Bất chấp phản đối của Việt Nam và quan ngại từ Mỹ, Đài Loan vẫn sẽ ngang nhiên tiến hành tập trận bắn đạn thật từ ngày 1-5.9 ở Ba Bình. Đây là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Đài Bắc chiếm đóng. Đảo này thuộc cụm Nam Yết, cách đảo Sơn Ca 11,5 km về phía tây và cách đảo Nam Yết khoảng 20,4 km về phía đông bắc.
Báo United Evening News dẫn lời nhà lập pháp Quốc Dân đảng Lâm Hữu Phương tuyên bố cuộc tập trận nhằm “củng cố chủ quyền đối với khu vực đảo”. Theo ông Lâm, một số nhà lập pháp khác của Đài Loan sẽ đến Ba Bình vào ngày 4.9 để quan sát cuộc tập trận đồng thời “khích lệ” lực lượng đóng trái phép tại đây. Giới chức Đài Loan không nói rõ nội dung diễn tập, nhưng một số nguồn tin nói đây là tập trận phòng thủ và sẽ không sử dụng pháo cao xạ 40 mm và súng cối 120 mm, vốn được đưa lên đảo hồi đầu tháng 8. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy kế hoạch tập trận. Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về cuộc tập trận nói trên và kêu gọi Đài Loan kiềm chế, theo United Evening News.
Trong khi đó, Trung Quốc lại có thêm động thái mới nhằm hợp pháp hóa “TP.Tam Sa’’ mà họ ngang nhiên lập ra hồi tháng 7 để tự cho mình quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cụ thể, giới chức tỉnh Hải Nam ngày 28.8 ban hành quy định phòng chống thiên tai khí tượng cấp tỉnh, có hiệu lực từ ngày 1.9.2012. Theo Hoàn Cầu Thời Báo, Trung Quốc sẽ xây thêm nhiều trạm quan trắc khí tượng phi pháp trong khu vực. Giới chức Hải Nam còn tuyên bố sẽ mở tuyến du lịch cho dân thường tới “TP.Tam Sa” sớm nhất vào tháng 10. Những hành động này rõ ràng vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Tàu khu trục của Đài Loan ở gần đảo Ba Bình - Ảnh: Wantchinatimes.com |
Trung Quốc “bắt nạt”
Những hành động trong thời gian qua của Trung Quốc ở biển Đông đã gây quan ngại cho nhiều nước. Trong đó, Philippines từng chỉ trích Trung Quốc “bắt nạt” khi căng thẳng song phương về bãi cạn Scarborough dâng cao hồi tháng 4. Đài GMA News đưa tin mới đây, khi Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario hỏi hơn 500 học sinh lớp 6 ở thành phố Quezon rằng liệu Trung Quốc có phải là “nước bắt nạt không”, tất cả đồng thanh đáp: “Dạ, phải”. Trong buổi trò chuyện với các học sinh, ông Rosario đã dùng những ngôn từ đơn giản để giải thích về tranh chấp Scarborough. “Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với những gì thuộc về chúng ta. Do đó mới có tranh chấp”, ông nói và nhấn mạnh Philippines đang từng bước tăng cường khả năng phòng vệ. Ngày 31.8, báo Philippine Daily Inquirer đưa tin Mỹ vừa viện trợ cho Philippines 2 tàu tuần tra và các thiết bị khác để giúp đồng minh cải thiện khả năng giám sát cũng như tuần tra ở biển Đông. Bên cạnh đó, có tin Tổng thống Benigno Aquino III và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có thể gặp nhau và bàn về tranh chấp biển Đông bên lề hội nghị APEC diễn ra tại Nga vào tuần tới.
Ngoài ra, báo Asahi Shimbun dẫn một số nguồn tin cho hay Bộ Quốc phòng Nhật đang đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho các lực lượng quân đội nước ngoài, trong đó có Mông Cổ và một số nước Đông Nam Á. Động thái này được cho là nhằm ứng phó tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật.
Việt Nam phản đối việc Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế lô dầu khí 65/12
Ngày 31.8, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 28.8, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế 26 lô dầu khí, trong đó có lô dầu khí 65/12 nằm cách đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 3 hải lý, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:
“Việc Trung Quốc mời thầu quốc tế tại lô dầu khí nói trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, trái với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước; đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), là hành động phi pháp và không có giá trị.
Việt Nam phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu quốc tế lô dầu khí này”.
TTXVN
|
Ấn Độ muốn tự do hàng hải ở biển Đông
Tờ Indian Express hôm qua dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ E.Ahamed khẳng định chủ quyền của nước này đối với khu vực Arunachal Pradesh/Nam Tây Tạng đang tranh chấp với Trung Quốc. Đồng thời, ông lặp lại lập trường của New Delhi về việc bảo đảm hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên biển Đông. “Chính phủ Ấn Độ tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải, quyền lưu thông và tiếp cận những nguồn lực phù hợp với các quy tắc đã được đồng thuận của luật quốc tế”, Thứ trưởng Ahamed cho biết.
Cũng trong ngày 31.8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bắt đầu chuyến công du 6 nước châu Á với trọng tâm được cho là nhằm tái khẳng định vai trò của nước này trong khu vực, hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc, theo AFP. Trong đó, tranh chấp ở biển Đông sẽ là một chủ đề thảo luận quan trọng.
H.G
|
Văn Khoa