(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online qua điện thoại vào chiều 4.8 về công tác cứu hộ trong vụ chìm ca nô kinh hoàng trên biển Cần Giờ, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các bên tham gia cứu nạn nhưng cũng nói “phải rút kinh nghiệm là huy động tại chỗ chậm”.
Theo ông Nhật, tính từ thời điểm nhận được thông báo đến khi các đơn vị cứu hộ ra đến khu vực tai nạn là 1 giờ đồng hồ. Ông Nhật đánh giá đây là nỗ lực rất lớn và có sự phối hợp kịp thời của các bên như hàng hải, Ủy ban cứu hộ cứu nạn, biên phòng…“Tất nhiên việc cứu hộ cũng có điểm chưa hoàn hảo. Nếu huy động các thuyền ghe của dân tham gia cứu nạn thì hiệu quả cao hơn. Chúng ta phải rút kinh nghiệm là huy động tại chỗ chậm, vì người dân tiến sát bờ, quen địa hình, chỗ chìm ca nô cũng rất cạn, nên tàu cứu hộ khó vào trong khi ghe thuyền người dân dễ tiếp cận hơn”, ông Nhật nói.
Ông Nhật cũng lý giải, vụ tai nạn diễn ra vào thời điểm bão số 5 tiến vào, thời tiết không thuận lợi lại là ban đêm nên việc tìm kiếm gặp khó khăn. Ngoài ra, công tác báo tin của đơn vị có công nhân gặp tai nạn lại không chính xác (chỉ báo có tàu không cập bờ đúng giờ) nên việc khoanh vùng nơi diễn ra tai nạn cũng gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến nguồn gốc của chiếc ca nô bị chìm, ngày 4.8, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết ngày 9.7, hai ca nô H29 - BP và H790 - BP được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo Biên phòng cửa khẩu cảng - Bộ đội Biên phòng tỉnh đưa sang Công ty CP công nghệ Việt - Séc để bảo dưỡng định kỳ (có ký kết thỏa thuận giữa hai bên). Ngày 2.8, hai ca nô trên đã được bảo hành xong chờ xuất xưởng.
Báo cáo cho biết khoảng 15 giờ ngày 2.8, ông Quyết (chưa rõ họ), Giám đốc Công ty Vũng Tàu Marine có trụ sở tại khu công nghiệp Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu sang mượn trực tiếp ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty CP công nghệ Việt - Séc 3 ca nô (trong đó có hai ca nô H29 - BP và H790 - BP) để đi đón công nhân tại khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp (xã Phước Kiểng, H.Gò Công Đông, Tiền Giang) và ông Đảo đồng ý.
Khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, 3 ca nô xuất phát tại xưởng đóng tàu của Công ty CP công nghệ Việt - Séc và chạy sang Tiền Giang. Trên đường về, ca nô H29 - BP do Phạm Duy Phúc làm thuyền trưởng và Nguyễn Văn Dương làm thợ máy đã gặp nạn.
Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại với Thanh Niên Online, ông Vũ Văn Đảo cho biết: “Đó chỉ là xác minh, báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chứ họ không có trao đổi với tôi. Chúng tôi không có chức năng cho thuê, mượn tàu. Việc các ca nô xuất xưởng để đi Tiền Giang là do các cá nhân trong công ty tôi cho mượn. Tôi đã yêu cầu các nhân viên này tường trình vụ việc”.
Chiều 4.8, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết hiện có hơn 50 phương tiện đang nỗ lực tìm kiếm 4 người còn mất tích, trong đó cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã huy động hơn 20 tàu cá của ngư dân tham gia tìm kiếm.
Đau đớn khi nhìn thấy thi thể người thân - Ảnh: Nguyễn Long (chụp sáng 4.8)
Ca nô biển kiểm soát H29 - BP hiện đã được kéo vào bờ - Ảnh Nguyễn Long |
Nguyễn Long - Mai Hà