Trồng lúa không lãi bao nhiêu, đa phần chỉ hòa vốn hoặc lỗ nhưng phải è cổ đóng hàng loạt khoản thuế và phí, nông dân nhiều địa phương không chịu đựng nổi đã bỏ hoặc trả lại ruộng, tìm công việc khác làm ăn
Từ
tháng 8-2013, đoàn công tác gồm đại diện nhiều cục, viện của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành khảo sát tình trạng bỏ, trả
ruộng của nông dân nhiều địa phương để nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ
các chính sách và giải pháp khắc phục. Theo thống kê sơ bộ, ở nhiều
tỉnh, ruộng đất bị bỏ hoang lên đến hàng ngàn hecta.
Nông dân xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương làm đơn trả ruộng Ảnh: VĂN DUẨN
Ðóng đến 15 loại thuế, phí!
Từ
năm 1993, mỗi người dân xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương
được chia 2 sào ruộng (sào phía Bắc tương đương 360 m2). Dẫu biết trồng
lúa không thể khá nổi nhưng người dân vẫn kiên trì bám trụ. Tuy nhiên,
mới đây, nhiều hộ đành viết đơn trả lại ruộng do trồng lúa không có lãi,
đất phải bỏ hoang nhưng lại đóng quá nhiều khoản thuế, phí.
Ðưa
cho chúng tôi xem tập phiếu báo nộp tiền vụ chiêm mới đây, chị Nguyễn
Thị Toán - ngụ thôn Thọ Xuyên, xã Lam Sơn - cho biết gia đình chị phải
nộp đến 15 loại thuế, phí cho 4,2 sào ruộng đang canh tác. Trong đó,
nhiều nhất là phí dịch vụ của HTX nông nghiệp và các khoản thu của địa
phương: Chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng
ruộng, thủy nông, quỹ nội đồng, quỹ hội nông dân...
Nông dân xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam thẫn thờ bên đồng ruộng bỏ hoang Ảnh: Thúy Phương
Theo
nhiều người dân Lam Sơn, phần lớn các khoản đóng góp được tính toán dựa
trên diện tích ruộng đã giao dù đất để hoang hay không. "Mỗi sào lúa may
lắm lãi được 100.000 đồng nhưng tiền thuế, phí phải đóng đã gấp đôi.
Nông dân chúng tôi lấy gì để nuôi sống gia đình đây? Vì thế, bà con đành
trả ruộng" - chị Toán bức xúc.
Gia
đình bà Bùi Thị Dung ở thôn Thọ Xương, xã Lam Sơn ngay sau mỗi vụ phải
bán hết số lúa thu hoạch để trả nợ và đóng các khoản thuế, phí. "Không
đóng thì không được, họ cứ đến nhà giục liên tục. Ai chậm nộp thì loa
của HTX suốt ngày oang oang, xấu hổ lắm. Họ còn tới nhà dọa cắt điện,
nước" - bà Dung rầu rĩ. Làm đơn xin trả ruộng, bà cam kết: "Dù sau này
nhà nước có thay đổi chính sách, tôi sẽ không đòi hỏi gì ở diện tích
ruộng đã trả".
Theo
ông Hồ Sĩ Vinh, ngụ thôn Thọ Xuyên - người đã làm đơn xin trả 828 m2
đất, bỏ ruộng hoang thì xót, ông phải tìm người rồi nài nỉ họ canh tác.
"Ở nhiều nơi, chủ ruộng được trả một số tiền hoặc lúa nhất định nhưng ở
đây, để có người làm, chúng tôi còn cho thêm mỗi sào 15 kg lúa" - ông
ngán ngẩm. Ông Vinh cho biết chi phí sản xuất quá cao - mỗi sào hết 1,1
triệu đồng, trong khi nếu được mùa, năng suất đạt 2 tạ/sào thì lãi cũng
chỉ 100.000 đồng. "Thôi thì trả ruộng cho rảnh nợ" - ông nói.
Ông
Trương Mậu Nhân, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn, lo ngại: "Số hộ trả lại ruộng
chắc chắn sẽ còn tăng. Chúng tôi chỉ biết động viên bà con tiếp tục
canh tác trên diện tích của gia đình, đồng thời báo cáo lên trên".
Nhiều cánh đồng ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bỏ hoang, thành bãi chăn trâu, bò Ảnh: ÐỨC NGỌC
Càng làm càng túng bấn
Tại
huyện Nghi Xuân, một trong những vựa lúa lớn ở Hà Tĩnh, tình trạng nông
dân bỏ ruộng tập trung ở các xã: Xuân Giang, Tiên Ðiền, Xuân Mỹ, thị
trấn Xuân An... Chị Trần Thị Hường, ngụ thị trấn Xuân An, phân trần:
"Chi phí cao nhưng giá lúa lại thấp nên càng bám ruộng, nông dân càng
túng thiếu. Nhà tôi có 4 sào ruộng, mỗi năm chỉ làm vụ đông xuân. Trúng
mùa thì mỗi sào thu hoạch khoảng 2,5 tạ, bán được 1,5 triệu đồng. Trừ
hết chi phí, lãi không đáng là bao, đa phần hòa vốn hoặc lỗ. Lâu nay,
nông dân chỉ lấy công làm lời. Nhiều hộ đã bỏ ruộng đi làm thuê kiếm
sống".
Dọc
các tuyến đường liên xã ở huyện Nghi Xuân, hầu hết các cánh đồng đều bỏ
hoang. Ở nhiều xã, diện tích đất không sản xuất lên đến hàng trăm hecta.
Ông Lê Hồng Lựu, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, băn khoăn: "Xã có 414 ha
đất nông nghiệp nhưng vụ mùa và hè thu năm nay, bà con đã bỏ hoang đến
300 ha". Theo ông Lựu, cũng như nhiều nơi khác, ở Nghi Xuân và Hà Tĩnh
nói chung, người dân bỏ ruộng vì không sống nổi với cây lúa. "Càng làm
càng lỗ nên nhiều hộ đã cho người khác mượn đất hoặc bỏ hoang, đi tìm
việc khác" - ông lo ngại.
Trong
khi đó, ở Nghệ An, ruộng đất bị bỏ hoang tập trung tại các huyện: Nam
Ðàn, Hưng Nguyên, Ðô Lương, Nghi Lộc... Riêng Nam Ðàn, vụ hè thu năm nay
có đến 600 ha đất không sản xuất. Anh Trần Ðức Thắng - ngụ xã Nam
Trung, huyện Nam Ðàn - giải thích: "Nhà tui được chia 7 sào đất nhưng đã
làm đơn trả 4 sào, còn lại làm chủ yếu để có gạo ăn, không phải mua.
Chi phí sản xuất thì cao, trong khi giá lúa rẻ nên càng làm, nông dân
càng đói".
Ðến nay, xã Nam Trung đã có
đến 957 người làm đơn trả ruộng vì sản xuất không hiệu quả. Ông Lê Trọng
Lương, Chủ tịch UBND xã Nam Trung, xót xa: "Là xã thuần nông, chứng
kiến cảnh nông dân bỏ ruộng, chúng tôi dẫu buồn nhưng đành phải chấp
nhận".
Khó nhọc, bấp bênh
Từ
vùng ven TP Tam Kỳ lên huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, đâu đâu chúng
tôi cũng thấy rất nhiều ruộng lúa bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Tại cánh đồng
Ðá Bàn ở xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, đang đội nắng phơi mớ lúa ít
ỏi mới gặt xong, chị Trương Thị Thẩm than thở: "Suốt 3 tháng trời dốc
công chăm sóc 1,5 sào ruộng, tốn hơn 1 triệu đồng chi phí nhưng thu
hoạch chẳng được bao nhiêu. Làm lúa bây giờ khó nhọc và bấp bênh quá.
Gia đình tôi có gần 4 sào ruộng, năm nào cũng trồng 1,5 sào, còn lại bỏ
hoang. Mùa tới, chắc tui bỏ luôn rồi kiếm đường làm thuê, làm mướn".
Trên cánh
đồng Ðùi và đồng Ðình rộng 15 ha với nhiều mảnh ruộng bỏ hoang nằm cạnh
sông Bàn Thạch, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, bà Nguyễn Thị Cường đứng ngóng
trời, ngóng đất như tính toán gì đó. Khi chúng tôi hỏi chuyện, bà ngao
ngán: "Gia đình tui có 3 sào trồng lúa, 4 sào còn lại bỏ hoang. Trồng
lúa chỉ có lỗ. Nhiều nông dân ở đây thấy bỏ ruộng cũng phí nên đã chọn
cách bán cho người khác đào ao nuôi tôm. Có lẽ tui cũng làm theo họ
thôi".
|
NHÓM PHÓNG VIÊN