(Dân trí) - Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quý III sẽ tăng 5,46%, cao hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm sẽ chỉ vào khoảng 5,3 - 5,4%, thấp hơn kế hoạch đặt ra.
(Ảnh minh họa: VIR)
Lãi suất cho vay đã giảm 3-4%
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8, so với thời điểm đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 2-3,5% và lãi suất cho vay giảm 3-4%.
Trong 8 tháng đầu năm, lãi suất đã được điều hành theo diễn biến kinh tế vĩ mô và biến độ của lạm phát.
Tính đến 20/8/2013, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 9,48% so với tháng 12/2012, dư nợ tín dụng của nền kinh tế ước tăng 5,41%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng tín dụng còn ở mức thấp do tổng cầu của nền kinh tế yếu, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn.
10.700 doanh nghiệp hồi sinh
Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong 8 tháng, mặc dù đã có nhiều cải thiện song nhìn chung tình hình doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Điểm lạc quan là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng dần theo từng tháng: 5 tháng tăng 4,8%; 6 tháng tăng 7,6%; 7 tháng tăng 8,4% và 8 tháng ước tăng 9,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, tuy vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng có xu hướng giảm dần.
Nếu trong 4 tháng, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 16,9% so với cùng kỳ thì 5 tháng tỷ lệ này là 13%; 6 tháng là 12,3%; 7 tháng là 11,1% và 8 tháng là 11,3%. Tuy vậy, tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn cao hơn số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động tăng lên, 8 tháng đầu năm có khoảng 10.700 doanh nghiệp. Như vậy, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã dần phát huy tác dụng.
Chi gần 69.000 tỷ đồng trả nợ, viện trợ
Bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu ngân sách của Chính phủ. Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế đến 15/8/2013 ước đạt 460.960 tỷ đồng, mới đạt 56,5% dự toán năm, thấp hơn so với yêu cầu tiến độ thu là 62,5%.
Tổng chi NSNN lũy kế đến 15/8/2013 ước đạt 563.000 tỷ đồng, đạt 57,6% dự toán năm (cùng kỳ 2012, tỷ lệ này là 59,1%). Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 98.200 tỷ đồng, bằng 56,1% dự toán năm.
Trong số các khoản chi, chi trả nợ và viện trợ ước đạt 68.980 tỷ đồng, bằng 65,7% dự toán, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2012, dảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đúng hạn.
Như vậy, trong 8 tháng, NSNN bội chi trên 102.000 tỷ đồng. Theo báo cáo, bội chi NSNN đã được bù đắp bằng các nguồn vay trong và ngoài nước. Tính đến hết tháng 8/2013, đã tổ chức huy động được 134.820 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 69,1% nhiêm vụ huy động trong nước.
Bên cạnh đó, trong tháng qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi đối với gần 444.818 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, phát hiện trên 44.680 khoản chi của 20.200 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, tạm dừng chưa thanh toán với số tiền trên 800 tỷ đồng.
Cả năm, theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng thu NSNN sẽ đạt khoảng 788.500 tỷ đồng, hụt thu 27.500 tỷ đồng, đạt 96,6% dự toán năm. Tổng chi 950.000 tỷ đồng, qua đó, mức bội chi dự kiến được giữ ở mức 4,8% GDP như chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra.
Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều đã có những chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (CDP) quý I/2013 tăng 4,76%; quý II tăng 5% và quý III dự kiến tăng 5,46% (cao hơn cùng kỳ năm trước là 5,39%).
Ước tính, 9 tháng đầu năm 2013, GDP tăng khoảng 5,1%, bằng tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. Cả năm, tổng sản phẩm trong nước tăng 5,3-5,4% so với năm 2012, thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,5% nhưng cao hơn tốc độ tăng của năm 2012.
Bích Diệp