Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. |
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sẽ là kỳ họp đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện sự đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Được biết, do đây là công việc hết sức quan trọng, nhạy cảm, lại là lần đầu tiên trong lịch sử nên QH đã tiến hành với tinh thần hết sức nghiêm túc, thận trọng, khách quan trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ thông tin, tuân thủ quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm. QH sẽ dành thời gian thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm, thể hiện mức độ tín nhiệm đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.
Một trong những nội dung trong được cử tri và dư luận cả nước hết sức quan tâm là người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức. Theo quy định, nếu trong trường hợp người được lấy phiếu có tín nhiệm thấp không từ chức, QH sẽ xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Cử tri cũng mong muốn việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cần phải tránh được tình trạng bỏ phiếu ‘vo tròn, hòa cả làng’ hoặc lợi dụng để ‘hạ bệ’ nhau...
Sáng 8/6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp QH đã cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành tốt nhất theo quy định, ví dụ thiết kế mẫu phiếu, chuẩn bị danh sách ban kiểm phiếu, các báo cáo. Đây là lần đầu tiên sau 69 năm, QH mới tiến hành việc này, chắc chắn quá trình làm sẽ phải rút kinh nghiệm vì mới chỉ là lần đầu. Tôi tin càng về sau sẽ càng tốt hơn”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí. |
Theo ông Phúc, phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá theo từng chức danh một và sẽ được công bố tỷ lệ phiếu của từng người được đánh giá theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, công bố theo trị số tuyệt đối bao nhiêu phiếu mỗi loại. Cụ thể là từng phiếu từng loại, có thế nào thì ghi như thế, ví dụ ông A được bao nhiêu phiếu cao, bao nhiêu phiếu thấp... Còn việc xét hệ quả tín nhiệm thì chỉ khi nào tín nhiệm dưới 50%, ví dụ có 400 đại biểu mà có tới 201 phiếu tín nhiệm thấp thì coi là không đạt.
“Tiêu chí đầu tiên là hoàn thành nhiệm vụ hay không, rồi mới đến phẩm chất đạo đức là đi song song. Cái quan trọng nhất người ta nhìn vào anh là với tư cách tư lệnh một ngành. Đấy là nhiệm vụ đầu tiên phải làm rõ đã. Anh không làm tốt thì tôi đánh giá anh không hoàn thành nhiệm vụ” – Ông Phúc nói.
Về lo ngại liệu có xảy ra hiện tượng ‘chạy phiếu’ khi lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết chưa hề nhận được ý kiến phản ánh nào. Ông Phúc khẳng định đương nhiên đại biểu nào làm thế mất uy tín, và đại biểu nào phát hiện ra, có ý kiến thì lập tức người chạy phiếu sẽ mất uy tín. Đến giờ chưa có góp ý hay phản ánh với TVQH về việc đó. Nếu có hiện tượng gì đó bất thường thì phải báo cáo Ủy ban TVQH và QH.
L.T