THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 June 2011

Bộ trưởng Công thương không nhân nhượng ôtô nhập khẩu

Cho rằng nhập khẩu xe hơi tiêu tốn tới 1 tỷ đôla mỗi năm lại chỉ phục vụ lượng nhỏ người tiêu dùng, Bộ trưởng Công thương - Vũ Huy Hoàng cho rằng việc "siết" ôtô ngoại là cần thiết và nhiều nước khác đã áp dụng.
>Doanh nghiệp ôtô muốn đối thoại với Bộ Công Thương
>Vẫn siết xe ngoại nhưng cân nhắc gỡ khó thủ tục

Tại buổi giao ban trực tuyến 6/6, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 30.000 ôtô, loại dưới 9 chỗ ngồi. "70 triệu nông dân của Việt Nam không mua xe này", ông Hoàng nói.

Thị trường Việt Nam từng diễn ra cuộc chạy đua nhập xe siêu sang. Ảnh: roadandtrack.

Theo người đứng đầu ngành Công thương, hiện nay, hạ tầng giao thông của Việt Nam còn nhiều bất cập. Trong khi đó, việc ôtô nhập khẩu về thị trường nhiều lại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, dẫn đến tai nạn giao thông ngày một tăng cao. Do vậy, việc áp dụng một số thủ tục nhập khẩu là cách tốt nhất để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời chống gian lận thương mại, đảm bảo ổn định vĩ mô, an sinh xã hội.

"Trên thế giới nhiều nước đã áp dụng hạn chế nhập khẩu. Quy định này mang tính chất bắt buộc pháp lý, trong khi Việt Nam đến giờ mới áp dụng", ông Hoàng nhấn mạnh.

Ý kiến của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra tại cuộc họp giao ban một lần nữa khẳng định thái độ không nhân nhượng đối với xe nhập khẩu. Thậm chí, bổ sung thêm cho quan điểm của Bộ trưởng Hoàng, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công thương - Phan Văn Chinh còn viện thêm thông tin về tính "bát nháo" của thị trường xe nhập khẩu.

Ông Chinh cho hay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/5, cả nước đã nhập khẩu 18.000 xe, loại dưới 9 chỗ ngồi. Trong đó, có tới 200 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu. Như vậy, tính trung bình một tháng, mỗi doanh nghiệp nhập chưa đầy 20 chiếc.

Theo quy định tại thông tư số 20, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc về thị trường phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất hoặc hợp đồng đại lý chính hãng. Giấy ủy quyền này phải do cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận. Các loại giấy tờ này theo các nhà nhập khẩu xe hơi nhận định là không thể có được. Nếu có thì thủ tục xin cấp cũng nhiêu khê và cực kỳ khó.

Do vậy, hồi tuần trước có ít nhất 100 doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi không chính hãng đã gửi văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng vì lo ngại chính sách này sẽ khiến khoảng 1.700 doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản.

Các doanh nghiệp cho rằng việc ban hành thông tư 20 là phù hợp với thực tế nhằm thiết lập lại thị trường, dẹp bớt các salon xe hơi nhỏ lẻ gây nhiễu về chất lượng và giá. Tuy nhiên, Bộ Công thương cần có lộ trình thực hiện để tránh gây cú sốc mạnh, đẩy đại bộ phận doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.

Trong đơn kiến nghị gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại chuyện "đi đêm" giữa các doanh nghiệp để mua giấy phép nhập khẩu. Khi chuyện mua - bán hạn ngạch nhập khẩu xảy ra, doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí thì hậu quả hơn ai hết sẽ là người tiêu dùng. "Như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Thông tư 20 đều không đạt được", văn bản kiến nghị nêu rõ.

Theo các doanh nghiệp nếu thông tư 20 được áp dụng, sẽ có các biến động lớn liên quan đến ôtô nhập khẩu như: Khách hàng không còn quyền lựa chọn nhà nhập khẩu thứ hai với cùng một mẫu xe; sẽ có nhiều mẫu xe khách hàng muốn mua cũng không có bởi các liên doanh chỉ nhập một số mẫu xe nhất định.

Thêm vào đó rất có thể các nhà nhập khẩu sẽ nhập các model lỗi mốt, không bán được ở các nước khác về cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam với giá cao... "Có rất nhiều nguy cơ để ôtô nhập khẩu có thể bị làm giá, tăng giá: Do khan hiếm hàng, do độc quyền ... và tất nhiên là "gánh nặng" đó cuối cùng sẽ đổ vào người tiêu dùng", doanh nghiệp kiến nghị thêm.

Hồng Anh - Hoàng Lan