THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 October 2013

Thêm 3 người bị bắt khi từ Philippines trở về Tân Sơn Nhất!

VIỆT NAM (NV) Wednesday, October 09, 2013 Sau khi 9 thanh niên tham gia khóa học về xã hội dân sự bị bắt khi trở về Việt Nam từ Philippines, thông tin mới nhất cho biết thêm 3 người nữa bị bắt khi vừa về đến sân bay Tân Sơn Nhất tối Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013.

Ba thanh niên, gồm Phạm Trần Quân, Trương Quỳnh Như và Bùi Thị Diện, hiện đang bị giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Các thanh niên bị bắt tại Tân Sơn Nhất, từ trái: Phạm Trần Quân, Trương Quỳnh Như và Bùi Thị Diện. (Hình: Voice)

Nhóm 3 người nói trên về Việt Nam là đợt thứ ba. Hai nhóm về trước vào các ngày Thứ Bảy, 5 tháng 10 và Chủ Nhật, 6 tháng 10 gồm 9 người đã bị bắt giữ và thẩm vấn nhiều giờ, tịch thu một số tài sản cá nhân trước khi được thả.

Hiện chưa biết số phận của hai cô gái và một thanh niên nói trên ra sao. Họ sẽ được trả tự do sau khi bị thẩm vấn ở phi trường Tân Sơn Nhất hay sẽ bị giữ luôn, chưa có tin tức gì.
Khóa học về xã hội dân sự, do ASIAN BRIDGE tổ chức, kéo dài 2 tuần tại Philippines, có nhiều tổ chức NGO và các định chế quốc tế gởi đại diện đến nói chuyện. Trong số này có Tổ Chức Hỗ Trợ Pháp Lý Nhân Quyền, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc,...

Cả ba thanh niên Phạm Trần Quân, Trương Quỳnh Như và Bùi Thị Diện đều đã biết tin các bạn về trước họ đã bị bắt thẩm vấn nhưng họ vẫn nhất định trở về dù có thể xảy ra bất cứ điều gì. Họ viết các lá thư cảm ơn tổ chức Asian Brigde đã giúp họ cơ hội nhìn thấy những điều trọng yếu để phát triển trong một xã hội gọi là văn minh. Xã Hội dân Sự.
“Được tham gia khóa học về Xã Hội Dân Sự do Asean Bridge tổ chức, đối với tôi là một khóa học rất hữu ích. Các kiến thức tôi học được qua chương trình này sẽ là những kiến thức vô cùng cần thiết mà tôi có thể áp dụng cho cuộc sống và công việc hiện tại của mình”. Cô Bùi Thị Diện viết trong thư gửi bà Bona Dea Mendoza, giám đốc điều hành Asean Bridge. Cô Diện cho hay năm nay cô 26 tuổi và hoạt động trong ngành truyền thông.
“Ông bà xưa đã nói 'Đi một ngày đàng, học một sàng khôn'. Đúng như thật vậy, trong 2 tuần đó, dù ngắn ngủi thôi, tôi đã thấy được những điều chưa được thấy, tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi mà trước đây chưa có lời giải, và quan trọng hơn, tôi được hòa chung nhịp đập cùng những người trẻ Việt Nam khao khát đem sức trẻ của mình đóng góp cho cộng đồng, xã hội...” Cô Trương Quỳnh Như, 23 tuổi, viết trong như gửi lại cho Asean Bridge.

Còn anh Phạm Trần Quân, 25 tuổi, viết cho tổ chức vừa nói những lời “cảm ơn sâu sắc” vì “đã tạo điều kiện” cho anh trải nghiệm “rất nhiều điều bổ ích, có tính thực hành cao cho nghề nghiệp và cuộc sống sau này”. Anh cho biết đây là lần đầu tiên anh được tiếp cận với khái niệm “Xã hội dân sự” mà ở Việt Nam không thể thấy.
Cảm thấy nguy hiểm đang chờ khi đặt chân trở lại quê nhà, cả ba thanh niên nam nữ nói trên đều nhắn lại với Asean Bridge rằng nếu chẳng may họ bị bắt giữ, như Phạm Trần Quân viết “quá 3 ngày không thấy tin tức, mong nhận được sự giúp đỡ từ Asean Bridge Philippine” để “đòi lại sự công bằng cho tôi và mọi người”.
Khi hay tin 2 đợt tham dự viên về Việt Nam thì bị bắt giữ cuối tuần trước, bà Mendoza đã công bố một bản thông cáo báo chí kêu gọi nhà cầm quyền CSVN “tôn trọng các quyền căn bản của người dân Việt Nam, đặc biệt là những tham dự viên của khóa học”.

Bà kêu gọi Hà Nội “Hãy để cho họ tự do đi lại và học hỏi về sự phát triển xã hội dân sự ở các quốc gia khác trong khu vực”.
Bà nhắc cho nhà cầm quyền CSVN biết là Việt Nam và Philipines đều là thành viên của tổ chức ASEAN, và tổ chức này có khẩu hiệu là “Một hướng nhìn, Một căn cước, Một cộng đồng”. Nếu như vậy, tất cả các nước ASEAN bao gồm cả Việt Nam “nên khuyến khích công dân của họ học hỏi về lịch sử và xã hội các nước khác, thay vì gây sợ hãi, nhờ vậy mà sứ mạng của ASEAN có thể sớm đạt được”.

Theo bà Mendoza cho biết, trong hai tuần ở thủ đô Manila, các tham dự viên khóa học đã được mời đi thăm viếng các tòa nhà quốc hội để biết về hệ thống chính trị nước này, đến thăm trụ sở của nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO).

Các tham dự viên đã được nghe viên chức của các tổ chức quốc tế có mặt ở Philippines thuyết trình như Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, Văn phòng Cao ủy Nhân Quyền LHQ nói về về các hoạt động của họ tại Việt Nam và các nước Á châu khác.

“Chúng tôi cảm thấy bất an khi các tham dự viên về Việt Nam thì bị bắt ngay mà không hề có lời giải thích nào hay thông báo gì”. Bà Mendoza viết.

Trong khi đó, ông Laurent Meillan - Đại diện của Văn phòng Cao ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc vùng Đông Nam Á cũng đã gửi thư đến Asean Bridge cảm ơn tổ chức này đã ông cơ hội gặp một nhóm người trẻ Việt Nam ông gọi là “thông minh và đáng mến” mà ông đã có cơ hội trao đổi về các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là một trong những nước ký cam kết tuân hành.

Khi nhóm đầu tiên về tới Tân Sơn Nhất sáng sớm Thứ Bảy 5 tháng 10, 2013 và bị bắt trong đó có blogger  Châu Văn Thi, Bùi Tuấn Lâm, Trần Hoài Bảo, các bloggers thân hữu đã lập tức biểu tình đòi trả tự do cho họ. (TN)