầm đồng thời tôi không hiểu gì về ngôn ngữ văn hóa VN và lại càng không hiểu "canh gà Thọ Xương" là gì và lời giảng của cô Thủy là khuôn vàng thước ngọc. 

Thế nhưng ngược lại, đọc xong bản tin này tôi lịm người và nhắm mắt. Không phải một gáo nước lạnh mà cả một bồn nước lạnh dội từ đầu tôi dội xuống dưới thời tiết 0 độ C. Vì ở đây là một GV dạy văn, một người bình thường đa phần cũng đều hiểu "canh gà Thọ Xương" là gì! Nghe được sự việc bà hiệu phó Ngô Thị Hà cũng vô cùng sửng sốt và yêu cầu thu tất cả bài kiểm tra của các em của lớp cô Thủy. Điều làm cho bà ngỡ ngàng và có thể là không đứng vững khi nhìn thấy hầu hết bài tập của các em đều ghi rõ "canh gà Thọ Xương là món ăn nổi tiếng của Hà Nội". Các em là những con chim non chứ đâu phải là những nhà bác học mà tư tưởng lớn gặp nhau và bài làm cùng một ý? Đây phải là lời giảng được phát ra từ cửa miệng của người thầy trên bục giảng mà các em luôn cho là khuôn vàng thước ngọc. Nếu nơi đây tất cả các bậc thầy đều chối lỗi và đổ tội cho các em là phản ánh không "trung thực", các em vu khống cho thầy cô đã giảng dạy như thế thì vô hình chung đội ngũ sư phạm trường này lại dạy cho các em văn hóa "gắp lửa bỏ tay người". Nói đến đây tôi không biết phải nên cười hay nên tủi cho số phận của các em, một lớp trẻ đầy hy vọng cho tương lai. 

Chưa dừng lại nơi đó! Đội ngũ quản lý GD mà cụ thể là BGH và tổ trưởng bộ môn văn trường Lomonoxop lại không buông tha cho chúng tôi, cho những người VN có nỗi lòng trăn trở với lớp măng non kế tục cho thế hệ mai sau. 

Ban giám hiệu (ông Nguyễn Quang Tùng) lại không làm hết chức năng một người quản lý của mình mà ở đây lại là quản lý GD! Vấn đề "phản văn học" của cô giáo dạy văn chứ không phải là lĩnh vực bộ môn toán có thể vô ý sai sót một con số khi chưa nhìn kỹ, ở điểm này có thể châm chước. Đàng này là một bài văn với lời giảng hoàn toàn phản cảm đến nỗi không hình dung ra nổi và không thể nào tưởng tượng ra được mà ông cho chỉ là "sai sót nghiệp vụ" là thế nào??? và các câu ca dao trên không ở trong chương trình giảng dạy? (ở đây là sự nhận thức và trình độ giảng dạy chứ không quan trọng là trong hay ngoài chương trình). Sự bao che, lấp liếm trên của ông mà tất cả những người Việt và những người biết ngôn ngữ Việt Nam đã đọc và đã có lời nhận xét! Trong đó không thiếu hàng trăm ngàn đồng nghiệp của ông và những vị thầy đã dạy ông học. 

Nơi đây ông cũng lại thiếu cái dũng để nhận điểm sai. Ông đã không "trung thực" mà không trung thực là lỗi nặng nhất của người "mô phạm". Hơn thế nữa, bao che cho người khác để tiếp tục không trung thực lại càng trầm trọng. Chưa bằng lòng, ông lại còn đem cái mớ thành tích nào cô Thủy là HS trường chuyên, tốt nghiệp ĐH loại giỏi và hiện là thạc sĩ có năng lực v.v... Ông có biết như thế là ông đã vô tình hay cố ý khoét sâu thêm sự trống rỗng của một GV dạy văn không? nếu là một GV hợp đồng không được đào tạo chính qui và năng lực kém thì còn có thể miễn cưởng cảm thông... đàng này sao thì ai rõ hơn ban giám hiệu? Đó chính là cái lực "F" mà nó làm tăng thêm độ nhấn chìm cô Thủy xuống sa lầy ông có biết? 

Trong trường hợp này nếu ban giám hiệu có lòng tự trọng và đầy trách nhiệm thì nên tự xử như trong bài "Văn Hóa Từ Chức" mà tôi đã viết trên Danlambao. 

Phần cô giáo Hà Thu Thủy, nếu năng lực kém và chưa hiểu nhiều về sự bao la của văn học, có những điều đối với người khác thì tầm thường nhưng đối với cô là xa lạ và ngược lại đó là điều không có gì to lớn vì "văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi" mà cô! Ở đây đối với cô là không đáng trách, cũng phải thông cảm cho cô trước cái "sốc" này mà lại là "sốc" văn chương, chữ nghĩa, trình độ... thuộc lĩnh vực cô giảng dạy. Những lời biện bạch vu vơ của cô cũng tất yếu thôi vì cái "văn hóa trung thực" trong xã hội CSVN chưa được tôn vinh. Nhưng trong chừng mực nào đó, khi đêm về nhìn bóng mình trên vách chắc cô cũng rõ và thầm... thôi tôi không nói. 

Nhưng cô Thủy ạ - Biết điều mình chưa biết tức là chưa biết mà biết vậy! (tri bất tri, bất tri vi tri), và chẳng lẽ mỗi lần đạp c... là mỗi lần chặt chân? Cô đã làm đơn xin nghỉ dạy. Theo tôi cô nên cố gắng đi học tiếp, điều đó sẽ tốt cho cô hơn. Cô đọc lời của Lê-Nin đi! ông thầy vĩ đại của xã hội CS mà cô đang phục vụ mà tôi đã dẫn ở đầu bài. Cô có đọc trên Facebook không? lời hót của một con chim non đây. Cô nghe nhé! 

"Cô Thủy ạ! Con không ghét cô, cũng không thù oán gì với cô. Thậm chí còn muốn cô quay về trường dạy, nhưng cô nên "trung thực" thì học sinh mới ngoan. Một lần dứt khoát trong lòng sẽ không cảm thấy lo lắng, băn khoăn". Lời của một con chim non thánh thót và thật sâu xa... Đã dùng từ "trung thực" để dạy người khác. Mỉa mai thay trong trường hợp này chủ thể đã bị hoán vị. Tôi mong cô đủ "dũng khí" để bước qua quan ải này, tuy không cao nhưng mịt mờ khói tỏa. Chúc cô thành công. 

Riêng về ngành giáo dục VN một lần nữa tôi xin nói lên rằng: "Ô Hô... Hồn linh thiêng của ông Phạm Văn Đồng đang vất vưởng nơi nào bên Tề hay bên Sở hãy mau mau quay về cố quốc mà xin rút lại câu nói của ông mà tôi đã dẫn ở trên. Vì lớp hậu sinh của ông chúng đã bôi đen mỗi ngày một chữ đến nỗi hôm nay không còn nhìn rõ được." 

Ngày 16/10/2012