THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 September 2012

Lối thoát nào cho ngành sản xuất xi măng?


2012-08-31
Hiện nay, ngành xi măng có hàng triệu tấn hàng dư thừa, hàng loạt dây chuyền phải chạy cầm chừng; nhiều nhà máy lâm vào cảnh thua lỗ. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng bế tắc hiện nay?

Photo courtesy of Vinaconex
Nhà máy xi măng Hương Sơn, Bắc Giang, ảnh chụp trước đây.

Bán nhà máy trả nợ

Bắt đầu từ cuối năm 2011 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng phải đối mặt với tình trạng không tiêu thụ được sản phẩm. Đã nảy sinh hiện tượng chủ đầu tư rao bán nhà máy để lấy tiền trả nợ.
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), một trong những doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay, số nợ tổng công ty này phải trả dự kiến trong năm 2012 là trên 4.000 tỷ đồng. Về tình hình tiêu thụ xi măng, ông Đào Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Hoàng Thạch, Hải Dương có ý kiến rằng:

Mức cầu năm nay cũng thấp. Cạnh tranh bây giờ tương đối gay gắt, cho nên bán không được hàng.
Ô. Đào Ngọc Bình
Tất cả các ngành thì đều thế cả, tiêu thụ đâu có ăn thua gì, thất thu rất là nhiều. Thực ra, tại vì mức cầu năm nay cũng thấp. Cạnh tranh bây giờ tương đối gay gắt, cho nên bán không được hàng.
Giá nhiên liệu chiếm cỡ 60 – 65% trong giá thành của sản phẩm, cho nên làm ảnh hưởng rất lớn. Nhưng không thể tăng giá xi măng, bây giờ chỉ có giảm giá chứ không có hy vọng gì tăng giá trong lúc này.”
Tính đến nay, tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án xi măng là hơn 1 tỷ USD. Trong đó bao gồm có 4 nhà máy xi măng đang mất khả năng trả nợ. Chi phí sản xuất tăng tạo áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước. Giá nhiên liệu như giá than, giá xăng dầu… chiếm một tỷ lệ khá lớn trong giá thành sản phẩm ngành xi măng.
Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, tình trạng này biểu hiện như sau:
Hiện tại, hiệu quả của ngành xi măng đang ngưng trệ. Gây áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất xi măng, khiến không đạt hiệu quả như đã tính toán trước đây. Bởi vì giá bán hiện nay thì không thể tăng được, theo tương đương như là giá nguyên liệu đầu vào.
Tức là giá than, giá điện, giá xăng dầu và giá nhân công; đặc biệt là giá than tăng mạnh. Trong khi đó giá bán xi măng thì lại không thể tăng được. Cho nên, hiệu quả của doanh nghiệp sản xuất xi măng của Việt Nam hiện nay là đang còn thấp, không được như trong những nghiên cứu trước đây.”
Trong bối cảnh tổng cầu thị trường giảm sút nghiêm trọng, phát sinh hiện tượng số lượng hàng tồn kho lớn là một hệ quả tất yếu. Để giải quyết sản phẩm ứ đọng, Bộ Xây dựng và ngành xi măng từng đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn trong năm 2012. Qua 7 tháng đầu năm, ngành xuất khẩu được khoảng 4 triệu tấn clinker và xi măng.
Mục tiêu mở rộng thị trường này không mong thu lãi, chỉ nhằm giải tỏa hàng tồn kho và bù chi phí vận chuyển. Song hướng xuất khẩu ngành xi măng xem ra cũng không có nhiều khả quan. Theo ông Đào Ngọc Bình, vấn đề này là như sau:
Xuất khẩu thì chúng tôi cũng có những tìm hiểu, nhưng đến thời điểm này, hiệu quả của xuất khẩu chẳng có cao. Nếu mà làm khéo thì hòa, không khéo là lỗ. Giá xuất khẩu bây giờ không có được và các thủ tục tương đối còn vướng mắc nhiều thứ lắm.
Vấn đề chính là giá xuất khẩu không có thỏa đáng, cho nên là khó lắm. Tức là giá người ta mua làm xuất khẩu thì thấp, tiêu chuẩn đặt hàng lại tương đối cao. Giá so với giá bán trong nước thì thấp hơn cả trong nước. Thực ra đấy là rất khó để tiêu thụ mà có hiệu quả được.
Bởi vì chúng tôi cũng mới làm, nên chưa thể có sản phẩm tốt ngay được. Dần dần sẽ có đảm bảo với khách hàng để có một giá nào đó, mà thấy là tốt. Cho mình có thể cũng làm được, đồng thời qua đó mình tìm hiểu thêm các đối tác.”
xin-mang-250.jpg
Vận chuyển xi măng tại nhà máy xi măng Sông Thao, ảnh chụp năm 2012. Photo courtesy of VITIC.
Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia khác đang trong tình trạng cung vượt cầu, xi măng Việt Nam hầu như không có khả năng cạnh tranh. Bởi đa số các doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, nên chẳng thể hạ giá sản phẩm tới mức xuất khẩu là 45 – 50 USD/tấn. Mặt khác xi măng là mặt hàng có giá trị thấp, nhưng trọng lượng và thể tích lại lớn, dẫn đến chi phí vận tải cao. Đồng thời do thiếu cảng, thiếu phương tiện bốc xếp chuyên dùng cũng khiến cho việc xuất khẩu xi măng trở nên trì trệ.

Thúc đẩy sử dụng xi măng

Đầu năm nay, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải ký kết phối hợp tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Sự kiện này được xem là một bước tiến dài trong tiến trình thúc đẩy sử dụng xi măng. Giữa hướng xây dựng đường giao thông bằng bê tông xi măng so với đường trải nhựa, chúng tôi được Giáo sư Tiến sỹ Phạm Huy Khang, Bộ môn Đường Ô tô Sân bay thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải, cho biết về mặt hiệu quả là như sau:

Nên dùng bê tông xi măng làm đường giao thông, quan trọng là giải quyết vấn đề môi trường. Nếu dùng nhựa không thì rất là bất lợi.
TS Phạm Huy Khang
“Tôi cho rằng, hiện nay đối với hoàn cảnh Việt Nam mình, nên dùng bê tông xi măng (làm đường giao thông). Một trong những lý do là mình có rất nhiều và thừa rất nhiều xi măng. Cái thứ hai quan trọng là giải quyết vấn đề môi trường. Nếu dùng nhựa không thì rất là bất lợi.
Những điều như vậy, tôi nghĩ về phân tích là hợp lý nhất. Hiện nay, chủ trương của Bộ Giao thông và Chính phủ là ủng hộ rất nhiều mảng thực hiện này. Sau khi thí điểm hẳn hoi, sẽ bắt đầu tiến hành lớn ra. Vấn đề là như thế.”
Chủ trương của Chính phủ về sử dụng xi măng trong giao thông có từ năm 2009. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của việc xây dựng đường bê tông nông thôn vẫn chưa có những đánh giá cụ thể. Công nghệ xây dựng đường giao thông bằng bê tông xi măng ở Việt Nam xem ra có phần chưa được hoàn chỉnh. Chẳng hạn trong vấn đề thiết kế và thi công, Giáo sư Phạm Huy Khang đã trả lời như sau:
Chưa hoàn thiện, đang rối phần này. Khá là phức tạp. Về tiêu chuẩn quốc tế thì chỉ có một tiêu chuẩn rất cũ của Nga, từ năm 1993 dùng từ hồi đó đến giờ. Hiện nay công nghệ này là quá lạc hậu, lạc hậu về công nghệ lẫn về kỹ thuật.
Vừa rồi, đã chuẩn bị đưa tiêu chuẩn ISO 98 vào. Nhưng đến khi họp thì họ bỏ, không làm nổi. Khả năng người ta sẽ đưa ISO 93 thì cũng đạt.
Hiện nay đang chưa ban hành được tiêu chuẩn thiết kế. Tiêu chuẩn thi công thì đã minh họa nhưng nói chung, chưa ban hành được. Cả hai vấn đề chính đều chưa ban hành được.”
Do chưa có tiêu chuẩn thi công và kết quả thực hiện mặt đường cứng còn trong quá trình nghiệm thu, nên việc áp dụng triển khai đường bê tông xi măng chỉ dừng ở quy mô nhỏ.
Vào năm tới, vẫn chưa có dấu hiệu gì hứa hẹn sáng sủa. Để trả lời cho đáp án này lại phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát. Những gói chính sách về giảm giãn thuế, hạ trần lãi suất chỉ là những biện pháp cứu trợ có tính tình thế; sản xuất xi măng cần phải xem xét lại ngay từ khâu cơ bản là quy hoạch ngành công nghiệp này. Việc đào thải những nhân tố kém cũng là một giải pháp cần thiết để lành mạnh hóa ngành công nghiệp xi măng.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.