Rất nhiều công nhân (CN) sợ khám bệnh vì ngại sẽ phát hiện ra bệnh, từ đó dễ bị doanh nghiệp cho nghỉ việc.
Mặt khác, không ít doanh nghiệp (DN) vẫn chưa chú trọng chăm lo sức khỏe cho CN.
Đó là những nhận xét thẳng thắn của ông Hồ Xuân Lâm, Phó tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM - HBA (thuộc Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX- KCN) TP.HCM).
Khám bệnh trong Ngày hội chăm sóc sức khỏe CN tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
|
Chờ có chồng rồi mới khám bệnh
Theo ông Lâm, hiện có hơn 270.000 lao động đang làm việc tại những KCX - KCN TP.HCM, trong đó chiếm khoảng 70% từ những tỉnh, thành khác đến. Ông Lâm nhìn nhận: “Việc khám bệnh định kỳ cho CN tại nhiều DN chỉ làm cho có chứ chưa thực chất. Mặt khác, có tâm lý đang rất phổ biến là CN sợ đi khám bệnh, trừ những khi bị bệnh quá nặng mới đi khám. Bản thân tôi thỉnh thoảng cùng đoàn bác sĩ đến tận nơi khám bệnh nhưng chẳng có CN nào chịu đến…”. Ông Lâm lưu ý: “Có một vấn đề về sức khỏe sinh sản rất đáng quan tâm hiện nay chính là tình trạng mang thai trước hôn nhân ở một bộ phận nữ CN. Họ phá thai hoặc đẻ con rồi bỏ con…, gây ra những việc đau lòng trong một số DN do chúng tôi quản lý”.
|
|
Khoảng 70% công nhân mắc bệnh
Anh Trần Thiên Long cho biết, đã có khoảng 11.000 CN tại 11 KCX-KCN trên địa bàn TP.HCM đến khám bệnh theo chương trình Ngày hội chăm sóc sức khỏe CN. Trong số đó, chiếm khoảng 70% mắc những bệnh thường gặp như: đau đầu chóng mặt, đau bao tử, cảm sốt, nhức cơ xương, bệnh phụ khoa…
|
|
|
Bạn M.L (24 tuổi, quê ở Cần Thơ, CN Công ty Sonion) cho hay, chưa bao giờ cô đi khám phụ khoa vì thấy “kỳ kỳ”. Sau khi được một tư vấn viên cảnh báo và khuyên nên khám bệnh, M.L vẫn khăng khăng: “Dù chị ấy nói có lý nhưng em không thay đổi suy nghĩ của mình. Tới đâu tính tới đó vậy!”.
Còn cô T.H (24 tuổi, quê ở Nghệ An, làm việc tại Công ty Nidec Servo) tỏ vẻ lo ngại đối với căn bệnh ung thư cổ tử cung mà nhiều phụ nữ đã mắc phải. Tuy nhiên, nhắc đến khám bệnh, T.H lại e dè: “Em chờ đến lúc nào có chồng rồi mới đi khám, vì lúc đó tâm lý sẵn sàng hơn. Bây giờ còn độc thân, khám mấy vụ đó ngại quá! Không chỉ riêng em, nhiều bạn khác cũng có chung tâm lý như thế”.
Đúc kết từ những thắc mắc của công nhân, anh Trần Thiên Long - Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ CN TP.HCM và là người gắn bó với CN suốt hơn 10 năm nay, bày tỏ trăn trở: “Tôi nhận thấy có một thực tế rất đáng lo ngại, đó là nhiều CN thiếu kiến thức và thờ ơ với việc chăm sóc sức khỏe của bản thân. Điều này còn do nhiều DN chưa quan tâm, tổ chức khám bệnh qua loa hay bố trí giờ giấc không phù hợp…”.
Tiến vào "đại bản doanh"
|
|
| Tôi nhận thấy có một thực tế rất đáng lo ngại, đó là nhiều CN thiếu kiến thức và thờ ơ với việc chăm sóc sức khỏe của bản thân | |
|
Trần Thiên Long - Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ CN TP.HCM
|
|
|
Đây là năm thứ 4, Trung tâm hỗ trợ thanh niên CN TP.HCM tổ chức chuỗi chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe cho CN. Anh Huỳnh Ngô Tịnh - Giám đốc trung tâm so sánh: Điểm mới trong nội dung dinh dưỡng năm nay là có sự tham gia của nhiều đại diện chủ sử dụng lao động để giới thiệu bếp ăn công nghiệp của họ. Bởi lẽ, chúng tôi nhận thấy có mối liên hệ mật thiết giữa dinh dưỡng của CN với hiệu quả sản xuất. Riêng những chuyên đề sức khỏe sinh sản, năm nay có thêm phương thức tiến vào "đại bản doanh" một số DN có đông nữ CN. Ước tính có khoảng 50.000 lượt người tham gia các chương trình nói trên. Tuy nhiên, theo nhìn nhận thực tế của anh Tịnh, số CN tiếp cận thông tin cũng như dịch vụ về sức khỏe như vậy vẫn còn ít so với lực lượng lao động đông đảo hiện tại ở thành phố.
Kéo dài từ ngày 8.3 đến ngày 5.5, chuỗi Ngày hội chăm sóc sức khỏe CN (do HBA và Quỹ hỗ trợ CN TP.HCM thực hiện với sự tài trợ hơn 2 tỉ đồng từ Công ty cổ phần Dược Hậu Giang) diễn ra tại 14 KCX-KCN ở TP.HCM. Chương trình gồm hai phần chính: Khám bệnh - phát thuốc (ban ngày) và văn nghệ lồng ghép tham vấn sức khỏe (tối).
Theo anh Trần Thiên Long, qua chuỗi ngày hội nói trên, ban tổ chức muốn DN tạo mọi điều kiện, chú trọng hơn nữa đến CN. Còn với CN, chương trình gửi gắm thông điệp: “Cho dù thiếu thốn thời gian lẫn tiền bạc nhưng các bạn phải biết chăm sóc sức khỏe của chính mình”.
Tại mỗi điểm khám, có đến 10 bác sĩ và 8 điều dưỡng túc trực cùng 2 máy siêu âm, 2 máy đo loãng xương, 1 máy đo điện tim... và dành 20 tủ thuốc (4 triệu đồng/tủ) tặng những DN có đông CN. Thế nhưng, theo ban tổ chức, lượng CN đến với ngày hội vẫn còn hạn chế. Suốt từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, bình quân mỗi KCX/KCN chỉ có 1.000 người đến khám bệnh trong khi con số dự kiến là 1.500 người.
Ý kiến
Có nhiều chuyện ngoài tầm với
Tuy còn nhút nhát nhưng những gì CN hỏi đều rất sát sườn. Đôi lúc tôi suy nghĩ, có những điều tôi giải đáp cho CN nhưng thực hiện được hay không lại là chuyện khác bởi có những vấn đề ngoài tầm với của họ. Ví dụ, chuyện vệ sinh cá nhân thì họ làm được nhưng chuyện dinh dưỡng (suất ăn công nghiệp - ít nhất một bữa ăn chính/ngày trên công ty) hay về môi trường lao động… lại phụ thuộc vào người khác nên CN không hoàn toàn tự giải quyết được. Có thể thấy rõ, mức thu nhập từ 2-4 triệu đồng như hiện nay là không đảm bảo đời sống cho CN.
Bác sĩ Lê Văn NhânPhó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM
Lo lắng việc làm hơn sức khỏe
Theo khảo sát của Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, nhiều CN bày tỏ lo lắng về chỗ ở (không an toàn, giá cao, chật chội…) và việc làm không ổn định, điều kiện làm việc không đảm bảo vệ sinh - an toàn… Mặc dù chăm lo sức khỏe của CN hiện cũng rất đáng quan tâm, song hầu hết CN tham gia khảo sát đều không đề cập vấn đề này.
Huỳnh Ngô Tịnh Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM
|
Như Lịch