Theo tiêu chí của Dự luật Phá sản được đại diện TAND tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản.
Tiêu chí về hạn mức để xác định việc phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã trong dự luật phá sản sửa đổi đã nhận được nhiều ý kiến phản biện trong cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 3/9.
Đặt câu hỏi về việc đưa ra tiêu chí này, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị so sánh với quy định của các nước. Ngoài ra, việc chỉ tuyên bố phá sản được 83 doanh nghiệp trong 9 năm qua chứng tỏ Luật phá sản đang ách tắc. Bà yêu cầu làm rõ mấu chốt của việc sửa đổi luật.
Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn tại buổi họp Thường vụ Quốc hội sáng 13/9. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn, đưa ra tiêu chí về hạn mức để xác định việc phá sản phải ở mức độ nhất định. Còn thời gian tạo điều kiện cho các bên xử lý với nhau, không giải quyết được thì tòa án xem xét. “Luật cũ không áp dụng thời hạn, cứ nộp đơn là xem xét phá sản. Có thời hạn để các bên thương lượng giảm bớt tranh chấp”, ông Sơn nói.
Giải thích của ông Sơn không khiến Chủ nhiệm Trương Thị Mai hài lòng. Theo bà, lập luận không làm rõ được tiêu chí để doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Bà đề nghị trước khi trình ra Quốc hội phải làm rõ hơn vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, dự thảo đưa ra được tiêu chí cụ thể song “tính khả thi lại dở hơn” luật hiện hành. Bởi các loại hình doanh nghiệp và hợp tác xã khác nhau, quy mô không giống nhau, có doanh nghiệp vốn hàng nghìn tỷ, có doanh nhiệp chỉ vài chục tỷ, quy định 200 triệu khoản nợ lâm vào phá sản là không hợp lý.
“Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vinashin nợ có 200 triệu, 3 tháng không trả mà lâm vào phá sản thì tôi hiểu quy định này là thiển cận, buồn cười”, ông Hiện nói. Ông đề nghị, tiêu chí phải căn cứ vào vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, thời hạn 3 tháng là quá ngắn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, quy định này "quá đơn giản, không thực tế”. Trong thời gian qua có những doanh nghiệp, số nợ gấp 10 lần vốn chủ sở hữu vẫn chưa phá sản vì còn tiền ngân hàng bơm vào, vẫn cân đối được. “Để tới mức độ phá sản phải tính trên một tỷ lệ nhất định trên vốn tự có của doanh nghiệp chứ nếu theo tiêu chí này thì 99% doanh nghiệp VN nằm trong diện phá sản”, Chủ nhiệm Hiển ví von.
Cũng theo ông Hiển, dự thảo luật còn phải gia cố, sửa lại nhiều vấn đề. Trong đó, không nên quy định riêng cho doanh nghiệp nhà nước mà phải bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó cần quy định chặt chẽ việc kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp làm thủ tục phá sản, bởi nếu không sẽ dễ dẫn tới phát tán tài sản; hay vấn đề định giá, thứ tự phân chia tài sản…
Theo cơ quan soạn thảo, Luật Phá sản (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ là Luật Phá sản mới thay thế Luật hiện hành với mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ kinh tế trước những rủi ro trong kinh doanh và thông qua đó góp phần ổn định trật tự đời sống xã hội.
Tờ trình của TAND tối cao dẫn trang thông tin hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, theo đó, năm 2012 đăng ký 69.874 doanh nghiệp, trong đó dừng hoạt động và giải thể là 54.261 (có 44.906 doanh nghiệp dừng và 9.355 giải thể). Trong khi đó 9 năm thi hành Luật phá sản 2004, tòa án thụ lý tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp (trong đó toà quyết định tuyên bố phá sản 83 trường hợp, còn 153 vụ việc chưa ra quyết định tuyên bố phá sản).
Cơ quan soạn thảo dự luật nhận định, số lượng đơn yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản so với số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động là rất thấp; có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó có nguyên nhân quy định pháp luật phá sản chưa phù hợp với tình hình kinh tế và xã hội, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức yêu cầu tuyên bố phá sản.
Về thời hạn ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, thực tiễn thi hành Luật phá sản 2004, nhiều toà án cho rằng, thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, toà án phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là quá ngắn, thông thường các thẩm phán vi phạm thời hạn này. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi thời hạn này thành 45 ngày.
|
Nguyễn Hưng