Đi làm kiếm tiền để sắm vàng, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, bạn bè chỉ qua đường chém gió, không bà con, bạn bè, họ hàng thì chỉ gọi là "tồn tại chứ không phải sống".
Lương tháng dưới 10 triệu, tiết kiệm tối đa mỗi khoản chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày để dành tiền sắm vàng thì chỉ “tồn tại chứ không phải sống”. Đó là nhận định của nhiều bạn đọc sau bài viết Lương dưới 10 triệu đồng vẫn dư tiền mua vàng tích lũy.
Trong bài viết này, tác giả phản ánh câu chuyện của những người làm công ăn lương, điển hình là chị Hiền, một nhân viên văn phòng lương 7,5 triệu nhưng mỗi tháng vẫn để dành được 4 triệu mua vàng.
Bạn đọc Le Cong Dong nhận định: “Nghe chị Hiền tả cuộc sống của chị tôi thấy giống lao động khổ sai quá. Đành rằng mỗi người mỗi cảnh, không biết nhà chị thế nào chứ chi tiêu như chị tôi thấy giống đang đày ải mình, sung sướng chỗ nào? Tiết kiệm là tốt đấy, nhưng nếu không biết xài tiền cũng khổ lắm đấy chị ạ. Chị nên tập xài tiền vào những mục đích không quá nghiêm túc và chính đáng nhé”. “Cái này gọi là ăn để mà sống, tồn tại để sinh tồn. Cuộc sống thật nhạt nhẽo, không có gì thú vị” - Bạn đọc Tano phát biểu.
Độc giả có nickname Anny Wong so sánh: “Tiền lương chỉ dùng để mua vàng và ăn để sống. Không giao thiệp, không mua sắm, không giải trí... thì đánh mất cả nửa cuộc đời và niềm vui. Cuộc sống thì phải biết cách tiết kiệm đúng mức cho phép nhưng cũng không để bản thân lạc hậu”.
“Tích góp cả đời rồi đến lúc lớn tuổi cầm một cục tiền không biết làm gì, trong khi khoảng thời gian đẹp nhất để hưởng thụ cuộc sống thì đã dùng để tích góp rồi” - bạn đọc Tran Vu phân tích.
Bạn đọc Vy Lam cho rằng đây là cách sống thực dụng: “Ôi, sống thế mà cũng gọi là sống. Đi làm kiếm tiền để sắm vàng, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, bạn bè chỉ qua đường chém gió, không bà con, bạn bè, họ hàng... quá thực dụng”.
Một số ý kiến còn cho rằng cách sống như thế này là một trong những lý do góp phần gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Bạn đọc Le Huu Phuc nhận đình: “Ai cũng sống như mấy nhân vật trong bài này thì cuộc sống trở về thời bao cấp tem phiếu. Xã hội không phát triển, doanh nghiệp đóng cửa phá sản, vì làm ra sản phẩm không có người tiêu thụ. Cuộc sống cơ cực ăn không no mặc không ấm thì sắm vàng làm gì”.
Bạn đọc lấy nickname Khoảng Lặng đồng tình: “Cuộc sống là phải biết tiêu tiền thì mới kiếm được, chứ cứ bo bo thì chơi với ai. Theo quan điểm của tôi tiền phải được lưu thông. Ai cũng như các bạn chắc các cửa hàng sập tiệm hết. Bạn mua quần áo chỗ người ta, người ta mới có thu nhập để mua cái ôtô, tiền là phải lưu thông”.
Độc giả Giang Trung Luc nhận xét: “Dân mình vẫn có thói quen tích trữ vàng thế này thì khó lòng bình ổn giá vàng. Thói quen này đã ngấm vào máu mất rồi”.
Tuy nhiên cũng không ít ý kiến đồng tình với cách tiêu tiền của các nhân vật trong bài viết. “Nên tích cóp lúc còn trẻ, tiền đó để dưỡng già là đúng” - bạn đọc Minh Chí khuyên nhủ.
“Họ tiêu tiền như thế này vẫn là sống tốt thôi, họ sống có trách nhiệm, sống tiết kiệm để lo cho tương lai con cái họ. Nếu chỉ biết kiếm tiền xong, được bao nhiêu bản thân ăn xài sạch thì mới gọi là chỉ tồn tại chứ không phải sống đó”- độc giả có nickname Sila phản biện.
Bạn đọc Kieu Anh đồng tình: “Nếu làm được bao nhiêu, tiêu gần hết thì sau này biết tính sao. Cuộc đời không lúc nào được bằng phẳng hết, mình ủng hộ các bạn biết tiết kiệm và lo cho tương lai. Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Nên cũng đừng tiết kiệm quá là được."
"Theo mình bài báo phản ánh là để những người độc thân suy ngẫm và có kế hoạch cho tương lai. Nếu khi các bạn độc thân các bạn không tích luỹ (dù ít hay nhiều), thì khi có gia đình, có em bé, các bạn sẽ xoay sở thế nào nếu không kiếm được tiền? Cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn nếu chúng ta biết lo lắng cho tương lai", độc giả có nickname Sapa kết luận.
>> Xem thêm: Lương 5 triệu nhưng tôi tiết kiệm 1 triệu mua vàng