Thứ bảy, 21/5/2011, 11:48 GMT+7 18 tuổi, lần đầu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, trong tâm trạng hồi hộp, nhiều cử tri trẻ hy vọng đại biểu Quốc hội, HĐND sẽ tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là của giới trẻ.>Hàng nghìn cử tri háo hức đi bầu cử sớmHoàng Văn Quý, thủ khoa ĐH Bách khoa TP HCM năm 2010 chia sẻ, cậu biết đến bầu cử Quốc hội khi đang học lớp 5, lúc đó bà nội nói bầu cử là lựa chọn cán bộ để làm việc trọng đại của quốc gia. Tròn 18 tuổi, đây là lần đầu tiên chàng thủ khoa được cầm thẻ cử tri. Cậu cho biết rất hồi hộp, lo lắng vì phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Ký túc xá nơi Quý ở đang rộn ràng chuẩn bị cho ngày bầu cử. Danh sách, lý lịch ứng viên được dán ở bảng tin để tất cả sinh viên tham khảo. Quý cùng các bạn đã xem xét kỹ từng ứng viên để cân nhắc, lựa chọn. "Tuy nhiên, chỉ dựa vào bảng thành tích thì em thấy chưa yên tâm lắm, giá như được tiếp xúc với họ thì việc lựa chọn sẽ dễ dàng hơn", Quý chia sẻ.
Nguyễn Thị Ái Nương, á khoa ĐH Ngoại thương 2010 cho biết, ngày còn bé, Nương thường thấy đài báo tuyên truyền rất nhiều về bầu cử Quốc hội. Mọi người trong xóm đi bỏ phiếu trong không khí rộn ràng, hân hoan như ngày hội. "Bố mẹ em cũng đi bỏ những tờ phiếu màu hồng vào một cái thùng kín, tuy không hiểu gì nhưng em thấy rất thú vị. Em thắc mắc hỏi bố thì ông bảo rằng khi nào đủ 18 tuổi, con sẽ được cầm lá phiếu cử tri, được quyền bầu cho những người tiêu biểu có đức, có tài đứng ra gánh vác trọng trách của đất nước", Nương nhớ lại. Lúc ấy, dù chưa thể hiểu hết ý nghĩa của việc bầu cử nhưng cô cảm thấy rất thiêng liêng. "Em đã tìm hiểu kỹ về bầu cử và luật bầu cử Quốc hội để hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhưng em thấy thông tin về các ứng cử viên còn khá sơ sài nên rất khó để có sự lựa chọn chính xác", Nương nói.
Đối với Lê Mai Hạnh (Học viện Báo chí Tuyên truyền), từ khi lên 4-5 tuổi, cô đã được bố mẹ cho đi bầu cử cùng. Hạnh không hiểu bầu cử là gì nhưng rất háo hức vì được ra UBND phường chơi với các bạn. Cô nhớ, ngày hôm đó loa phóng thanh mở cả ngày, người người tấp nập như trẩy hội. "Sợ em bị lạc nên mẹ bảo bố vào bỏ phiếu luôn cho hai vợ chồng để mẹ ở ngoài trông em, nhưng bố cương quyết nói "anh không lấy quyền công dân của em đâu". Lúc đó, em nghĩ bầu cử quan trọng lắm, nó là quyền của mỗi người nên bố mới không lấy mất phần của mẹ", Hạnh cười nhớ lại. Cô Á khôi trường Báo chí chia sẻ, mấy hôm nay, thành viên trong gia đình Hạnh đã xem rất kỹ danh sách ứng cử viên, bản trích ngang lý lịch, đánh dấu trước những người nào mình cảm thấy xứng đáng để hôm đi bầu cử giữ lại tên trong danh sách. Hồi hộp chuẩn bị cho ngày bầu cử, mỗi cử tri trẻ đều gửi gắm những kỳ vọng vào ứng viên đại diện cho mình. Hoàng Văn Quý chia sẻ, như tất cả mọi người, điều cậu mong nhất là đại biểu phải có tâm với dân với nước. "Năng lực và phương pháp, kinh nghiệm là rất cần thiết, nhưng tất cả vẫn xếp sau cái tâm. Nhiều đại biểu rất giỏi nhưng lại quan liêu, tham nhũng. Như vậy vừa không giúp được gì cho dân, lại làm dân mất niềm tin", Quý giải thích.
Quý mong muốn những đại biểu Quốc hội lần này sẽ quan tâm hơn đến vấn đề lạm phát. Vì theo cậu, giá cả lương thực và các mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh, thu nhập thì chỉ nhích dần lên khiến cuộc sống của người dân khó khăn, đặc biệt đối với sinh viên. Tiền trọ tăng đột biến so với những năm trước, những học trò từ tỉnh lẻ, huyện nghèo ra thành phố học chưa kịp nhập lớp phải đau đầu với tiền trọ và sinh hoạt phí, phần lớn phải đi dạy kèm, đi làm bồi bàn và có khi phải bỏ nhiều buổi học để làm thêm. "Em được ở ký túc xá là sướng hơn các bạn khác nhiều, vậy mà vẫn còn phải ăn mì tôm suốt vì quán cơm bây giờ tăng giá ghê lắm. Thế nên em chỉ ước ao, các đại biểu khóa mới hãy kiềm chế lạm phát, hãy giúp đỡ người dân, giúp đỡ sinh viên chúng em đỡ cực hơn", Quý nói. Còn Ái Nương mong muốn những đại biểu được lựa chọn vào Quốc hội phải thực sự là người có kiến thức, hiểu biết sâu rộng; có phẩm chất đạo đức tốt, có tâm huyết, luôn nghĩ đến lợi ích của toàn dân và dám đấu tranh bảo vệ cái tốt, chống lại cái xấu, tiêu cực. Nương chia sẻ thêm, hiện nay sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành, không sử dụng được chuyên môn và kỹ năng đã được học. Một số có năng lực thực sự có xu hướng làm việc cho các công ty tư nhân, nước ngoài thay vì các cơ quan nhà nước vì môi trường làm việc tốt và mức lương hấp dẫn. "Em mong đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra giải pháp có thể khắc phục tình hình trên", Nương cho hay. Á khôi Mai Hạnh lại kỳ vọng các đại biểu Quốc hội chân thật, gần gũi với nhân dân, dám thẳng thắn đấu tranh chống tiêu cực và có hành động rõ ràng trong nhiệm kỳ. "Với tư cách là một cử tri trẻ, em nghĩ rằng các đại biểu cần tích cực quan tâm và tập trung giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội, đặc biệt về môi trường", Mai Hạnh nói. Hoàng Thù y |