Nguyên đơn cho rằng sau nhiều lần thổi, máy đo vẫn không thể hiện nồng độ cồn nhưng vẫn bị xử phạt nên khởi kiện trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM
Trong 2 ngày 24 và 30-9, TAND TP HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện hành chính, nguyên đơn là ông Lư Quang Vinh (SN 1974, ngụ quận Bình Thạnh) kiện trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM vì đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ (XPVPHC) không đúng.
Tại phiên tòa, ông Vinh trình bày đêm 22-1, ông điều khiển xe máy lưu thông từ đường Thích Quảng Đức ra đường Phan Đăng Lưu. Đội CSGT Tân Sơn Nhất đã buộc ông đo nồng độ cồn trong hơi thở. Sau nhiều lần thổi, máy đo vẫn không thể hiện nồng độ cồn. Ông Vinh xin lấy xe và giấy phép lái xe để ra về nhưng CSGT không giải quyết, buộc ký vào biên bản xử lý vi phạm hành chính chưa ghi nồng độ cồn. Ông Vinh không đồng ý ký. CSGT không giao biên bản, lấy xe của ông chạy đi.
Sáng hôm sau, ông Vinh đến liên hệ với Đội CSGT Tân Sơn Nhất và biết mình có một biên bản đo vi phạm nồng độ cồn. Ông Vinh gửi đơn khiếu nại đến đội trưởng Đội CSGT Tân Sơn Nhất nhưng không được giải quyết.
Ngày 21-2, ông Vinh khởi kiện lên TAND quận Phú Nhuận về việc Đội CSGT Tân Sơn Nhất giữ xe trái pháp luật. Ngày 29-4, ông Vinh đến Đội CSGT Tân Sơn Nhất xin nhận quyết định XPVPHC và nộp phạt để lấy xe nhưng không được giải quyết. Đội yêu cầu ông phải rút đơn khởi kiện. Vì không có phương tiện đi lại, ông Vinh đã rút đơn kiện vào ngày 9-5 và nhận được xe cùng giấy phép lái xe vào hôm sau.
Sau đó, ông Vinh khởi kiện yêu cầu tòa hủy quyết định XPVPHC và bồi thường 750.000 đồng tiền xử phạt, 662.000 đồng phí giữ xe từ ngày 22-1 đến 10-5, 21,8 triệu đồng tiền xe ôm đi lại trong thời gian bị giữ xe và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Trong khi đó, đại diện của trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết khoảng 23 giờ ngày 22-1, tại giao lộ Phan Đăng Lưu - Thích Quảng Đức, CSGT phát hiện ông Vinh có dấu hiệu vi phạm giao thông nên ra lệnh dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn.
Kết quả kiểm tra là 0,336 mg/lít khí thở, vượt quá quy định nên CSGT đã lập biên bản xử lý vi phạm nhưng ông Vinh không ký mà tự ý bỏ đi. Do đó, CSGT đã mời 2 người chứng kiến sự việc ký tên vào biên bản xử phạt hành chính và biên bản tạm giữ xe.
HĐXX nhận định mẫu test (thử) ông Vinh cung cấp không có thông số cụ thể mà chỉ là phần đầu của toàn bộ mẫu hoàn chỉnh, không được xem là căn cứ xác định ông không có nồng độ cồn trong khí thở tại thời điểm kiểm tra.
Trong khi đó, mẫu test được lưu tại Đội CSGT Tân Sơn Nhất thể hiện đầy đủ các thông số như: Số máy, kết quả, tên người kiểm tra, biển số xe, thời gian, địa điểm kiểm tra… Mẫu test phù hợp không gian và thời gian diễn tiến sự việc nên đủ căn cứ để cán bộ CSGT xác định hành vi vi phạm của ông Vinh.
Bên cạnh đó, trong biên bản tự khai, 2 người chứng kiến sự việc đều cho rằng ông Vinh có thổi vào máy đo nhiều lần. Sau đó, CSGT đã lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu ký tên nhưng ông Vinh không đồng ý mà để lại xe rồi bỏ đi.
Xét tại thời điểm sau khi lập biên bản, ông Vinh tự ý bỏ đi nên cán bộ CSGT cho người chứng kiến sự việc ký tên vào biên bản là phù hợp quy định của pháp luật. Việc ông Vinh bỏ đi, không ký vào biên bản là lỗi của ông. Trường hợp không đồng ý với biên bản, ông có thể bảo lưu ý kiến hoặc ghi lời khai của mình theo quy định của pháp luật.
Theo HĐXX, trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM ban hành quyết định XPVPHC đối với ông Vinh là có cơ sở. Vì vậy, HĐXX tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Vinh.
Ông Vinh cho biết sẽ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Kha Miên