THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 May 2011

Tỷ giá ngân hàng biến động theo tin đồn lãi suất

Tỷ giá mua bán đôla Mỹ của các ngân hàng thương mại bất ngờ tăng mạnh trong 3 ngày qua khi thị trường râm ran thông tin nới trần lãi suất huy động và khống chế lãi suất cho vay VND.

Nếu như cuối tuần trước tỷ giá mua bán đôla của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chỉ chốt ở 20.520 - 20.620 đồng thì bước sang ngày 16/5 đã vọt lên20.610-20.690 đồng. Sau 3 ngày biến động, tỷ giá của nhà băng có doanh số mua bán ngoại tệ lớn nhất nhì thị trường đã tăng thêm 180-230 đồng, lên mức cao nhất kể từ hôm 21/4 và xóa sạch "nỗ lực" đi xuống của gần một tháng qua.
Diễn biến tương tự cũng xuất hiện trên bảng niêm yết của nhiều ngân hàng thương mại khác, gây ngạc nhiên cho không ít người.
Suốt một tháng qua, tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố liên tục giảm, từ đỉnh cao 20.733 đồng hôm 19/4 xuống còn 20.673 đồng vào ngày 18/5. Trong khi đó, tỷ giá công bố tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn hờ hững theo kiểu không muốn mua mà cũng chẳng muốn bán cho các ngân hàng thương mại.
Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này bắt đầu mua đôla từ các ngân hàng thương mại, nhưng mua với một số điều kiện nhất định và không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng đáp ứng.
Trong khi đó, lãnh đạo phụ trách ngoại hối của một ngân hàng quốc doanh cho biết nhu cầu mua của khách hàng tăng đột biến ba ngày qua và là nguyên nhân chính khiến tỷ giá của các ngân hàng tăng mạnh.
Tỷ giá ngân hàng đang tăng cao trở lại khi có tin đồn khống chế lãi suất cho vay VND.
Tỷ giá mua và bán ngoại tệ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (tỷ giá mua VCB và tỷ giá bán VCB) bất ngờ tăng cao dù tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn trong xu thế giảm. Nhiều người lý giải hiện tượng này có thể liên quan tới thông tin lãi suất cho vay VND sẽ bị khống chế.
Trên thực tế, 3 ngày tỷ giá đôla tại ngân hàng tăng cao cũng là thời gian thị trường sốt sình sịch với tin đồn lãi suất tiền đồng có thể được điều chỉnh theo hướng mới. Trong cả hai phương án được nhiều người nhắc tới, lãi suất cho vay VND có thể bị khống chế ở mức 18-19% thay vì để thả nổi như hiện nay. Riêng lãi suất huy động có thể điều chỉnh theo hai cách, một là nới trần hoặc buông hẳn để các ngân hàng tự do hút vốn.
Theo phân tích của một chuyên gia cấp cao thuộc Hiệp hội Ngân hàng, nới hoặc bỏ trần lãi suất huy động là nhằm hỗ trợ ngân hàng hút vốn, vì mức trần 14% hiện nay không đủ hấp dẫn khi lạm phát theo năm đã vượt 17% và thực tế nhiều ngân hàng đã vượt rào huy động với mức cao hơn quy định. Còn về khả năng áp trần lãi suất cho vay, là nhằm khống chế chi phí vốn cho sản xuất kinh doanh, khi nhiều doanh nghiệp phàn nàn vốn vay ngân hàng quá khó và đắt khiến họ không thể mở rộng đầu tư sản xuất, thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động hoặc tạm đóng cửa.
"Khống chế lãi suất cho vay về lý thuyết sẽ rất tốt, nhưng hệ lụy không mong muốn của nó là tình trạng thu phí tràn lan hoặc cơ chế hai lãi suất lại tái diễn trong ngân hàng", vị chuyên gia này khuyến cáo.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP HCM cho rằng, làm ngành ngân hàng thì tính minh bạch là một trong những điều cần thiết nhất. Nhưng việc áp trần lãi suất huy động 14% theo mệnh lệnh hành chính trong thời gian qua đang buộc phần lớn các ngân hàng thương mại phải nói dối.
"Thực tế nhìn vào ai cũng biết, nhà băng nào cũng phải huy động lãi suất trên 14%, có khi lên 17-18% nhưng lúc nào cũng phải báo cáo 14%. Giờ nếu tiếp tục khống chế lãi suất vay thì doanh nghiệp muốn vay lại phải trả thêm chi phí không chính thức. Chúng tôi thực sự quá mệt mỏi khi phải hoạt động trong một môi trường thiếu sự minh bạch như thế này", vị này thốt lên.
Một hệ lụy không mong muốn khác của phương án khống chế lãi suất cho vay VND, đó là điều hành tỷ giá sẽ lại khó khăn sau thời gian nỗ lực bình ổn. Bởi khi lãi suất VND bị khống chế ở mức thấp hơn kỳ vọng, lợi tức từ VND sẽ giảm và nhà đầu tư sẽ dịch chuyển sang tích trữ đồng đôla.
"Nếu đồng thuận với ý tưởng khống chế lãi suất cho vay VND, Ngân hàng Nhà nước cần dự phòng thuốc bổ cho tỷ giá và ngăn nguy cơ dịch chuyển từ VND sang đôla Mỹ", vị chuyên gia của Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh.
Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, ở thời điểm này nếu muốn thuận lợi cho tỷ giá, tốt hơn hết không nên khống chế lãi suất VND. "Tuy nhiên mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước đâu chỉ có mỗi tỷ giá", nguồn tin này nói.
Tính đến cuối tháng tư, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng gần 10% so với đầu năm và hơn 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa chỉ tiêu 7% mà Quốc hội đề ra cả năm nay. Không ít chuyên gia từng cảnh báo chống lạm phát là rất khắc nghiệt và đau đớn, Chính phủ cần cam kết và kiên định với chủ trương thắt chặt tiền tệ và tài khóa như đã đề ra trong Nghị quyết 11.
"Tư tưởng là vậy, nhưng nếu đặt mình ở vị trí những nhà hoạch định và thực thi chính sách, mọi việc không hề dễ dàng. Một mặt vừa lo chống lạm phát, nhưng họ không thể bỏ ngoài tai những lời phàn nàn của doanh nghiệp về việc vốn vay ngày càng đắt đỏ và khó tiếp cận", một chuyên gia của Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia bình luận.
Ủng hộ phương án áp trần lãi suất cho vay, vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh thị trường ngân hàng Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh lành mạnh, nhất thiết phải có bàn tay điều tiết của Nhà nước. Theo ông, nếu áp trần lãi suất cho vay, cần cân nhắc mức hợp lý cả ba đối tượng là người gửi tiền, ngân hàng và doanh nghiệp đi vay vốn đều chấp nhận được.
Tuy nhiên, giới kinh doanh ngân hàng cho rằng nên thả lãi suất theo cơ chế thị trường, lên xuống theo cung cầu vốn. Làm theo cách này, vừa chống được lạm phát, không lo tỷ giá tăng cao, lại không làm thị trường ngân hàng thêm méo mó.
"Thay vì quá quan quá quan tâm tới lãi suất VND trên thị trường và xử lý bằng các biện pháp hành chính, Ngân hàng Nhà nước có thể siết chặt các công cụ sẵn có của mình như khống chế tín dụng ở mức 20%, giám sát tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng phải đảm bảo đúng quy định là 9%. Trong trường hợp bất đắc dĩ, có thể tận dụng tới công cụ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để ngăn đà tăng trưởng tín dụng nóng và chống lạm phát", vị chuyên gia của Hiệp hội Ngân hàng đề xuất.
Song Linh - Lệ Chi