Rạng sáng 22.4, tại cầu cảng huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã diễn ra cuộc đoàn tụ đầy xúc động của gia đình, người dân đất đảo và 21 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ vừa trở về.
Suốt cả đêm người dân đất đảo hầu như không ngủ. Họ tập trung ở cầu cảng Lý Sơn, hồi hộp, trông ngóng ra vùng biển xa tối mịt - nơi 21 ngư dân đang trên đường từ vùng biển Hoàng Sa trở về.
Đúng 1 giờ 30 phút, phát hiện ánh điện của tàu cá QNg-66074 TS cùng 21 ngư dân từ xa, mọi người đều reo hò: “Kìa, về rồi”. Tàu cá cập cảng, 21 ngư dân mặt mày phờ phạc lần lượt lên bờ cũng là lúc vỡ òa niềm vui sướng. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của những người cha, người vợ, người mẹ gặp lại chồng con sau 49 ngày đêm sống trong lo âu, đợi chờ.
Tàu cá QNg-66074 TS cùng 21 ngư dân trở về cập cảng Lý Sơn an toàn - Ảnh: Hiển Cừ
|
Ông Trần Mười (63 tuổi), một lão ngư đã dạn dày sóng gió với hơn 40 năm bám biển khơi, không kìm được xúc động. Ông nắm chặt tay con trai mình là thuyền trưởng Trần Hiền (32 tuổi) hỏi: “Con có khỏe không? Gia đình mình được sum vầy rồi”.
Vợ sinh con trong lúc bản thân bị Trung Quốc bắt giữ, nên vừa về đến nhà nhìn đứa con thơ mới 40 ngày tuổi đang ngủ ngon giấc trong nôi, lòng thuyền trưởng Trần Hiền trào dâng hạnh phúc. Anh ôm lấy con, hôn lên khắp người. Rồi sau đó cả nhà rộn rã tiếng nói cười.
Đói khổ
Thuyền trưởng Hiền kể sau mấy ngày hành nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa, tàu cá QNg-66074 TS cùng 11 ngư dân đã đánh bắt được khoảng 5 tấn cá. “Chiều 3.3, tui phát hiện tàu kiểm ngư 306 màu trắng của Trung Quốc từ xa. Biết chuyện chẳng lành nên tui cho tàu chạy hết ga nhưng không thoát”, anh Hiền nhớ lại.
Ngay sau khi bắt tàu cá QNg-66074 TS, phía Trung Quốc ra hiệu 10 ngư dân sang tàu kiểm ngư 306, chỉ mình Trần Hiền lái tàu cá chạy theo sau hướng về đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa), dưới sự “giám sát” của 4 người Trung Quốc ngồi sau ca bin tàu cá.
Sáng 3.3, tàu kiểm ngư 306 của Trung Quốc cũng bắt tàu cá QNg-66101 TS của ông Lê Vinh (46 tuổi, ở Lý Sơn), do ông Bùi Thu (46 tuổi, cùng ở Lý Sơn) làm thuyền trưởng, trên tàu có 10 ngư dân, khi đang hành nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa.
Theo thuyền trưởng Thu, sau khi bị bắt, tất cả 21 ngư dân bị giam giữ, sinh hoạt trong một căn phòng rộng chừng 40m2. Dù không bị đánh đập nhưng do ăn uống thiếu thốn, kham khổ nên sức khỏe của ngư dân đều giảm sút.
Vẫn bám biển Hoàng Sa
Sau khi phía Trung Quốc bắt giữ 2 tàu cá cùng 21 ngư dân Lý Sơn và đòi tiền chuộc mỗi tàu 70.000 nhân dân tệ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.
Đến 13 giờ ngày 20.4, Trung Quốc đã thả 21 ngư dân cùng tàu cá QNg-66074 TS về Lý Sơn nhưng vẫn còn giữ tàu cá QNg-66101 TS. Trước khi thả, phía Trung Quốc buộc 2 thuyền trưởng tàu cá điểm chỉ vào tờ giấy nợ với mỗi tàu cá là 70.000 nhân dân tệ.
Sau gần 35 giờ lênh đênh trên biển, vượt qua những cơn mưa giông, sóng lớn, tàu chở 21 ngư dân về đến quê nhà Lý Sơn.
Hạnh phúc ngập tràn trong lòng thuyền trưởng Trần Hiền khi anh bồng đứa con thơ mới 40 ngày tuổi - Ảnh: Hiển Cừ
|
Bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - đã bắt tay động viên, thăm hỏi sức khỏe từng ngư dân. “Những ngư dân Lý Sơn ra vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam hành nghề khai thác hải sản không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân trong cả nước đang chung tay giúp đỡ để các ngư dân vượt qua khó khăn, yên tâm bám biển”, bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, UBND huyện Lý Sơn sẽ có văn bản kiến nghị với các cơ quan chức năng cấp trên can thiệp để Trung Quốc tiếp tục thả tàu QNg-66101 TS.
Trao đổi với PV Thanh Niên, thuyền trưởng Trần Hiền khẳng định: “Dù hiểm nguy, tai ương trên biển xa luôn rình rập nhưng đã là ngư dân thì phải bám biển đến cùng để nuôi sống gia đình. Vùng biển Hoàng Sa là mảnh đất mà ông bà, tổ tiên để lại thì cớ gì mình lại sợ mà không ra đó đánh bắt”.
Tuy nhiên, theo Trần Hiền, dù được thả về nhưng con tàu giờ chỉ còn là cái xác, trong khi gia đình đang mắc nợ số tiền 250 triệu đồng. “Bây giờ lo nhất là không biết xoay đâu ra tiền để tu bổ tàu, mua sắm ngư cụ”, Trần Hiền thở dài.
Hiển Cừ