THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 November 2012

"Nữ sinh hiện đại"

"Nữ sinh hiện đại"

Phong Thu, thông tín viên RFA
2012-11-27

Những năm gần đây, tình trạng nữ sinh Phổ Thông Trung Học tại Việt Nam đánh nhau nhiều hơn cả nam sinh.


Photo courtesy of yume.vn
Cảnh nữ sinh đánh nhau trong một bộ phim về bạo lực học đường.


Nữ sinh đánh nhau

Tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam đã làm cho hình ảnh của những cô nữ sinh duyên dáng, thánh thiện đã bị vẫn đục. Các nữ sinh đánh hội đồng, lột áo bạn gái giữa nơi công cộng và quay clip tung lên mạng lưới toàn cầu đã trở thành phổ biến. Nhiều người tại Việt Nam nhún vai cười cho rằng đó là chuyện thường ngày ở Huyện và đó mới chính là “nữ sinh hiện đại” của thế kỷ 21.
Trong ngày 18/8/2012, báo Giáo Dục Việt Nam online có đăng một bài viết gây sửng sốt cho mọi người “Vì Sao Ngày Càng Có Nhiều Nữ Sinh Hành Xử Côn Đồ?”. Tác giả Nguyễn Thanh Phong viết rằng nếu ai quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường sẽ thấy tỷ lệ nữ sinh đánh nhau nhiều hơn nam sinh. Các cô xử lý mâu thuẫn cá nhân bằng cách đánh nhau, quay video rồi tung lên mạng nhan nhản. Hành động này chứng minh sự xuống cấp của lớp trẻ, đặc biệt là phái nữ”. Tác giả còn chứng minh bằng những con số cụ thể như sau: “Chỉ cần gõ từ khóa: “Nữ sinh đánh nhau” lên google, trong vòng 0,2 giây sẽ thấy 16.100.000 kết quả liên quan. Trong đó, các clip được đặt nhan đề như: “Sốc”, “Choáng váng”, “Nữ sinh đánh nhau hơn cả giang hồ”, “Nữ sinh đánh nhau, lột đồ, nude 100%”, “Nữ sinh đánh nhau hơn cả gà chọi”, đều gây được sự chú ý của dư luận.”
Youtube đã quay lại cảnh tượng hỗn chiến của các nữ sinh Trung Học Phục Hòa, Cao Bằng đánh nhau vỡ đầu, chảy máu. Những cô học sinh cấp 3 trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu bạn. Ngày 19/9 các cô nữ sinh đánh nhau và lột áo nhau giữa ban ngày tại xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội chỉ vì ánh mắt nhìn đố kỵ. Nhưng nhiều trường hợp còn thô bạo, đáng xấu hổ hơn là vụ đánh ghen hội đồng của 4 nữ sinh ở Vị Xuyên, Hà Giang.
Hành động thô bạo này chỉ là những lý do vớ vẫn, do ghen ghét về sắc đẹp, cách nhìn đểu, hay một câu nói khiêu khích, các cô sẵn sàng đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn.
Em Nguyễn Văn Đường cho biết bạn gái em bị đánh chỉ vì một chuyện rất nhỏ:
“Những vấn đề đánh nhau trong học đường thì bọn cháu nghĩ là không có lý do gì lớn. Chỉ là chuyện này nọ không hợp ý nhau, hay là người ta nhìn ngứa mắt thì bị đánh. Xích mích nhau rất nhỏ thì cũng xảy ra vụ đánh nhau. Nếu đánh nhau trong trường thì thầy cô, Ban Giám Hiệu, thầy cô các bộ môn can thiệp thì không đánh mạnh lắm. Nhưng đánh bên ngoài thì nhà trường không thể can thiệp nên chảy máu nhiều.”
Mới đây nhất, ngày 14/11/2012, báo Người Lao Động đưa tin, “Nữ Sinh Bị Đánh, Xé Áo Trước Cổng Trường”. Nạn nhân là một nữ sinh B. học lớp 10C của trường Trung Học Phổ Thông Lê Văn Linh, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa đã bị nữ sinh Lê Thị Thương, học lớp 11A1, Trung Tâm Giáo Dục huyện Thọ Xuân “đánh hội đồng”, đấm đá, tát liên tục vào mặt, nắm tóc, lên gối. Nhóm nữ sinh trên còn xông vào xé áo nạn nhân trước sự reo hò của những học sinh khác.
Tìm hiểu về hiện tượng bạo lực học đường, chúng tôi trao đổi trực tiếp với tiến Sĩ Xã Hội Học Trịnh Hoà Bình đang công tác tại Trung Tâm Dư Luận Xã Hội, Hà Nội, ông đã có một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề xã hội một cách bao quát, khách quan. Với một cái nhìn thẳng thắn, nghiêm túc và nhiều suy tư. Ông trình bày nhận định của mình như sau:
“Cái xu hướng trẻ em, giới trẻ vị thành niên bạo lực đặc biệt nữ sinh học đường bạo lực, làm nhục lẫn nhau rồi quay phim, chụp ảnh, tổng hợp clip đen rồi đăng tải lên mạng biểu hiện ý thích kỳ ngộ, quái gỡ, thậm chí là một bộ phận khoái trá, nhấm nháp cách hành xử của mình mặc dù ngẫm nghĩ kỹ ra mà nói đó là những hành vi ác độc, vi phạm đến nhân phẩm, tính cách, của đồng môn, đồng giới, đồng nghiệp.
Nó xuất phát từ ý thức luật pháp non yếu, từ tâm lý lây lan dùng thói thích quen hành xử thích thói tôn sùng bạo lực. Trong rất nhiều trường hợp, con người ta sử dụng bạo lực tự thân của nhóm mình để thiết lập lại trật tự xã hội theo ý của nhóm nhỏ đó, thì cái điều đó cho thấy cái xu hướng vô chính phủ, thiếu định hướng phổ quát, đặc biệt là thiếu sự nhất quán trong ý chí hành động hướng về mục tiêu xuyên suốt cho cả một cộng đồng. Điều đó cho thấy là nó giống như một sự vượt thoát, một quá trình đấu tranh, phát triển, để hướng tới một cái gì nó toàn bích hơn, hoàn thiện hơn mà câu trả lời cho sự hoàn thiện, toàn bích vẫn còn ở phiá trước.”

Thái độ vô cảm



Nữ sinh trung học Saigon


Những em gây ra chuyện thì phải trừng phạt thích đáng. Nhưng đáng lo là thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của những người lớn và những học sinh đã tiếp tay, cổ võ, thậm chí thờ ơ khi chứng kiến. Tiến Sĩ Trịnh Hoà Bình cũng bình luận về thái độ vô cảm của con người hiện nay trong xã hội Việt Nam:
“Xung quanh những hành động bạo lực và phản cảm là một câu chuyện dài. Nó có căn nguyên trong cuộc sống đời thường. Hiện nay, trong cộng đồng có những ẩn tức của sự vượt thoát, có những tâm sự mà không dễ gì giải quyết được một sớm, một chiều. Xã hội mà chúng tôi có tính chất giáo dục nêu gương. Tất cả những chuyện ấy quy chiếu rằng trên bình diện là chúng tôi phải học tập lẫn nhau và chúng tôi đang thiếu những hình mẫu, hoặc những vị trí được xem như hình mẫu thì nó không đáng là hình mẫu.
Đây là cái vòng lẩn quẩn, loanh quanh nó dẫn đến cho cá nhân không chỉ là tự ti mà cảm thấy mất lòng tin về biểu tượng một giá trị chung cũng dẫn đến tự mâu thuẫn. Trong bối cảnh người ta trở nên bất lực thì thường phải có gì đấy để trút cười. Trong những trường hợp không hay ho của nó lại là chuyện là hành hạ, nhấm nháp, nếm trải cái việc va chạm, đối chọi lẫn nhau. Và một trật tự không sớm được thiết lập cho nên mọi người mới vô trách nhiệm như vậy có nghĩa là hối thúc, xúi giục đánh nữa đi.
Người ta cảm thấy gần như thông qua đó có thể xả stress và không nhìn thấy chiều sâu như vậy đụng chạm, xâm phạm đến nhân phẩm giá trị của người khác. Trong những trường hợp như vậy, nó trở nên rất vô hướng, phản tiến bộ trên cơ sở phản cảm và những người chứng kiến cổ súy, không những chỉ là sự vô cảm mà còn thể hiện sự vô trách nhiệm.”
Trong dịp này, tôi cũng trao đổi với Tiến Sĩ, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm. Ông tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Văn Chương Việt Hán, Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ông nguyên là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Petrus Ký, và là Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa, Giáo Dục và Thanh Niên, Phụ Tá Tổng Trưởng Ðặc Trách Trung Tiểu Học và Bình Dân Học Vụ Việt Nam Cộng Hoà cho đến 1975. Ông định cư tại Hoa Kỳ, là Tiến Sĩ ngành Research & Evaluation in Education, tại Iowa State University. Tiến Sĩ  Nguyễn Thanh Liêm giảng dạy bán thời gian tại Ðại Học Long Beach City College. Hiện nay ông đã về hưu nhưng vẫn còn tha thiết yêu mến nghề dạy học. Ông cho biết như sau:
“Tại Sài Gòn ai cũng biết là trường trung học Gia Long là một trường rất nổi tiếng cho nữ sinh, kỷ luật trường Gia Long là số một. Ngay cả từ cách ăn mặc của nữ sinh cách ăn nói của nữ sinh cũng như từng việc làm đều được các giáo sư theo dõi cho nên không có gì rắc rối về hay phiền phức nhất là về phương diện nhân cách, phẩm cách không có gì bất thường xảy ra.
Ngay trường nam sinh Pétrus Ký lúc tôi làm hiệu trưởng hay khi tôi đi dạy ở đó, kỷ luật rất kỹ lưỡng, từ bộ đồng phục của học sinh cho đến cách mang cái đôi giày đi vào trường. Ở thời tôi làm, từ lúc tôi đi dạy học, cho đến lúc làm Hiệu Trưởng, rồi đi lên Bộ coi ngành Trung Tiểu Học, thì thật sự những chuyện lôi thôi, đánh lộn, đánh lạo, chửi bới hay vô lễ với thầy cô, thì những chuyện đ ó không xảy ra trong những trường của mình.”

Xã hội nào, con người đó?

Ông Nguyễn Thanh Liêm nói rằng khi làm Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục, câu hỏi đầu tiên mà ông đặt cho ông là “mình có triết lý giáo dục gì?”. Từ triết lý đó, ông sẽ đặt ra mục tiêu của giáo dục, chương trình cụ thể, nội dung sách giáo khoa và lựa chọn giáo viên giảng dạy để đạt mục tiêu đó. Ông cho biết, triết lý căn bản của giáo dục như sau:


 
Nữ sinh trung học vùng ĐBSCL. AFP photo


“Triết lý căn bản của n ền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà tựa trên ba điểm quan trọng này: Thứ nhất là tính cách nhân bản, thứ hai là tính cách dân tộc và thứ ba là tính cách khai phóng. Nhân bản là cái gì? Nhân bản là giá trị của con người nghĩa là mình phải quan niệm con người như là một con vật linh thiêng chớ không phải là chỉ một con vật vô thần, vật chất. Một con vật linh thiêng có nghĩa là con người có giá trị đặc biệt của nó khác hơn những con vật khác. Nó có phẩm giá, có phẩm cách của nó. Thành ra mình làm giáo dục hay bất cứ việc gì mình cũng nghĩ đến, chú ý đến giá trị của con người, đừng làm mất nhân phẩm của con người.
Đừng có dùng con người như một phương tiện để phục vụ cho một đảng hay một nhóm người hay một cá nhân nào. Có nghĩa là những hoạt động của mình phải nhắm vào chuyện phát triển con người, xây dựng con người một cách toàn diện về đức dục, trí dục, thể dục phải đầy đủ, có nhân phẩm, kiến thức, đạo đức để họ đem hạnh phúc cho họ khi ra đời, cũng như gây hạnh phúc cho những người xung quanh, cho gia đình và rộng hơn nữa là cho quốc gia. Thứ hai nữa là dân tộc, mình là người Việt Nam, mình không muốn mất tính cách của người Việt Nam, mà muốn giữ cái đó thì cái văn hoá của mình phải được bảo tồn những cái hay cái đẹp ở trong văn hoá Việt Nam.
Tuy nhiên, mình muốn bảo tồn văn hoá đó, mình giữ tinh thần dân tộc đó, mình không nên bế môn toả cảng, chặn đứng tất cả những tin tức, những cái hay, cái đẹp ở trên thế giới không cho nó đi vào Việt Nam. Điểm thứ ba là khai phóng, mình mở rộng cửa để đón nhận những giá trị về phương diện văn hóa, văn minh, tư tưởng của thế giới những cái gì đẹp hay, đẹp của thế giới để mình du nhập vào để học hỏi thêm.”
Giáo dục học đường, gia đình và xã hội, là ba yếu tố có tác động trực tiếp đến sự hình thành phát triển nhận thức và nhân cách của thế hệ trẻ. Bởi nhân cách của một con người là sự tổng hoà của các mối quan hệ xã hội. Xã hội nào, con người đó. Một nền giáo dục nhân bản, phục vụ cho con người, vì con người vẫn là giá trị cơ bản cho tất cả các dân tộc trên thế giới.