(NLĐ) Thứ Tư, 09/10/2013 23:06
Từ tháng 11-2012 đến tháng 3-2013, rất nhiều bệnh nhân được kê đơn với số lượng thuốc bất thường, như Dorocardyl chỉ định uống 0,5-1 viên/ngày nhưng kê tới 100-200 viên. Chỉ riêng 6/27 loại thuốc trong danh mục chưa bao giờ được sử dụng đã trị giá trên 5 tỉ đồng
Theo đơn tố cáo của bà Bế Thị Ái Việt - Trưởng Khoa Dược Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn, TP Hà Nội - cung cấp cho báo chí ngày 9-10 thì ông Đào Quang Minh, giám đốc BV, có nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu thuốc. Trong đó, đáng chú ý là việc bỏ kế hoạch mua thuốc được Khoa Dược trình phê duyệt vào ngày 10-11-2011; tự ý đưa vào danh mục thuốc đấu thầu theo tên biệt dược dẫn đến việc nhiều loại được mua với số lượng quá nhiều nhưng thuốc lại thiếu, thậm chí có hàng chục loại chưa bao giờ được sử dụng tại BV này.
Đơn thuốc kê bất thường
Trong danh mục đấu thầu thuốc năm 2012 của BV Thanh Nhàn, 27 mặt hàng chưa bao giờ được sử dụng, không có khoa lâm sàng nào đề nghị dùng và dự trù gửi Khoa Dược. Chỉ tính riêng 6/27 loại thuốc trong danh mục chưa bao giờ được sử dụng này đã trị giá hơn 5 tỉ đồng.
“Thậm chí, để giải quyết lượng thuốc tồn, cuối năm 2012, ông Minh đã có danh mục gửi cho khoa và viết tay “cho sử dụng những mặt hàng trong danh mục này” - bà Việt bức xúc.
Bệnh nhân khám và điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, TP Hà Nội - nơi bị tố có nhiều sai phạm trong việc sử dụng thuốc điều trị
Theo bà Việt, trong thời gian từ tháng 11-2012 đến tháng 3-2013, rất nhiều bệnh nhân được kê đơn với số lượng thuốc bất thường. Đơn cử, thuốc Dorocardyl (có tác dụng giảm nhịp tim cho bệnh nhân bị tim mạch mạn tính) chỉ định uống 0,5-1 viên/ngày nhưng được kê tới 100-200 viên. Như vậy, với số thuốc này, tùy liều dùng, có bệnh nhân dùng trong 3-6 tháng nhưng cũng có người uống ròng rã 1 năm!
“Trước đó, các đơn thuốc này chỉ kê 15-30 viên, dùng trong khoảng 1 tháng. Ngoài ra, thuốc Apidra 100 UI/ml thường sử dụng cho người bị tiểu đường cấp cứu, chỉ nên kê cho bệnh nhân nội trú để bác sĩ theo dõi được biến chứng nhưng được kê cho các bệnh nhân ngoại trú, với liều dùng 5 mũi/ngày, sử dụng trong 1 tháng” - bà Việt dẫn chứng.
Cũng theo bà Việt, tình trạng bất hợp lý không chỉ xảy ra trong việc “thuốc thiếu, thuốc thừa” mà ngay trong quá trình cung ứng, đấu thầu thuốc cũng có vấn đề. Một số mặt hàng thuốc mua theo tên biệt dược (chỉ định thầu) có giá chênh lệch cao hơn so với kết quả trúng thầu của nhiều BV khác.
Trách nhiệm thuộc các khoa?
Trước những phản ánh về tình trạng cung ứng và sử dụng thuốc tại BV Thanh Nhàn, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã điều tra và kết luận. Thông báo kết quả xác minh nội dung tố cáo về tình hình cung ứng và sử dụng thuốc tại BV Thanh Nhàn nêu rõ: Nội dung phản ánh có mặt hàng thuốc thiếu, mặt hàng thuốc thừa, lúc không đủ dùng, lúc dùng quá nhiều... là đúng.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra do ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ký cho rằng trách nhiệm thuốc thừa, thiếu là do các trưởng khoa lâm sàng không lập dự trù khi thuốc hết.
“Đặc biệt là các loại thuốc sử dụng trong cấp cứu, yêu cầu bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế phải mua bên ngoài hoặc khoa lâm sàng đã lập dự trù nhưng không có trách nhiệm đôn đốc, báo cáo hội đồng thuốc - điều trị cùng ban giám đốc. Khoa Dược đã không gọi thuốc kịp thời, không đảm bảo việc cung ứng thuốc” - kết luận thanh tra nêu.
Ông Đức cũng khẳng định nội dung phản ánh việc kê đơn thuốc không hợp lý, thiếu an toàn là đúng. Về việc này, trách nhiệm thuộc về các khoa lâm sàng vì đã để xảy ra tình trạng kê đơn không hợp lý, thiếu an toàn, không thực hiện đúng theo quy chế kê đơn.
Không thỏa đáng!
Trao đổi với báo chí, bà Bế Thị Ái Việt cho rằng kết luận của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội về các vi phạm nghiêm trọng và kéo dài trong công tác đấu thầu cung ứng thuốc tại BV Thanh Nhàn là chưa thỏa đáng. Đặc biệt là thuốc Rigofin 1 g, BV Thanh Nhàn mua với giá 82.000 đồng/lọ, cao hơn nhiều so với giá thuốc này trúng thầu tại tỉnh Bắc Giang (67.500 đồng/lọ), BV Bạch Mai (62.160 đồng/lọ).
“Vì việc này mà cùng số lượng thuốc mua năm 2012, số tiền chênh lệch của BV Thanh Nhàn so với kết quả trúng thầu của tỉnh Bắc Giang là trên 500 triệu đồng, BV Bạch Mai trên 700 triệu đồng” - bà Việt bức xúc.
|
Bài và ảnh: Khánh Anh