THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 June 2013

Địa hạt 'gái giang hồ' ở miền Tây

Nằm trên con đường huyết mạch nối Cần Thơ - Long Xuyên - Kiên Giang, lại ở địa thế “một bước qua tỉnh khác”, nên cả một khu vực trở thành điểm “cát cứ” của gái giang hồ từ rất xưa và nổi tiếng tới tận bây giờ.
Địa hạt "gái giang hồ”

“Thủ phủ mại dâm”, “xóm đèn màu”, “xóm ghệ”, “xóm dù”, thậm chí là “xóm đĩ”… Người ta có nhiều tên để ám chỉ về một cái xóm nổi tiếng tại ấp Vĩnh Qui (xã Vĩnh Trinh, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ).

Người dân ở đây chỉ còn lắc đầu với những biệt danh “một thời để nhớ” này. Những biệt danh ấy tồn tại từ trước “tiếp thu”, kéo dài qua nhiều trạng thái xã hội, những thăng trầm, nổi trôi của phận người.
Địa hạt 'gái giang hồ' ở miền Tây
Một thời, khi bị kiểm tra, “gái giang hồ” và khách làng chơi cứ thế ùm xuống sông. 

Vĩnh Qui nằm nép bên QL80, đường chính từ TP.Cần Thơ về Rạch Giá. Người cao tuổi nhất cũng không biết được những cô gái làng chơi có mặt ở đây từ lúc nào. Một tú bà có “thâm niên” bảo rằng, nghề "buôn hương" ở đây đã có từ “trào ông Diệm”.

Vĩnh Trinh nằm trên trục lộ xe, lại gần các điểm đóng quân; về Cần Thơ hay Rạch Giá, Long Xuyên cũng gần nên xóm trở thành điểm hẹn của binh lính Sài Gòn tìm gái. Những cô gái làng chơi từ khắp nơi tìm đến Vĩnh Trinh ngày càng nhiều. Quen đường, các tay chơi cũng tìm đến đây. Người Vĩnh Trinh hiền hòa bỗng chốc bị tai tiếng như là “xóm chứa gái”.

Một số gia đình đã bắt tay với những cô gái giang hồ. Nhà chứa chuyên nghiệp mọc lên, rồi dần dần “lây” qua các nhà lân cận. Đến khi những cô gái trong xóm lớn lên tập tành phấn son, xiêu lòng đón khách thì nhiều hộ dân ở đây trở nên điềm nhiên với chuyện xảy ra trước mắt.

Sau năm 1975, nhiều gái giang hồ tiếp tục trôi dạt về “địa chỉ quen thuộc” này, kéo theo những thôn nữ "chân còn đóng phèn" tìm tới Vĩnh Qui như là nơi kín đáo để kiếm tiền. Chẳng những thế, các "đàn chị” đã tập cho những cô gái quê biết phấn son, rượu bia, ma túy... rồi dần gia nhập vào đội ngũ tiếp khách vốn đã hùng hậu ở Vĩnh Trinh. Đến đây thì xóm Vĩnh Qui trở thành địa chỉ "khét tiếng".

Chị Trần Thị Thơi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Trinh, bảo rằng mại dâm đã “mọc thành rễ” ở đây. Thời gian trước, đi ngang qua “xóm đèn màu” thì hình ảnh quen thuộc là những cô gái ngồi dưới những cây dù to để gọi khách. Số tiền đi khách nói chung là rẻ mạt. Nhưng vì khách tới lui nườm nượp nên các chủ chứa cứ sống phây phây.

“Một người làm được, có ăn, thì những nhà khác làm theo, riết rồi người ta gọi khu này là khu “chứa đĩ cả xóm”, chủ tịch phụ nữ xã đỏ mặt kể. “Đi công tác với các đơn vị khác, mỗi lần nhắc tới Vĩnh Trinh là người ta lại hỏi đến chuyện đó, mình cũng ngại”. Chị Thơi nói trong số các “kiều” ở đây, có nhiều người rất đẹp, đến là phụ nữ mà chị còn thấy thích, thấy tiếc...

Bà T.T.B, người từng là tú bà ở đây nói những cô gái mới lớn ở địa phương, đua đòi, đã gia nhập vào hàng ngũ gái giang hồ từ các nơi tìm tới “làm ăn” ngày càng nhiều, khiến xóm nhà gần cây số trở nên đông đúc. Khách nam qua lại được chèo kéo như rao hàng ở chợ. Rồi bắt đầu có cạnh tranh.

Để gây chú ý, các chủ chứa thắp lên đèn màu. Để thêm hình thức phục vụ, các quán bia có tiếp viên mọc lên. Người ta cho rằng, “mô hình” quán bia ôm cũng khởi thủy từ đây, trước khi nó nhanh chóng lan rộng đi khắp nơi. Bà B. nói ban đầu xã cũng cấp giấy phép cho các quán hoạt động, thu thuế. Thế rồi chỉ một thời gian “bia ôm mọc lên rần rần”, tai tiếng khắp nơi buộc lãnh đạo địa phương phải ra lệnh rút giấy phép.

"Đánh trận” mại dâm
Nhưng để dẹp một quán bia ôm thì dễ, còn để giải tán một động chứa thì lại là chuyện khác. Bà L.T.H, một tú bà khét tiếng ở Vĩnh Qui, kể lại ban đầu ít “ghệ”, ít khách thì còn dễ “làm ăn”. Khi hoạt động mại dâm trở nên quy mô hơn, tai tiếng như cồn, công an tăng cường kiểm tra thì chuyện “mần ăn” không còn... lén lút được nữa. Các chủ chứa cũng nghĩ ra nhiều cách “đánh bài ngửa” với lực lượng công quyền.

Như động của bà H. được thiết kế với nhiều lớp cửa sắt. Mỗi khi các “ghệ” dẫn khách vào hành sự thì bà khóa trái các cửa lại. Còn cửa phía sông chỉ khép hờ. Mỗi khi kiểm tra, lực lượng công an đợi chủ nhà mở cửa thì phía sau, các “em” cứ trần như nhộng mà nhảy xuống sông. Bà H. kể, thường thì khách chỉ ở yên khi bị kiểm tra. Nhưng nhiều khách hốt hoảng nên cũng “bay” theo các em.

Trong một lần như thế, một vị khách tên P. có lẽ quá căng thẳng nên lao xuống nước khi bị kiểm tra, mà quên mình... không biết lội. Phải đến 3 ngày sau, người ta mới phát hiện thi thể tay chơi xấu số ở cách đó không xa.

Đó là chuyện hy hữu, còn phần lớn vì không bắt được quả tang nên chủ động chối bay. Chỉ với biện pháp đối phó đó, động của bà H. tồn tại trong thời gian dài và “mô hình” này được nhân ra ở các động khác trong xóm.

Ông Hà Thanh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, nguyên là Trưởng công an xã Vĩnh Trinh (năm 2004 - 2009) nhớ lại, nhiều lúc lực lượng dày công theo dõi nhưng khi đột nhập vào thì chuyện đã rồi. Những nông dân chân chất ngày nào đã hóa thành tú bà, tú ông chuyên nghiệp thì họ cũng trở nên khó đối phó, dù lực lượng truy quét phần lớn cũng là những người quen mặt, biết tên.

Nhiều lần đột nhập các “động” không thành, ông Nhựt và các đồng sự đã thay đổi phương án, “vừa cứng vừa mềm”. Từ việc cho người giả làm khách làng chơi cho đến dùng biện pháp mạnh của... lính đặc công.

Trong những cuộc đi “phá động”, lực lượng công an chia làm “hai mũi giáp công”. Mũi trên lộ phải mang theo búa tạ, kềm cộng lực để phá cửa sắt. Mũi dưới sông đón lõng, phòng khi các “em” phi xuống sông thì kịp thời có mặt để vớt lên.

Ông Nhựt nhớ lại, với biện pháp như đánh trận ấy, mà lực lượng công an đã dẹp được 23 động chứa. Hàng chục tú ông, tú bà lần lượt lãnh án. Các em thì đi "phục hồi nhân phẩm". Thế nhưng lớp “đào” này đi thì lớp “đào” khác tới, lớp “tú” này bị bắt thì “tú” khác nổi lên. Kinh nghiệm hơn, khôn khéo hơn...

Mãi đến năm 2007, ngọn lửa chớp nhoáng đã thiêu rụi 14 căn nhà lá ven sông ở Vĩnh Qui, ngay khu nhà được xem là “trung tâm đèn màu”.

Cùng với hàng chục tú bà, tú ông, gái bán thân lớp đi tù, lớp cải tạo bắt buộc, lớp chết vì AIDS... Những biến cố dồn dập khiến nhiều người đã nghĩ xóm nhỏ vốn chẳng mấy yên bình này bắt đầu một trang khác.
Theo Thanh Niên