(Soha.vn) - Việt Nam sắp nhận tàu ngầm Kilo 636 nhưng Trung Quốc cũng vừa ra mắt máy bay chống ngầm GX-6. Liệu loại máy bay này có thực sự là khắc tinh của tàu ngầm Kilo Việt Nam?
Niềm tự hào của Trung Quốc
Đầu năm 2013, Trung Quốc công bố đã thực hiện thành công chuyến bay thử
nghiệm của mẫu thử máy bay chống ngầm Gaoxin-6 (GX-6). Loại máy bay
chống ngầm này được định danh là Y-8FQ vì nó dùng khung thân cơ sở máy
bay vận tải Y-8. Tuy nhiên, cũng có thông tin nó được dựa trên loại máy
bay vận tải mới nhất Y-9.
Những hình ảnh đầu tiên về loại máy bay chống ngầm GX-6 của Trung Quốc xuất hiện lần đầu trong tháng 11/2011.
Máy bay săn ngầm GX-6 của Trung Quốc
GX-6 có một radar lớn sục sạo ở góc cầu 360 độ, từ đó có thể tìm kiếm
các bộ phận của tàu ngầm như kính tiềm vọng, phao sóng âm. Trung Quốc tự
nhận thông số kỹ thuật tầm xa và góc quét của radar trên GX-6 hơn hẳn
so với của P-3C Orion của Mỹ.
Ở đuôi của máy bay được trang bị một thiết bị phát hiện từ trường khá
dài để tránh nhiễu từ máy bay. Trung Quốc đánh giá tính năng của thiết
bị này không hề thua kém thiết bị tương tự ASQ-81 của P-3C Orion.
GX-6 có thể mang theo 100 phao định vị thủy âm (P-3C chỉ mang 48 phao
định vị), từ đó bố trí một mạng lưới thiết bị phát hiện tàu ngầm dày đặc
và rộng lớn, nâng cao khả năng phát hiện cũng như gia tăng độ chính xác
khi thực hiện các nhiệm vụ tác chiến chống ngầm.
Với thông số này, truyền thông Trung Quốc tự hào GX-6 có ưu thế vượt
trội về điện tử, khả năng thám trắc cũng như công nghệ so với P-3C.
Về vũ khí, GX-6 trang bị các hệ thống phòng vệ và tên lửa không - đối - không do Trung Quốc chế tạo.
Phi hành đoàn của GX-6 là 10 người, gồm phi công, sĩ quan phụ trách hệ
thống định vị thủy âm, phụ trách vũ khí, các chuyên gia phân tích… từ đó
tạo ra một hệ thống chống ngầm hoàn chỉnh, từ tìm kiếm, phát hiện, theo
dõi và tiêu diệt mục tiêu.
Bắc Kinh tin rằng GX-6 có thể đảm bảo cho họ có ưu thế trong vòng 20 năm
tới trong cuộc đối đầu với các quốc gia láng giềng. Việc chế tạo thành
công GX-6 giúp Trung Quốc trở thành nước thứ 6 có khả năng chế tạo máy
bay chống ngầm cỡ lớn trên thế giới sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Nhật Bản.
Trung Quốc trở thành nước thứ 6 có khả năng chế tạo máy bay chống ngầm cỡ lớn sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Nhật Bản
Vừa ra đời đã lạc hậu?
Hiện nay, Mỹ có 2 loại là P-3C Orion và P-8A Poseidon, còn Nhật có P-3C
và P-1 và đặc biệt là thủy phi cơ chống ngầm US-2 mà họ mới đưa vào biên
chế đầu năm nay. Nga có IL-38 và Tu-142M3, Pháp có “Atlantic” và Anh có
Nimrod MR2 là các loại máy bay chống ngầm cánh cố định.
Máy bay săn ngầm P-3C của Mỹ
Báo chí Trung Quốc ca ngợi, ngoài tầm bay và thời gian lưu không, GX-6
vượt trội P-3C ở tất cả các tham số khác. GX-6 có trọng lượng cất cánh
và vận tốc tối đa tương đương P-3C, sử dụng động cơ phản lực cánh quạt 6
lá, công suất 5200 Hp; có thể cất, hạ cánh ngay tại các đường băng dã
chiến. Tuy nhiên, nó chỉ có tầm hoạt động 5000km, trong khi P-3C là hơn
8.000km.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, sự chênh lệch rõ nét giữa GX-6 và
P-3C là máy bay Trung Quốc hơn hẳn về kho dữ liệu sóng sonar mẫu và các
thuật toán xử lý môi trường hải dương. Về mặt số học, GX-6 có khả năng
rải và thu tín hiệu của 100 phao sonar, còn P-3C chỉ có 48 phao.
Tuy vậy, việc so sánh với loại máy bay Mỹ phát triển cuối thập niên 60
của thế kỷ 20 chỉ thể hiện sự có hạn về mặt công nghệ. P-3C Orion bắt
đầu được đưa vào biên chế của hải quân Mỹ năm 1969, là máy bay là máy
bay trinh sát chống ngầm chiếm vị trí hàng đầu thế giới suốt 40 năm qua.
Thời kỳ đỉnh cao của nó, hải quân Mỹ đã trang bị tới 300 chiếc.
P-3C của Mỹ ra đời trước thời kỳ số hóa, trong khi máy bay Trung Quốc
được hưởng những thành quả công nghệ tiên tiến nhất của thế kỷ 21. Vì
vậy, nếu GX-6 vượt trội P-8A và P-1 thì mới đáng lưu tâm chứ so với với
P-3C thì không có gì phải chú ý.
Trên thực tế, người ta mới chỉ thấy GX-6 hơn P-3C ở điểm nhiều phao
sonar hơn, về chất lượng thì chưa được chứng minh bằng thực tế.
Ngược lại, P-3C đã chứng minh khả năng siêu hạng của nó nhiều lần trong
thực tế. Trong 2 tháng qua, sự kiện Nhật 3 lần liên tiếp phát hiện ra
tàu ngầm “lạ” mà họ cho là tàu ngầm Trung Quốc đã thể hiện khả năng của
P-3C Orion không hề giảm theo thời gian.
Hiện nay, một thế hệ máy bay trinh sát chống ngầm tiên tiến đã xuất
hiện. P-8A Poseidon của Mỹ, P-1 của Nhật đã được đưa vào sử dụng, trong
khi Nga cũng bắt đầu thiết kế một loại máy bay tuần tiễu săn ngầm mới
thay cho Tu-142-M3 khi vẫn còn có IL-38. Người Mỹ dự định trang bị tới
117 chiếc P-8A, trong khi Nhật cũng chế tạo 70 chiếc P-1 để thay thế 80
chiếc P-3C. GX-6 của Trung Quốc không thể so với những loại này được.
Máy bay săn ngầm thế hệ mới P-1 của Nhật Bản
Trung Quốc tự hào GX-6 là sản phẩm tự nghiên cứu nhưng các chuyên gia
quốc tế khẳng định đây lại là một sản phẩm copy. Ngày 1/4/2001, một máy
bay giám sát EP-3C của Hải quân Mỹ đã buộc phải hạ cánh xuống một sân
bay trên đảo Hải Nam trước sự ngăn chặn của các máy bay chiến đấu J-8II
Trung Quốc. Sau đó chiếc máy bay này bị thu giữ và Trung Quốc đã huy
động các chuyên gia mổ xẻ loại máy bay tuần tra này của Mỹ.
Trong suốt thời gian sau này, các nhà khoa học Trung Quốc đã bỏ rất
nhiều công sức để nghiên cứu và sao chép, đặc biệt là các thiết bị trinh
sát điện tử.
Máy bay giám sát EP-3C của Hải quân Mỹ
Hơn 10 năm sau, vào tháng 11/2011, GX-6 của Trung Quốc mới xuất hiện lần
đầu tiên, một năm sau nữa mới bay thử nghiệm. Vì sao chép nên chắc chắn
chất lượng của nó không được như nguyên bản.
GX-6 liệu có xứng đáng là khắc tinh của Kilo Việt Nam?
Trước hết phải xét xem, GX-6 dùng những thiết bị trinh sát nào, từ đó
mới có thể tìm ra chiến thuật giúp tàu ngầm Kilo Việt Nam trở nên tàng
hình trước GX-6.
Thứ nhất là radar gắn ở phần mũi của GX-6. Radar này có thể sục sạo ở
góc cầu 360 độ để tìm kiếm các bộ phận của tàu ngầm như kính tiềm vọng,
phao sóng âm. Chưa có thông số cụ thể của radar này nhưng có thể lấy của
P-3C để tham khảo: radar P-3C có thể phát hiện kính tiềm vọng của tàu
ngầm ở cự ly khoảng 30km, phát hiện xuồng cứu sinh ở cự ly 60km.
Do các tàu ngầm Việt Nam chỉ để tuần tra bảo vệ vùng biển chủ quyền nên
hải trình không quá dài. Với khoảng cách này, tàu ngầm Việt Nam có thể
không cần phải nổi lên nhiều, do đó, việc sử dụng radar để săn tàu ngầm
chỉ là phương pháp thứ yếu.
Thứ hai là thiết bị dò từ tính được gắn sau đuôi. Theo nguyên tắc, tàu
ngầm khi di chuyển sẽ tạo ra một vùng từ tính bất thường so với từ tính
của Trái Đất. Dựa trên hiện tượng này mà máy bay săn ngầm có thể phát
hiện ra tàu ngầm. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này, máy bay cần
phải bay ở độ cao thấp, ở P-3C là 1,5 km. Độ cao này nằm trong tầm hỏa
lực phòng không của Kilo.
Thứ ba là hệ thống phao định vị thủy âm. GX-6 được công bố mang theo 100
phao thủy âm. Đây chính là thiết bị trinh sát chủ lực của các máy bay
săn ngầm. Các phao thủy âm này hoạt động dựa trên nguyên tắc thu nhận
tín hiệu âm thanh từ tàu ngầm phát ra (nguyên lý thụ động), hoặc tín
hiệu phản hồi từ tàu ngầm (nguyên lý chủ động).
Định vị thủy âm chủ động có thể xác định chính xác vị trí tàu ngầm, cả
về phương vị và cự li. Tuy nhiên, định vị thủy âm chủ động cũng đồng
thời làm lộ vị trí nguồn phát âm, khiến cho tàu ngầm có thể kịp lẩn
tránh và thông báo cho hạm tàu nổi và máy bay chiến đấu phản kích đánh
vào phương tiện mang thả phao thủy âm. Do đó, định vị thủy âm chủ động
thường chỉ được sử dụng trên các phương tiện có độ ồn cao, như máy bay
hay tàu chiến và chỉ sử dụng trong thời gian rất ngắn, để tránh bị phát
hiện.
Định vị thủy âm theo nguyên lý thụ động không thể định vị chính xác như
định vị thủy âm chủ động, đồng thời không xác định được cự li, tuy
nhiên, phương tiện mang không bị lộ vị trí. Do vậy, định vị thụ động chỉ
dùng để xác định thôi chứ chưa thể dùng để tấn công mục tiêu.
Máy bay P-3C đang thả phao định vị thủy âm
Kilo được mệnh danh là Lỗ đen vì hoạt động cực êm mà đến Mỹ cũng khó
phát hiện. Cứ coi như GX-6 có trình độ cực hiện đại có thể phát hiện ra
thì chưa hẳn GX-6 Trung Quốc thực sự là khắc tinh của Kilo Việt Nam, bởi
nhiệm vụ săn ngầm thực ra tương tự như khi rọi đèn pin tìm kim trong
bãi cỏ. Thiết bị trinh sát đều có giới hạn phát hiện không quá lớn. Hiện
tại, kỹ thuật định vị thủy âm có thể nhận biết tàu ngầm trong phạm vi
trung bình khoảng 10 - 20 km và ngư lôi trong phạm vi khoảng vài km.
Tất nhiên đấy là giả thiết khi GX-6 được tự do tung hoành. Trên thực tế
chiến đấu, để phát huy hiệu quả và tránh bị phát hiện, tiêu diệt, Việt
Nam phải thực hiện tốt các yêu cầu sau:
- Làm tốt công tác giữ bí mật về phương án tác chiến, đường cơ động, vị trí ẩn nấp của tàu ngầm kết hợp đồng thời với nghi binh. Nếu không được dự báo về vùng biển và thời gian tàu ngầm Kilo đi qua, biển Đông là quá bao la với khả năng của GX-6. Đặc biệt với phương châm chỉ phòng thủ nên hải trình của Kilo Việt Nam không quá dài, từ căn cứ có thể vòng theo nhiều đường khác nhau để đến chiến trường.
- Huấn luyện kíp thủy thủ tàu ngầm có thể nắm vững vùng biển Đông, thành thạo trong cơ động xử lý tính huống khi phát hiện thấy máy bay săn ngầm đối phương.
- Hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng tàu mặt nước và không quân, đặc biệt là Không quân. Khi mà phòng không trên chiến hạm Việt Nam chưa bao quát được biển Đông thì Không quân chính là lá chắn trên biển. Với đặc điểm máy bay săn ngầm tốc độ không cao, độ cơ động kém, thời gian săn ngầm cũng khá dài vì cần sục sạo trên vùng biển rộng nên các tiêm cường kích Su-30, Su-27, Su-22 phải làm tốt nhiệm vụ ngăn chặn, tiêu diệt máy bay săn ngầm đối phương.
Lực lượng Không quân hải quân chính là lá chắn của tàu ngầm Kilo Việt Nam trên biển Đông
Nếu thực hiện tốt những nhiệm vụ trên thì GX-6 thực sự chưa thể uy hiếp được Kilo Việt Nam. Vũ khí nào cũng vậy, quan trọng nhất là cách dùng mà quân đội Việt Nam lại được đánh giá là sáng tạo và linh hoạt trong vấn đề này.