Sao Dân tôi bỗng dưng... muốn khóc!
Thế là, mặc cho kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước rằng, đập thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm ổn định, an toàn, mặc cho những trấn an với người dân, rằng hãy biết yên tâm và duy trì các hoạt động sản xuất, học tập, sinh hoạt bình thường, và cũng mặc cho đập thủy điện chưa tích nước, đến thời điểm này, ST 2 vẫn liên tiếp có... "kết luận" riêng của nó.
Ai "kém hiểu biết" hơn?
Chỉ trong ngày 23/09, hai trận động đất với cường độ mạnh 4,8 richter đã khiến hàng nghìn người dân các huyện Nam- Bắc Trà My (Quảng Nam) hoảng hốt. 150 người đang dự tiếp xúc cử tri tại xã Trà Đốc bỏ chạy tán loạn.
Đã có gần 120 ngôi nhà, trường học của các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn và Trà My bị hư hỏng nặng. Ai sẽ phải đền bù thiệt hại đã xảy ra và sẽ xảy ra? Câu trả lời còn ở thì...tương lai.
Nhưng trong khi chờ đợi "thì tương lai" tới, thì hiện tại, theo ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, do quá lo sợ, nhiều người dân đành vào rừng, làm nhà tạm để sống.
Động đất vốn là thiên tai khiến cả nhân loại luôn kinh hoàng, sợ hãi. Không một quốc gia nào, dù phát triển văn minh, tiên tiến trong khoa học, như Nhật Bản chẳng hạn có thể dám coi thường. Bài học Fukushima mới đây còn đầy nước mắt.
Nữa là những quốc gia còn đang phát triển như Việt Nam. Nữa là cái huyện miền núi còn nghèo, chậm phát triển như Bắc Trà My. Tiếc thay, sau những ngày hoảng hốt chạy tán loạn, người dân Bắc Trà My và cả xã hội hết sức bất bình trước cái cách ứng xử của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn.
Chưa bao giờ, gánh nặng sinh mạng của hàng ngàn người dân thực sự trĩu vai chính quyền huyện Bắc Trà My như lúc này. Thủy điện ST 2 bỗng nhiên như một "chứng nhân" bất đắc dĩ của cuộc đấu khẩu giữa hai bên- chính quyền và các nhà khoa học.
Trước sự vênh nhau giữa phân tích về kỹ thuật với hiện tượng động đất luôn xảy ra, không tin vào những kết luận của đoàn cán bộ khoa học khảo sát, cũng như của Ban Quản lý thủy điện ST 2, ông Đặng Phong, Chủ tịch huyện gay gắt: Chúng tôi vẫn đang nợ người dân câu trả lời về độ an toàn của thủy điện ST 2.
Đã có gần 120 ngôi nhà, trường học hư hỏng nặng sau hàng loạt trận động đất. Ảnh: Thanh Niên
Thì đây, các nhà khoa học, các chuyên gia thủy điện, "trả nợ" dân:
Bà Ngô Thị Lư (Đoàn nghiên cứu Viện Vật lý Địa cầu): Người dân quá kém hiểu biết, chỉ mới nghe động là đã dắt trâu bò, gói ghém đồ đạc bỏ chạy. Bà Ngô Thị Lư còn yêu cầu chính quyền nên giáo dục lại dân.
Ôi trời, cái tâm của một người phụ nữ làm khoa học, lại là ... TS nữa kia! Dân không chạy động đất thì ngồi đợi chờ chết ư, thưa bà Ngô Thị Lư?
Ông Lưu Thế Biểu, Phó Trưởng ban xây dựng Tập đoàn EVN: Nếu các trận động đất lớn hơn xảy ra đập vẫn an toàn. Ngày 13-9, EVN sẽ họp với Bộ Xây dựng để có kết luận cuối cùng và đề nghị Thủ tướng cho phép tích nước. Ông Biểu còn khuyên: Người dân và chính quyền tỉnh Quảng Nam phải tin vào kết luận của các nhà khoa học vì đó là... chân lý.
Còn ông Trần Văn Hải-Trưởng ban Quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư công trình ST2: Dân nên chia sẻ và hy sinh cho thủy điện!
Những lời mắng, lời khuyên... thừa, bỗng trở thành bất nhẫn, thưa các nhà khoa học lẫn các nhà quản lý dự án.
Nếu dân không biết chia sẻ và hy sinh, thì đâu phải di dời, chuyển nhà, tìm nơi định cư mới với vô vàn khó khăn của sự khởi đầu lại?
Nếu không biết hy sinh, lấy đâu ra công sức lao động để xây nên con đập thủy điện, mà do những kém cỏi chuyên môn, thậm chí do sự thiếu trách nhiệm và vô lương tâm của những kẻ nào đó, từ điều tra, khảo sát, thiết kế kỹ thuật đến thi công, giờ dân lại đang phải chịu những cơn "đập" nổi giận của đất?
Gần 120 ngôi nhà, trường học của dân nghèo bị hư hỏng, dân phải chạy vào rừng sống, đã là hy sinh chưa? Hay hy sinh có nghĩa là chấp nhận sống chung với những trận động đất ngày càng lớn về cường độ, thậm chí biết đâu, có thể hủy diệt cả một cộng đồng?
Có kém hiểu biết, dân mới phải "bám víu" vào những khảo sát, kết luận "chân lý" của các nhà khoa học. Thế nhưng, chỉ 10 ngày sau lời khuyên "khoa học là chân lý", đã có tiếp 2 trận động đất khiến dân kinh hồn.
Đến nước này, dư luận xã hội, chỉ mong các nhà khoa học, nhà chuyên môn như bà Ngô Thị Lư, ông Lưu Thế Biểu, ông Trần Văn Hải, và cả những ai ai nữa, khẳng định đầy tự tin vào sự an toàn của ST 2, nên đưa cả gia đình vào khu vực thủy điện chung sống, "chia sẻ" sự... hiểu biết cho người dân Bắc Trà My vốn kém hiểu biết.
Có lẽ khi đó, dân mới hoàn toàn tin phát ngôn của các vị có lý!
Ở góc độ Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Trần Xuân Thọ cay đắng: Chúng tôi tin các nhà khoa học chứ. Nhưng trước đó họ nói động đất sẽ giảm dần, giờ lại tăng lên thì có gì bất thường không? Giờ lại nói chúng tôi phải chờ ba năm nữa mới có kết quả chính thức là sao? Chỉ sợ khi đó chúng tôi không... còn sống nữa để đợi kết quả.
Không phải ngẫu nhiên ngày 24/9, báo SGTT có bài viết "Dân đáng bị mắng hay nhà khoa học đáng phải ra toà?". Bài báo dẫn chứng, một phiên toà ở Ý từng làm xôn xao giới khoa học, vì theo cáo buộc của công tố viên, các nhà khoa học không cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về khả năng động đất, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về con người và tài sản của dân.
Thông tin khoa học chính xác là yêu cầu tiên quyết, người dân chờ đợi ở các nhà khoa học, trong khi ngày ngày họ vẫn phải "chờ đợi" thảm họa động đất rất có thể lại xảy ra. Liệu ST 2 có cần được đi theo vết xe đổ của các nhà khoa học nước Ý xa lắc xa lơ không?
Nhưng mới đây, một "dư chấn khoa học" khiến xã hội còn sửng sốt hơn. Liệu đây có phải là câu "trả lời" của ST 2 cho các nhà khoa học không:
Khi Lật lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2, người ta sửng sốt, vì trong báo cáo này (lập vào tháng 8/2005), Tập đoàn Điện lực VN- EVN, cho rằng thủy điện ST 2 không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước, không gây rủi ro môi trường.
Thực tế xảy ra trái ngược hẳn, các hiện tượng động đất của ST 2 đều được các chuyên gia phân tích, đánh giá là động đất kích thích.
Thế nhưng, cũng theo bài báo, một chuyên gia trong nhóm đánh giá nguy hiểm động đất thủy điện ST 2 (thời điểm tháng 8/2005) cho biết, nhóm này chỉ được "đặt hàng" đánh giá nguy hiểm động đất cực đại có thể tới 5,5 độ Richter chứ chưa có những nghiên cứu về động đất kích thích lúc đó!
Chưa có nghiên cứu, mà dám khẳng định trong báo cáo "thủy điện ST2 không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước, không gây rủi ro môi trường". Đó là báo cáo kiểu gì, nếu không phải là thiếu cả trách nhiệm lẫn lương tâm khoa học?
Các nhà khoa học hay đổ tại cho cơ chế quản lý không tạo động lực nghiên cứu. Nhưng ở sự kiện ST 2, các nhà khoa học có trách nhiệm liên đới sẽ trả lời ra sao, về nghiên cứu một đằng, phát biểu một nẻo?
Ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải nói:
Bây giờ tôi thật sự băn khoăn là có nên tin vào các nhà khoa học hay không vì họ nói không nhất quán gì cả. Đứng trước sinh mệnh của hàng vạn người dân Quảng Nam, tôi tha thiết đề nghị các nhà khoa học phải hết sức trung thực, hết sức khách quan và phải hết sức chính xác khi nhận định về những biến động địa chất ở thủy điện ST2.
Vậy, ai mới là "kém hiểu biết" hơn?
Xin các nhà khoa học, hãy trung thực lên tiếng?
Tại cuộc họp báo mới đây, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP khẳng định, quan điểm của Chính phủ phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Cần thận trọng, theo dõi thêm ST 2, và Chính phủ cũng chưa cho phép tích nước ở thời điểm này.
Đó là quyết định đúng đắn và cần thiết.
Nụ cười ...ngạo nghễ?
Giữa lúc thủy điện ST2 còn chưa biết đi về đâu hỡi tôi, thì ngày 24/09, VietNamNet đưa thông tin "Người có chức quyền thu nhập sẽ khá". Đây được coi là một trong những giải pháp để phòng chống tham nhũng, khiến bạn đọc lập tức phản hồi, phản biện tới tấp về tòa soạn.
Tham nhũng, từ lâu giống như một "chấn thương tâm lý xã hội" cực mạnh. Bởi những thảm họa nó gây ra cho xã hội, khiến dân quá phẫn nộ, vì thậm chí nó đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Thật ra, quốc gia nào cũng có tham nhũng, từ tư bản đến xã hội chủ nghĩa, nó không phải đặc tính của một thể chế chính trị nào.
Có điều, tham nhũng sẽ bị hạn chế, nếu cơ chế quản lý xã hội thực sự khoa học, phù hợp quy luật thực tiễn, và pháp luật không bị tham nhũng...bịt mắt. Và có điều, tham nhũng ở xã hội ta, nó cũng đặc biệt quá.
Không cứ là quan chức, từ một nhân viên công quyền vô danh tiểu tốt, một giáo viên mầm non, một y tá, điều dưỡng bệnh nhân..., đều có thể tham nhũng, bởi họ vẫn có quyền với một nhóm người nào đó phụ thuộc họ.
Nhưng quan chức, khả năng tham nhũng lớn, tham nhũng nặng, thì hơn hẳn. Nếu vậy, việc cải cách tiền lương chỉ "ưu tiên" cho quan chức, thì tác động của giải pháp này có phần gây... phản cảm. Sự bàn luận ồn ào ngay sau thông tin, đã giải thích phần nào. Và liệu nó có hiệu quả không?
Xin dẫn chứng, về cái sự tăng tiền bạc trước đây:
Khi ngành giáo dục có chủ trương tăng học phí, một câu hỏi đặt ngược: Liệu có sẽ tăng chất lượng giáo dục không?
Khi ngành y tế có chủ trương tăng viện phí, cũng có câu hỏi đặt ngược: Liệu có sẽ tăng chất lượng điều trị bệnh không?
Câu trả lời của cả hai ngành giáo dục- y tế: Chưa dám khẳng định, vì chất lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác!
Thật khôn và thật khéo!
Tăng lương có chống được tham nhũng? Ảnh minh họa
Giờ đây, cũng rất có thể, có một câu hỏi đặt ngược: Nếu tăng tiền lương cho các quan chức, liệu tham nhũng có giảm bớt không? Không chừng, giống như ngành giáo dục và y tế, câu trả lời sẽ là: Chưa chắc, vì tham nhũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác!
Thế nên, trong bài viết mới đây trên Tuần Việt Nam, ngày 25/09, tác giả bài viết đã đặt câu hỏi:Tăng lương rồi mà vẫn tham nhũng thì làm gì nữa? Chả lẽ lại...tăng lương tiếp?
Câu hỏi này xin dành cho các chuyên gia tư vấn về chính sách phòng chống tham nhũng.
Quan trọng hơn cả, cơ chế, thiết chế quản lý kinh tế- chính trị- xã hội hiện nay đã thực sự khoa học, phù hợp thực tiễn, để có thể ngăn ngừa, phòng chống và hạn chế tham nhũng chưa?
Câu hỏi này xin dành cho các nhà quản lý chính quyền từ cơ sở...
Sau những ồn ào, sau những quan tâm thông tin về đối thoại phòng chống tham nhũng năm 2012, chờ cho tiếng nói dư luận xã hội lắng xuống, Tham nhũng mới xuất hiện. Đẹp đẽ, hồng hào, trông rất trí thức, lại rất giống đại gia. Rất kẻ cả, gương mặt đầy vẻ ban phát.
Giờ là lúc Tham nhũng đối thoại với Dân tôi:
- Nhà ngươi ăn gì?
- Dĩ nhiên ăn cơm. Thế còn ông, Tham nhũng, ông ăn gì?
- Ta ăn nhiều thứ lắm, tiền bạc, vàng, ngoại tệ, đất đai... Có thế mới đẹp đẽ thế này chứ. Ngươi tuy ăn, nhưng gạo thì đầy thuốc trừ sâu, phân hóa học, thực phẩm, rau củ, hoa quả ô nhiễm, đầy chất bảo quản. Tham nhũng tự tin.
-...
- Ta biết, Dân các ngươi phẫn nộ với Tham nhũng ta lắm. Nhưng Dân các ngươi có biết, vì sao ta không chết, mà vẫn có ba đầu sáu tay? Tại các ngươi cả đấy. Tại các ngươi luôn có nhu cầu khiến ta phải tham nhũng.
Có kẻ nào đó trong các ngươi từng tổng kết, cuộc đời làm dân của hắn, phải "lạy" tới 36 cửa: Cửa xin học, xin tuyển dụng, xin việc làm, xin chữa bệnh, xin công chứng, xin mua bán nhà cửa..v v...và vv...Các ngươi chỉ có quyền xin xỏ. Còn ta, ta có quyền.
- Chả lẽ Dân tôi có nhu cầu của đời sống là có tội?
- Không có tội. Nhưng ta có quyền. Quyền sinh ra lợi, đặc quyền, đặc lợi. Hiểu chưa?
Mà người có biết vì sao người ko chống nổi ta ko? Vì các ngươi có mỗi cái miệng là vũ khí. Lúc nào cũng hô khẩu hiệu: Chống tham nhũng, chống tham nhũng! Làm như cứ hô khẩu hiệu là Tham nhũng ta chết thẳng cẳng í? Tham nhũng cười sằng sặc.
- ...
- Nhưng Dân các ngươi chỉ có quyền hô. Tham nhũng ta cũng hô cùng các ngươi, nhưng ta... "có quyền" không bao giờ chống lại... chính ta? Hiểu chửa?
Và Tham nhũng lại cười. Bước đi. Dáng đi và nụ cười ngạo nghễ, khệnh khạng giống nhau lạ.
Ôi chao. Vừa bị các nhà khoa học mắng. Giờ Dân tôi lại bị Tham nhũng mắng, diễu cợt!
Sao Dân tôi bỗng dưng...muốn khóc!
Kỳ Duyên
--------------
Tham khảo: