THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 June 2011

Ô nhiễm trắng từ túi nylon


Rẻ, tiện lợi nên túi nylon được xài vô tội vạ khắp nơi. "Ô nhiễm trắng" từ túi nylon đang đe dọa môi trường.
 
Quá tiện dụng, nên túi nylon được sử dụng thoải mái mọi lúc, mọi nơi - Ảnh: Diệp Đức Minh
Miễn phí nên xài xả láng
Chị Lê Hồng Tuyết (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, vào dịp cuối tuần các siêu thị đông nghịt khách, mỗi món hàng lặt vặt xài một túi nylon, một nhóm hàng (thực phẩm chế biến, rau củ quả, thực phẩm tươi…) xài túi lớn, rồi ra quầy tính tiền lại có túi nylon lớn hơn đựng chung… "Tính ra mỗi lần đi siêu thị tôi dùng không dưới 30 túi nylon". Theo một khảo sát của Quỹ Tái chế chất thải từ năm 2008, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tại TP.HCM dùng khoảng 30 tấn túi nylon/ngày. Nếu tính cả lượng túi sử dụng trong dân cư phải đến hàng trăm tấn/ngày.
Tại các siêu thị, khách hàng thường đến mua sắm với hai bàn tay không nhưng mọi món hàng lớn nhỏ, từ trái ớt, củ tỏi, mớ rau cho đến lạng thịt, cá… mỗi món đều cho vào một túi nylon. Tại quầy tính tiền, nhân viên sẽ sử dụng một vài túi nylon lớn cho mớ hàng lỉnh kỉnh vào đấy. Chị Thúy Vân (Q.3) cho biết: "Vì túi nylon được phát miễn phí nên mọi người cứ tha hồ sử dụng. Nếu có tính phí thì chắc chắn mọi người sẽ dùng hạn chế, thứ nào cần mới dùng đến hoặc mang túi sử dụng nhiều lần".
Ở các chợ lẻ, cửa hàng tạp hóa, không chỉ người tiêu dùng mà người bán hàng cũng "hào phóng" sử dụng loại túi gây hại đến môi trường. Chỉ cần khách mua bó rau muống, gói mì, con cá thì tiểu thương sẵn lòng cho mỗi thứ vào mỗi túi nylon để chiều khách. Người mua chỉ việc chọn hàng, người bán cho hàng vào túi nylon, gói ghém cẩn thận. Theo khảo sát của Quỹ Tái chế chất thải, chỉ có vài phần trăm người đi chợ mang theo túi xách, giỏ khi đi mua sắm.
Hiểm họa

Luật Thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua có 8 đối tượng chịu thuế, trong đó túi nylon là đối tượng thứ tư. Mức thuế tuyệt đối được quy định tại khoản 1 Điều 8 của luật là từ 30.000 - 50.000 đồng/kg cho túi nylon thuộc diện chịu thuế. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012.
Không ít người ở nước ngoài về VN ngạc nhiên vì siêu thị, trung tâm thương mại cho khách sử dụng túi nylon vô tội vạ. Chị Lệ Ý (Q.1) từng du học, làm việc tại Úc, nói: "Tôi thấy ở Úc tính phí sử dụng túi nylon, các siêu thị không cho khách xài túi nylon thoải mái như ở mình. Họ quy định hẳn hoi, thậm chí cấm sử dụng túi nylon trong một số trường hợp nhất định chứ không chỉ tuyên truyền như ở mình. Một số nước khác cũng kiểm soát việc sử dụng túi nylon nghiêm ngặt lắm chứ không phải đợi vào ý thức của mọi người".
Việc sử dụng quá mức và thải bỏ túi nylon bừa bãi đã gây ra nhiều hệ lụy cho cảnh quan và môi trường. Ô nhiễm môi trường do thói quen sử dụng túi nylon trong tiêu dùng hằng ngày đang là nạn "ô nhiễm trắng".
TS Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế TP.HCM cho biết, túi nylon có những tác hại là gây tắc nghẽn dòng chảy cống rãnh, gây ngập lụt đô thị, làm ứ đọng nước thải, phát sinh ruồi, muỗi, dịch bệnh, phá hoại mỹ quan và hệ sinh thái đô thị. Khi lẫn vào đất, rác nylon làm đất "ngộp thở", cản trở quá trình sinh trưởng của cây cỏ. Một kết quả khảo sát của Quỹ Tái chế TP.HCM cho thấy, đa số người dân khi được hỏi đều cho rằng việc sử dụng túi nylon quá mức sẽ gây hại cho môi trường. Điều này cho thấy đã có sự nhận thức về tác hại của túi nylon từ phía người dân và đa số người được hỏi cho biết có để lại túi nylon sạch để sử dụng, còn một số ít người thì vứt ngay không sử dụng lại.
Nhưng từ nhận thức đến hành động hạn chế sử dụng túi nylon vẫn còn một khoảng cách. Việc hạn chế sử dụng túi nylon trong thời gian qua cũng chỉ dừng lại ở sự vận động là chính. Các cuộc vận động tại TP.HCM thông qua hoạt động của Ngày hội tái chế; Tháng sử dụng túi thân thiện với môi trường do Sở Tài nguyên - Môi trường TP phát động. Mới đây nhất, T.Ư Đoàn phối hợp cùng Bộ Tài nguyên - Môi trường phát động không sử dụng túi nylon trong đoàn viên, thanh niên và người dân. Nhiều DN còn kết hợp với các sự kiện lớn trên thế giới về môi trường để vận động... Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Co.opMart, người tiêu dùng VN đã có thói quen sử dụng túi nylon khi mua sắm từ lâu, để thay đổi thói quen này cần nhiều thời gian và sự vận động, tuyên truyền từ nhiều phía. Hiện nay, lượng khách thường xuyên mang theo túi Môi trường xanh khi đến Co.opMart chiếm từ 10 - 15%, con số này đang tăng dần.
Các chương trình vận động như trên chỉ rầm rộ vào một số ngày, còn mang tính phong trào nên cũng nhanh chóng... xẹp.
Vào cuộc "nói không với túi nylon"
Hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry VN đã đi đầu trong việc nói không với túi nylon từ đầu tháng 11.2007 với chương trình "Metro cùng khách hàng bảo vệ môi trường". Từ đó đến nay, các siêu thị Metro trên toàn quốc đã ngừng cung cấp miễn phí túi nylon đựng hàng như trước đây và khách hàng có thể mua loại túi xách sử dụng nhiều lần (làm bằng sợi PP), được bán ngay tại quầy thu ngân. Co.opMart mấy năm trước cũng đã tổ chức nhiều chương trình nhằm khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng túi nylon và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng. Bước đột phá của Co.opMart là ngưng hẳn sử dụng túi nylon kể từ ngày 26.3 vừa qua trên hệ thống siêu thị Co.opMart tại khu vực TP.HCM, chuyển sang sử dụng túi tự hủy. Khách đến mua sắm tại Co.opMart sẽ được phát miễn phí loại túi này. Sau thời gian thí điểm, Co.opMart sẽ áp dụng rộng rãi loại túi này trên toàn hệ thống của mình cả nước.
Bên cạnh các nhà phân phối, một số doanh nghiệp (DN) đã sản xuất loại bao bì thân thiện với môi trường, có thể thay thế hoàn toàn túi nylon. Theo TS Lê Văn Khoa, hiện có 4-5 DN sản xuất loại bao bì thân thiện với môi trường có thể thay thế túi nylon hiện có trên thị trường, như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi dệt plastic sử dụng nhiều lần, túi nylon tự rã và tự phân hủy sinh học.
Ông Lê Lộc, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phúc Lê Gia (TP.HCM) là một trong số ít DN tiên phong nghiên cứu sản xuất bao bì nhựa tự phân hủy sinh học 100% thân thiện với môi trường cho biết, điều kiện sản xuất túi tự hủy không tốn nhiều công sức đầu tư mà hiệu quả kinh tế rất phù hợp với thị trường VN, giá thành hợp lý, hội đủ các điều kiện thay thế túi nylon truyền thống gây ô nhiễm môi trường. Nhưng khó khăn là bao bì nhựa sinh học tự hủy hiện nay chưa có trong danh mục sản phẩm phải quản lý về chất lượng. Hiện VN cũng chưa có tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho sản phẩm này. Từ năm 2008, Công ty Phúc Lê Gia đã trực tiếp liên hệ với các bộ, ngành để xin được hướng dẫn tiêu chuẩn chất lượng tạo điều kiện đảm bảo cho DN sản xuất tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo đúng quy định của cơ quan chức năng đề ra.
VN đang có nhiều điều kiện và giải pháp hứa hẹn khả năng thay thế túi nylon bằng các loại bao bì thân thiện môi trường. Việc nghiên cứu và đưa bao bì phân hủy sinh học vào ứng dụng thay thế túi nylon cần nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước về những quy định, chính sách khích lệ thay đổi thói quen sử dụng túi nylon và định hướng chiến lược trong công tác bảo vệ môi trường và xử lý chất thải phù hợp.
Mai Vọng - Hoàng Việt