TP - Quá trình bào mòn Mũi Cà Mau được các nhà khoa học
cảnh báo từ chục năm nay mặc dù nguyên nhân của hiện tượng này được cho
là rất phức tạp. Phá rừng được cho là một trong những nguyên nhân quan
trọng gây sạt lở.
“Mũi Cà Mau đang bị biển gặm nhấm dữ dội khoảng dăm năm lại đây”, ông Lê Phát Quới (ĐHQG TPHCM) nói. |
Tỉnh cực nam Cà Mau nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu
Long được cho là diễn ra hiện tượng sạt lở không theo quy luật nào. “Sạt
lở diễn ra liên tục trong mùa lũ và cả mùa kiệt”, GS.TS Võ Tòng Xuân,
nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm, Trường ĐH Cần Thơ, cấu
tạo địa chất vỏ lòng sông Cửu Long mềm yếu dễ gây sạt lở dưới sự tác
động của ngoại lực là một trong những nguyên nhân quan trọng. Bên cạnh
đó, chế độ bán nhật triều Biển Đông và Biển Tây xâm nhập vào với biên độ
mạnh, khí hậu giữa mùa khô và mùa mưa tương phản sâu sắc tạo ra các
tương tác phức tạp.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khách quan khác như
đất Mũi Cà Mau, mà cụ thể là huyện Ngọc Hiển là nơi có lượng mưa cao
nhất tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng đồng bắc Cửu Long nói chung. Lượng
mưa trung bình 2.300mm/năm, cộng với chế độ khí hậu gió mùa cận xích
đạo, có thể khiến cho tốc độ bào mòn và xói lở vùng đất yếu ven biển gia
tăng.
Hơn thế, chế độ thủy văn ven biển ở huyện Ngọc Hiển một
mặt chịu tác động của chế độ thủy triều của Biển Đông, chủ yếu theo chế
độ bán nhật triều không đều, Mặt khác vùng đất này còn chịu tác động
của chế độ nhật triều ở Biển Tây hay vùng Vịnh Thái lan. Tương tác của
hai chế độ triều này với nhau, và với hệ thống cửa sông rạch chằng chịt
thế nào, đến nay vẫn còn là bí ẩn, chưa có bất cứ nghiên cứu toàn diện
và hệ thống.
Phá rừng ngập mặn
Bán đảo Cà Mau vốn là vùng đất thấp, thường xuyên ngập
nước. Nhóm đất mặn rộng trên 150.000 ha chủ yếu ở ven Biển Đông vốn là
các bãi bồi, chịu ảnh hưởng bồi đắp phù sa rất nhiều từ hệ thống sông
Mekong. Mùa mưa, lưu lượng chảy của sông và sự vận chuyển trầm tích từ
nội địa diễn ra mạnh nhất trong năm.
Hệ thống sông rạch chằng chịt, trong đó có nhiều sông
rộng như sông Cửa Lớn rộng tới 400-1.000 m, một mặt băm nát huyện Ngọc
Hiển với địa hình bằng phẳng. Tuy nhiên, mặt khác, hệ thống ấy lại là
nguồn vận chuyển phù sa bồi đắp cho vùng cửa biển của đất mũi. Do phù sa
đổ dồn ra biển là chính nên mới có chuyện địa hình vùng đất Ngọc Hiển
trong nội địa chỉ cao trung bình 0,5-0,7 m và hầu như thường xuyên ngập,
trong khi vùng ven Biển Đông nền đất lại cao hơn, có chỗ cao tới
1,2-1,5 m.
Theo ông Lê Phát Quới, Trưởng phòng Tài nguyên - Tự
nhiên, Viện Môi trường & Tài nguyên, Đại học Quốc gia tại TP Hồ Chí
Minh, hiện tượng xói lở đất mạnh vùng đất mũi những năm gần đây có nhiều
nguyên nhân phức tạp, đan xen nhau. Một trong những nguyên nhân tại chỗ
bị phê phán nhiều nhất là phá rừng ngập mặn, khai thác đất bồi.
Nói riêng rừng ngập mặn ở Cà Mau, nơi đây được xem có
đa dạng sinh học khá cao so với các rừng ngập mặn khác trong cả nước,
với 27 loài cây ngập mặn, trong đó chiếm ưu thế là cây mắm trằng và
đước. Hai loài cây này đóng vai trò to lớn trong quá trình bồi tụ tự
nhiên ra phía biển. “Mắm đi trước, đước theo sau” là câu cửa miệng bất
cứ người đất mũi nào cũng hiểu cho quá trình bồi lắng phù sa. Mắm thường
tiên phong lấn ra biển. Rễ mắm bám chặt vào đất, giúp phù sa lắng đọng,
bồi lắng. Sau đó, đến lượt đước phát triển, củng cố vùng đất mới bồi.
Không chỉ thế, rừng ngập mặn ở Cà Mau còn có tác dụng
bảo vệ, hạn chế xói lở bờ, làm giảm tốc độ gió, sóng, và dòng triều ở
vùng có đê ven biển và trong cửa sông. Trước đây, khi rừng ngập mặn chưa
bị tàn phá nhiều, quá trình xâm nhập mặn diễn ra chậm hơn, trên phạm vi
hẹp hơn.
Nay với việc hầu hết rừng ngập mặn chuyển sang đầm tôm
quảng canh, vai trò của rừng ngập mặn trong việc điều tiết sự phân bổ
nước triều ở vùng cửa sông và ven biển bị hạn chế dần. Do đó, nước mặn
theo dòng triều cường được thể chẳng những lấn sâu vào đất liền mà còn
bào mòn đất ven biển nhờ sự giúp sức của gió mùa.
Quốc Dũng