CẦNTHƠ (NV) Tuesday, October 08, 2013 - Khoảng 200 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại Việt Nam đã tham dự lễ tưởng niệm các đồng đạo bị Việt Minh sát hại tại Cần Thơ cách nay 68 năm.
Buổi tưởng niệm này được tổ chức vào hôm 7 tháng 10, tại nhà một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, với sự tham gia của đại diện Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy tại các tỉnh: An Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.
Cách nay 68 năm, vào ngày 7 tháng 10 năm 1945, chính quyền Việt Minh đã đem bốn vị: Huỳnh Thạnh Mậu, Trần Ngọc Hoành, Nguyễn Xuân Thiếp (thi sĩ Việt Châu) và Trần Nguyên Thiều ra xử tử tại sân vận động Cần Thơ.
Hình chụp một buổi sinh hoạt của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại Việt Nam. Sau 1975, Phật Giáo Hòa Hảo là một trong những tôn giáo bị đàn áp khốc liệt nhất. (Hình: Internet) |
Ông Nguyễn Văn Ðiền, hội phó Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy cho biết: Sau khi “Cách mạng tháng 8” thành công ở Nam Bộ, ông Trần Văn Giàu - một đảng viên CSVN đã tự xưng là chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ. Ðiều này khiến nhiều người bất bình, đòi phải cải tổ tổ chức này. Ðây là lý do khiến ông Giàu lập kế hoạch tiêu diệt những người trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, bao gồm cả Ðức Huỳnh Giáo Chủ và Phật Giáo Hòa Hảo.
Theo chỉ thị của ông Giàu, ngày 8 tháng 9 năm 1945, chính quyền Việt Minh tại thành phố Cần Thơ đã bắt các ông: Huỳnh Thạnh Mậu, Nguyễn Xuân Thiếp, Trần Nguyên Thiều, Trần Ngọc Hoành. Ngày 9 tháng 9 năm 1945, ông Giàu ra lệnh cho Quốc Gia Tự Vệ Cuộc (công an vũ trang) bao vậy trụ sở Phật Giáo Hòa Hảo ở Sài Gòn để bắt Ðức Huỳnh Giáo chủ nhưng không thành công.
Lý do được ông Giàu viện dẫn để lùng bắt Ðức Huỳnh Giáo chủ và các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là Phật Giáo Hòa Hảo đã tổ chức biểu tình, chiếm cứ Cần Thơ.
Theo ông Nguyễn Văn Ðiền, trước đó, Phật Giáo Hòa Hảo có thông báo cho Ủy Ban Hành Chánh tỉnh Cần Thơ rằng Phật Giáo Hòa Hảo sẽ tổ chức biểu tình vào ngày 8 tháng 9 năm 1945. Sáng hôm đó, khoảng 20 ngàn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã kéo về Cần Thơ để biểu tình ôn hòa như thông báo nhưng bị Quốc Gia Tự Vệ Cuộc của Cần Thơ xả súng bắn. Nhiều người bị thương và thiệt mạng.
Từ trước đến nay, Phật Giáo Hòa Hảo vẫn kiên trì khẳng định, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không có ý định cướp chính quyền, họ chỉ biểu tình để (1) Biểu dương ý chí của quần chúng với thực dân Pháp, (2) Nêu nguyện vọng võ trang của những người dân để chống thực dân Pháp, (3) Phản đối sự lũng đoạn của cộng sản trong chính quyền lâm thời, (4) Chống độc tài dưới mọi hình thức.
Ðó cũng là lý do những người biểu tình không vũ trang. Còn ông Trần Văn Giàu thì ngụy tạo và sử dụng yếu tố “cướp chính quyền” để biện minh cho việc đàn áp và tàn sát tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Ngoài bốn ông: Huỳnh Thạnh Mậu, Nguyễn Xuân Thiếp, Trần Nguyên Thiều, Trần Ngọc Hoành bị xử tử tại Cần Thơ, nhiều cán bộ cao cấp khác của Phật Giáo Hòa Hảo ở các tỉnh đã bị bắt và bị giết. Riêng tại tỉnh Trà Vinh các ông: Chung Bá Khánh, Ðỗ Hữu Thiều, Võ Văn Thời, Lâm Thành Nguyên đã bị dìm dưới sông cho chết ngộp. Nhờ may mắn đặc biệt, ông Lâm Thành Nguyên cởi được dây trói, trốn được. Cũng nhờ vậy, tội ác này mới được vạch trần.
Trong buổi tưởng niệm, hội phó Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, kể thêm, vào năm 1945, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại Long Xuyên, Châu Ðốc là những người bị cộng sản khủng bố tàn bạo nhất.
Sau sự kiện 7 tháng 10 năm 1945, hàng năm, hàng trăm ngàn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn tổ chức tưởng niệm các đồng đạo bị Việt Minh sát hại. Sau 1975, tuy chính quyền cộng sản tìm đủ cách ngăn cản nhưng những lễ tưởng niệm này vẫn được tổ chức, dù số người tham dự chỉ còn vài trăm. (G.Ð)