THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 November 2012

Ai đã vẽ ra lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của Việt Nam ?

Trước đây đã có nhiều tác giả viết về xuất xứ của Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của Việt Nam từng hiện diện trên quê hương Việt Nam kể từ thời Vua Bảo Đại thống nhất 3 miền Trung Nam Bắc của đất nước cho đến suốt hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cọng Hoà của miền Nam Việt Nam. Và bài viết tương đối đầy đủ chi tiết về lá cờ này là do Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy viết khoảng giữa thập niên 1980. Tuy nhiên chưa có ai nói một cách mạch lạc về tác giả của lá cờ đó là ai. Giáo sư Huy thì cho đó là tác phẩm của danh họa Lê Văn Đệ, người họa sĩ đã thành danh tại Pháp với lối hội họa Neo- classic thịnh hành của thập niên 1930 đoạt những giải thưởng ở hải ngoại qua các bức tranh vẻ cảnh ngoại quốc cũng như những vị thánh của triều đình Vatican.
 
Là một danh tài sinh ra tại Bến Tre, lớn lên và học tiểu học tại Sàigòn, bắt đầu dấn thân vào nghiệp hội họa tại Hà Nội, năm 1931 (25 tuổi) được học bổng qua Pháp học hội họa và thành danh ở ngoại quốc, cùng được giáo dục theo văn học Âu Tây thì khó tưởng tượng rằng họa sĩ Lê văn Đệ có kiến thức Nho học và sự thiết tha với truyền thống văn hóa và lịch sử dân tộc để vẽ ra một lá cờ với sự cân nhắc tỉ mỉ về ý nghĩa của các quẻ trong bát quái đồ theo văn hóa đông phương. Mãi đến năm 1938 (32 tuổi) ông Đệ mới trở về Việt Nam để hội nhập với nghệ thuật của quê hương và ngày 2 tháng 9 năm 1945 nhân ngày Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình dưới lá cờ Đỏ Sao Vàng thì chính ông Đệ đã đặc trách trang trí lễ đài tại Quảng trường này (theo tự điển Wikipedia). Ấy thế mà chỉ 2 năm sau (1947) thì ông Đệ, theo lời đồn, đã bỏ lá cờ Đỏ Sao Vàng để vẽ ra lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ với hình ảnh của cung Càn có 3 kỳ hợp lại với ý nghĩa thống nhất đất nước mà người trẻ VN thời đó ít ai biết được đó là cung CÀN của bát quái đồ.

Không ai biết đích xác xuất xứ của lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, cho mãi đến đầu thế kỷ 21 thì mới có một bài viết để nói về người vẽ kiểu cho lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ này, người viết bài này có gốc Hoàng phái, đó là cụ Tôn Thất Bình con trai của cố Họa sĩ danh tiếng Tôn Thất Sa của xứ Huế, một họa sĩ được mệnh danh là Họa sĩ Cung Đình, một danh họa của miền Trung mà không mấy ai không biết vì Cụ là giáo sư hội họa đã dạy hàng vạn thanh thiếu niên tại Huế ở các trường công tư thục cũng như trường kỷ thuật tại cố đô Huế, ngoài ra những danh họa và tác phẩm kiến trúc cũng như điêu khắc của Cụ vẫn còn tồn tại ở chốn cố đô này. Cụ Tôn Thất Bình đã viết về tiểu sử của vị thân sinh mình với những chi tiết chứng minh rằng cụ Tôn Thất Sa chính là người đã thiết kế ra lá cờ Ba Sọc Đỏ theo cung CÀN của Bát quái đồ mà quý vị sẽ hiểu rõ ý nghĩa sau khi đọc bài được kèm ở dưới đây.

Tôi là một học trò của Cụ Tôn Thất Sa khi Cụ dạy vẽ cho chúng tôi ở trường Thiên Hữu - Huế, và những kiến thức học được từ Cụ từ thuở đó đã giúp tôi phát họa được những thiết kế đồ về phối cảnh và trắc họa một cách dễ dàng trong suốt đời mình.

Trong bài của Cụ Tôn Thất Bình có đoạn viết rằng : Năm 1947, ông Trần Điền, cán bộ uy tín của Đảng Đại Việt, Giám Đốc Thông Tin Trung Bộ, đã nhờ Cụ Sa vẽ cho một bức tranh cổ động kêu gọi nhân sĩ tham gia tái thiết Đất Nước. Chỗ vẽ bức tranh là bức bình phong lớn được xây cất tại góc Tòa Khâm Sứ Pháp, gần Hotel Morin, cách Cầu Tràng Tiền khoảng 100 mét. Cụ Sa đã vẽ một đoàn người hăng hái tiến lên, bước theo sau một người cầm lá Quốc Kỳ. Quốc Kỳ thời Nội Các Trần Trọng Kim là cờ “quẻ LY”.    Lúc vẽ lá Quốc Kỳ này Cụ Tôn Thất Sa khựng lại vì không đồng ý. Cụ bàn với Linh Mục Trần Hữu Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế rằng quẻ LY có gạch giữa bị đứt đoạn là điềm không lành cho Đất Nước. Chữ LY có một nghĩa khác là ly tán. Đó là điềm xui xẻo cho Đất Nước trong khi đang kêu gọi nhân sĩ bỏ chiến khu trở về hợp tác. Cụ đề nghị đổi quẻ LY thành quẻ CÀN, nghĩa là nối lại gạch giữa bị đứt đoạn. Linh Mục Thanh góp ý nên bổ túc thêm con rồng ở giữa lá cờ vì dân tộc Việt Nam là con Rồng, cháu Tiên. Lá cờ theo ý nói trên được trình lên Hội Nghị các nhân sĩ trước khi qua Hồng Kông bệ kiến Vua Bảo Đại. Ông Trương Văn Huế, Tổng Thanh Tra Công Chánh miền Trung, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam thời đó, không đồng ý có thêm con rồng ở giữa cờ vì cầu kỳ. Đa số tán thành ý kiến bỏ con rồng. Ngày 21.12.1947, phái đoàn do Cụ Trần Văn Lý dẫn đầu qua Hồng Kông bệ kiến Vua Bảo Đại và đệ trình lá cờ quẻ CÀN thay cho lá cờ quẻ LY. Vua Bảo Đại chấp thuận. Từ giờ phút đó lá cờ vàng ba sọc đỏ trở thành lá Quốc Kỳ của Việt Nam.
    Tôi cũng không có căn cứ nào để tin đoạn trên là trung thực cho mãi đến khi đọc được một đoạn trích trong sách “The Fall and Liberation of Saigon” của tác giả Tiziano Terzani (St. Martin ‘s Press, New York, 1976), thì tôi mới thấy rằng chuyện của Linh Mục Trần Hữu Thanh bàn thảo với cụ Tôn Thất Sa về thiết kế của lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là chuyện có thật. Tác giả này đã phỏng vấn linh mục Trần Hữu Thanh về tình trạng của Giáo Hội Công Giáo sau khi Sài Gòn bị mất và chính quyền Việt Cọng đã kiểm soát toàn bộ miền Nam VN. Đoạn văn ấy như sau:

As a first concession to the new authorities the Church agreed to participate in a joint committee that quietly began studying the possibility of changing the wording of prayers.
‘    I don’t see what there is to change. Thousands of Vietnamese have gone to heaven with those prayers,’ Father Trần Hữu Thanh said acidly. Father Thanh had stayed in Saigon He had not placed himself at the head of an armed band of Catholic resisters and he had not been imprisoned by the bộ đội, as it was rumored after the Liberation. Even he, one of the symbols of the most deepseated Catholic anti-Communist, was able to carry on with his life in the Redemptorist church on Kỳ Đồng street. When I went to see him in one Sunday in June he had just finished saying mass. The sacristy was full of people coming to confess or ask advice, and in front of the gaudy Madonna there was the usual crowd of women and beggars holding out their hands.
    Of all the parish priests who had fled from the North in 1954, he had been one of the most influential. An ideologue and adviser to Diệm, it was he who designed the ‘three-banded’ flag that flew over Saigon until the Liberation.
    The three red stripes represent the three regions of Việt Nam – Tonkin, Annam, and Cochin China – but also the Trinity,’ he once explained to me. (tr261)

Tạm dịch:


    Sự nhượng bộ đầu tiên với chính quyền mới là nhà thờ đã đồng ý cộng tác với chính quyền để xem chỗ nào có thể thay đổi được trong những lời kinh nguyện.
    Linh mục Thanh chua chát nói: ‘Tôi không thấy cần phải thay đổi điều gì. Hàng ngàn người Việt Nam đã lên thiên đàng với những lời cầu nguyện đó.’
    Linh mục Thanh ở lại Saigon. Ông ta không chịu làm lãnh tụ nhóm Gia-tô vũ trang chống chánh phủ, và ông cũng không bị bộ đội bắt bỏ tù như tin đồn sau Giải Phóng. Ngay cả ông ta, một trong những biểu tượng của Gia-tô giáo chống Cộng mãnh liệt nhất, vẫn có thể tiếp tục cuộc sống trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng.
    Tôi đến gặp linh mục Thanh vào một ngày Chủ Nhật vào tháng Sáu [1975] khi ông vừa làm lễ xong. Nhà thờ đầy người tới xưng tội hay xin ý kiến, và ở trước tượng Đức Mẹ là đám đông các bà thường hay đến đó cầu nguyện và có những người ăn mày chìa tay ra xin.
    Trong số các linh mục di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, linh mục Thanh là một trong số những linh mục có nhiều ảnh hưởng nhất. Vừa là một người có ý thức hệ cực đoan vừa là cố vấn cho ông Diệm, chính ông là người đã vẽ ra lá cờ ‘ba sọc’ bay phất phới tại Saigon cho đến ngày Giải Phóng. Ba sọc đỏ tượng trưng cho ba miền của Việt Nam: Bắc, Trung, Nam – nhưng cũng là Ba Ngôi (Trinity, Tam vị nhất thể, chúa cha, chúa con và thánh thần) ông đã có lần giải nghĩa cho tôi nghe như thế.


    Đoạn được in đậm đã xác nhận là có sự đóng góp ý kiến của Linh Mục Trần Hữu Thanh với Cụ Họa sĩ Tôn Thất Sa và những nhân sĩ khác ở Huế để biến là cờ quẻ LY thành quẻ CÀN trước khi chính quyền ở Huế do Cụ Trần Văn Lý dẫn đầu bay qua Hồng Kông để trình cho Vua Bảo Đại về sự thành hình của lá cờ này.
    Sau đây xin sao chép lại bài viết của Cụ Tôn Thất Bình về sự tích của lá quốc kỳ Việt Nam màu Vàng có Ba Sọc Đỏ do cụ Tôn Thất Sa vẽ kiểu.

Trường Sơn

---------------------

QUỐC KỲ VIỆT NAM
Tôn Thất Bình

Cụ Tôn Thất Sa (1881.1980)
    Tình cờ tôi xem bài tham khảo có gía trị của tác gỉa Minh Vũ Hồ Văn Châm có tựa đề " câu chuyện xoay quanh lá quốc kỳ " đăng ở tạp chí " Cách mạng " số 12. Vì là tài liệu lịch sử nên tôi phải đính chính chỗ sai lầm.

    Mở đầu bài, tác gỉa viết : " Lá quốc kỳ nói ở đây là cờ vàng ba sọc đỏ. Cờ vàng ba sọc đỏ do họa sĩ thời danh Lê Văn Đệ vẽ đệ trình cựu hoàng đế Bảo Đại, và sau đó được đưa ra thảo luận biểu quyết tại hội nghị chính trị Hồng Kông giữa năm 1948 để làm quốc kỳ cho Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc Trưởng. Cờ vàng ba sọc đỏ được chính thức kéo lên tại Saigòn ngày 2 tháng 6 năm 1948 trong buổi lễ thành lập chính phủ lâm thời quốc gia Việt Nam do Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng. Năm 1955, Ngô Đình Diệm, Thủ Tướng đương nhiệm với toàn quyền dân sự và quân sự của quốc gia Việt Nam, đã tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại khỏi ngôi vị Quốc Trưởng và thiết lập nước Việt Nam Cộng Hòa ngày 26 tháng 10 năm 1955. Cờ vàng ba sọc đỏ vẫn là quốc kỳ."
 
Sự sai lầm tôi muốn đưa ra đây là nguồn gốc lá quốc kỳ. ( Tác gỉa cho biết đã ghi chép dựa theo tài liệu của bài viết “ quốc kỳ và quốc ca Việt nam “ của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. )

    Người vẽ ra lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ không phải là danh họa Lê Văn Đệ mà là danh họa Tôn Thất Sa. Cuộc thảo luận biểu quyết lá quốc kỳ tại Huế chứ không phải tại Hồng Kông như giáo sư Nguyễn Ngọc Huy viết.
 
      Câu chuyện như sau. Hội nghị của các nhân sĩ tại Huế bàn luận phải mời Hoàng Đế Bảo Đại về chấp chánh thì cuộc đấu tranh với CSVN mới có danh chánh ngôn thuận. Hội nghị nhất trí lựa chọn lá quốc kỳ vàng ba sọc. Sau đó phái đoàn mới đi Hồng Kông bái kiến Hoàng Đế và thuyết phục ngài hồi loan. Phái đoàn đã đệ trình lên ngài lá quốc kỳ của nước Việt nam, cờ vàng ba sọc đỏ và được ngài chính thức chấp thuận là quốc kỳ của nước Việt Nam.     
    Tháng 3 năm 1945, Pháp đầu hàng Nhật tại Đông Dương. Nhật giao quyền hành chánh cho Hoàng Đế Bảo Đại. Nội các dân sự đầu tiên của Việt Nam ra đời do Cụ Học Giả Trần Trọng Kim được chỉ định thành lập, gồm toàn trí thức nổi tiếng chứ không có chính trị gia hay người hoạt động cách mạng.
    Ng
ày 14.4.1945, Nhật thua trận và đầu hàng Đồng Minh. 
    Ngày 19.8.1945, lợi dụng người dân lúc đó còn chất phác về chính trị, Việt Minh quỷ quyệt lẹ tay cướp chính quyền qua mặt các đảng phái quốc gia thiếu thủ đoạn và kinh nghiệm về chính trị. 
    Ngày 22.8.1945, Trần Huy Liệu ra Huế thuyết phục, lừa phỉnh Hoàng Để Bảo Đại nên thoái vị vì Việt Nam đã có chính phủ độc lập tại Hà Nội rồi. 
    Ngày 25.8.1945, Hoàng Đế Bảo Đại tuyên bố: “Thà làm dân nước độc lập hơn làm vua nước nô lệ’’ và trao ấn kiếm Hoàng Triều cho Trần huy Liệu. 
    Ngày 2.9.1945, Hồ chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập và thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cựu Hoàng Bảo Đại và Giám Mục Lê Hữu Từ được mời làm Cố Vấn để lừa gạt dân chúng và che mắt quốc tế. 
Ngày 12.9.1945, quân Pháp theo chân quân đội Anh, có nhiệm vụ giải giới quân Nhật, xua quân chiếm Nam Bộ. 
    Ngày 6.3.1946, tại Đà Lạt Hồ chí Minh ký thỏa hiệp với Sainteny, đại diện chính phủ Pháp và đồng ý để 15 ngàn quân Pháp được đóng quân tại Hà Nội, Hải Phòng và một số các Tỉnh khác. Ông Nguyễn Tường Tam, Ngoại Trưởng và là lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng không chịu ký và phản đối thỏa hiệp. 
    Ngày 16.3.1946, Hồ chí Minh yêu cầu Hoàng Đế Bảo Đại dẫn đầu một phái đoàn qua Trùng Kháng, Trung Quốc, nhờ Tưởng Giới Thạch hỗ trợ. Bảo Đại được khuyên nên ở lại Hồng Kông và đừng trở về nước. 
    Ngày 18.3.1946, các đoàn thể và đảng phái quốc gia biểu tình lên án Việt Minh phản quốc, cấu kết với quân xăm lược Pháp. Việt Minh đã đàn áp phe quốc gia bằng vũ lực. 
    Ngày 7.5.1946, Pháp lập ra Hội Đồng Tư Vấn Nam Kỳ và chỉ định Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ Tướng Chính Phủ Lâm Thời Nam Kỳ tự trị. Làm Thủ Tướng được vài tháng, Bác Sĩ Thinh thấy dã tâm của thực dân Pháp lập chính phủ bù nhìn để che mắt khi thế giới đang có phong trào trao trả độc lập cho các nước bị đô hộ. Vì thất vọng thấy Việt Nam đang bị Pháp đô hộ một cách tinh vi, ông đã tự sát. Pháp liền đưa Bác Sĩ Lê Văn Hoạch lên thay thế. 
    Ngày 29.9.1946, Bác Sĩ Lê Văn Hoạch thấy dã tâm của Pháp nên từ chức Thủ Tướng Chính Phủ Nam Kỳ Tự Trị bù nhìn, vì có danh mà không có quyền. 
    Ngày 01.10.1946, Thiếu Tướng quốc tịch Pháp Nguyễn Văn Xuân được Pháp chỉ định làm Thủ Tướng thay thế Bác Sĩ Lê Văn Hoạch. 
    Ngày 19.12.1946, quân Pháp chiếm Bắc Bộ và cử ông Nguyễn Hữu Trí làm Chủ Tịch Hành Chánh Bắc Bộ. 
    Tháng 2 năm 1947, quân Pháp chiếm Huế và cử Cụ Trần Văn Lý làm Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Chính Lâm Thời Trung Bộ. Cụ Trần Văn Lý nguyên là Tuần Vũ Hà Tĩnh. Cụ Lý kêu gọi nhân sĩ bỏ hàng ngũ Việt Minh trở về với quốc gia và các ẩn sĩ hãy tham gia tái thiết đất nước.

    Cơ duyên nào đã đưa cụ Tôn Thất Sa vẽ lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ ?


    C
Tôn Thất Sa là người thời danh ở Huế nên được mời. Cụ Sa là Thi Sĩ kiêm Họa Sĩ và Điêu Khắc Gia. Cụ là bạn thơ với các vị thông nho như Cụ Tổng Đốc Tiểu Cao, thân sinh của Linh Mục thời danh Nguyễn Văn Thích, Cụ Huỳnh Như Văn, Chánh Án Tỉnh Quảng Nam, Cụ Ưng Bình, bác của Cựu Thủ Tướng Bửu Lộc...
Bức họa Long Châu của Cụ Tôn Thất Sa

    Cụ Tôn Thất Sa là Giáo Sư Kỹ Thuật Trường Bách Nghệ ở Huế, Giáo Sư Hội Họa tại nhiều Trường Trung Học ở Huế. Từ năm 1916 đến năm 1925, Cụ đã chiếm nhiều giải nhất trong các cuộc thi như tranh họa nạn lụt ở miền Bắc năm 1916, Đài Chiến Sĩ Trận Vong ở Huế năm 1920, Đài Chiến Sĩ Trận Vong ở Hải Phòng năm 1921. Cụ đã chiếm 6 giải nhất TEM bưu điện Đông Dương, 2 giải nhất về nghệ thuật trang trí tại Hội Chợ Paris.
 
Một tác phẩm của Cụ Tôn Thất Sa
    Danh tiếng của Cụ đã vang dội vào miền Nam khiến Cụ Lê Phát An, một phú hộ thời danh ở Nam Bộ đã đi xe hơi ra Huế tìm gặp Cụ Sa vì ngưỡng mộ. Cụ Tổng Đốc Tiểu Cao gởi bài thơ khen tặng Cụ Sa như sau:
 
 Mấy ai không học vẽ mà nên,
 Nét vẽ ông TÔN thật đáng khen,
Giải nhất đua tranh năm bảy thứ,
Bạc vàng tưởng thưởng thật nhiều phen,
Bút thần Đông Á chưa ai sánh,
Mực thợ Âu Tây ít kẻ chen,
Lão cũng muốn nhờ ông một bức,
Có ưa văn tự Lão xin đền.

 
Vì bận rộn nên Cụ Sa đã từ chối bằng bài thơ họa như sau: Nghĩ mình tài mọn có chi nên,Riêng thẹn mấy lời cụ quá khen,Cơ hội gặp may trong một lúc,Đền bù cái rủi đã nhiều phen,Hững hờ thuở trước còn đua lấn,Khôn khéo ngày nay cũng khó chen,Dạ những ước mong lên viếng cụ,Sợ e không xứng bức thơ đền.

    Cụ Tôn Thất Sa là tác giả những công trình điêu khắc như: Tượng Vua Duy Tân triển lãm tại Hội Chợ Paris (giải nhất), tượng Sư Huynh Albert de Marie tại Trường Pellerin (Huế), tượng Nhà Bác Học Pasteur ở Bệnh Viện Huế, Tượng Thánh Giuse ở Nhà Thờ Đốc Sơ (Thừa Thiên). Rất nhiều vị Giám Mục đã nhờ Cụ Sa vẽ huy hiệu (armories). Như Hồng Y Trịnh Văn Căn, Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Chủ Tịch Công Lý và Hòa Bình tại Tòa Thánh Vatican, các Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn, Phạm Ngọc Chi, Hoàng Văn Đoàn, Trần Văn Dực, Nguyễn Bá Tòng, Lê Hữu Từ, Ngô Đình Thục. Cụ Tôn Thất Sa là tác giả Văn Miếu Khổng Tử tại Thành Phố Hội An. Đó là một di tích văn hóa nghệ thuật thu hút du khách bốn phương.

Huy hiệu của Cố TGM Nguyễn Văn Thuận do Cụ Tôn Thất Sa họa
    Cụ Huỳnh Như Văn, Chánh Án Tỉnh Quảng Nam, đã nhờ Cụ Sa minh họa và thiết kế họa đồ xây cất Văn Miếu Khổng Tử. Khi xem họa đồ Cụ Văn hài lòng nên cảm tạ Cụ Sa bằng bài thơ sau đây:
 
Thần tình thay ngọn bút thiên nhiên,
Trông rõ hình dung lắm vẻ thiêng,
Miếu đã nêu cao gương đạo lý,
Đài còn tỏ rạng dấu trung kiên,
Tháng ngày thẩy mặt đời mưa gió,
Son sắt chi sờn chuyện biến thiên,
Cảnh vẽ rồi đây thành cảnh thật,
Ơn ai ghi nhớ nét đầu tiên.

    Cụ Long Châu Tôn Thất Sa họa lại:
Nét bút nhờ nơi cảnh tự nhiên,
Non sông chung đúc khí linh thiêng,
Cương thường miếu tạc thần như tỏ,
Triết liệt đài cao quỷ phải kiêng,
Hắc bạch muốn nêu gương đạo thánh,
Đan thanh khôn vẽ nếp khuôn thiên,
Riêng tay nghề mọn lòng chi bận,
Sáng kiến do người nghĩ trước tiên
    Nhờ các công lao nói trên, Cụ Tôn Thất Sa đã được tưởng thưởng nhiều huy chương như: Kim Khánh, Huy chương Danh Dự, Chương Mỹ Bội Tinh, Long Bội Tinh (Chevalier de l’ordre du dragon d’Annam), Palmes d’officier d’Académie, Officier de l’instruction publique, Officier d’Académie, Hồng Lô Tự Khanh.
Phải kể rõ như vậy mới thấy danh tiếng của Cụ và hiểu vì sao năm 1947, ông Trần Điền, cán bộ uy tín của Đảng Đại Việt, Giám Đốc Thông Tin Trung Bộ, đã nhờ Cụ Sa vẽ cho một bức tranh cổ động kêu gọi nhân sĩ tham gia tái thiết Đất Nước. Chỗ vẽ bức tranh là bức bình phong lớn xây tại tại góc Tòa Khâm Sứ Pháp, gần Hotel Morin, cách Cầu Tràng Tiền khoảng 100 mét. Cụ Sa đã vẽ một đoàn người hăng hái tiến lên, bước theo sau một người cầm lá Quốc Kỳ.

Quốc Kỳ thời Nội Các Trần Trọng Kim là cờ ‘’quẻ LY’’. Lúc vẽ lá Quốc Kỳ này Cụ Tôn Thất Sa khựng lại vì không đồng ý. Cụ bàn với Linh Mục Trần Hữu Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế rằng quẻ LY có gạch giữa bị đứt đoạn là điềm không lành cho Đất Nước. Chữ LY có một nghĩa khác là ly tán. Đó là điềm xui xẻo cho Đất Nước trong khi đang kêu gọi nhân sĩ bỏ chiến khu trở về hợp tác. Cụ đề nghị đổi quẻ LY thành quẻ CÀN, nghĩa là nối lại gạch giữa bị đứt đoạn. Linh Mục Thanh góp ý nên bổ túc thêm con rồng ở giữa lá cờ vì dân tộc Việt Nam là con Rồng, cháu Tiên. Lá cờ theo ý nói trên được trình lên Hội Nghị trước khi qua Hồng Kông bệ kiến Vua Bảo Đại. Ông Trương Văn Huế, Tổng Thanh Tra Công Chánh miền Trung, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam thời đó, không đồng ý có thêm con rồng ở giữa cờ vì cầu kỳ. Đa số tán thành ý kiến bỏ con rồng. Ngày 21.12.1947, phái đoàn do Cụ Trần Văn Lý dẫn đầu qua Hồng Kông bệ kiến Vua Bảo Đại và đệ trình lá cờ quẻ CÀN thay cho lá cờ quẻ LY. Vua Bảo Đại chấp thuận. Từ giờ phút đó lá cờ vàng ba sọc đỏ trở thành lá Quốc Kỳ của Việt Nam. Cơ duyên của Cụ Tôn Thất Sa với là cờ vàng là ở chỗ được nhờ vẽ bức tranh đoàn người tiến lên theo lá cờ (quẻ LY), đã giúp cụ nghĩ ra lá Quốc Kỳ (quẻ CÀN) hôm nay.
    Mặc dầu thực dân Pháp muốn đô hộ lại Việt nam nhưng dân miền Trung vẫn hướng về triều đình Huế.
   Miền Nam Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Dân trí thức miền Nam chịu ảnh hưởng của Pháp, sống như người Pháp nên xa dần Triều Đình Huế. Có nhiều trí thức miền Nam trở thành dân Pháp (quốc tịch Pháp). Trường học ở miền Nam dạy tiếng Pháp và sử ký địa dư Pháp. Đó là lý do tại sao trí thức miền Nam không quan tâm đến Triều Đình Huế mà Hoàng Đế Bảo Đại là người tượng trưng. Chỉ sau này khi Pháp dùng lá bài Bảo Đại và theo kế hoạch và chỉ thị của Pháp, một phái đoàn mới được lập ra để đi Hồng Kông gặp Hoàng Đế Bảo Đại. Bởi thế Họa Sĩ Lê văn Đệ là người miền Nam, được du học ở Pháp, sống theo lối người Pháp thì làm sao có tâm hồn quốc gia để nghĩ ra lá quốc kỳ Việt Nam, cớ vàng ba sọc đỏ ! Điều chắc chắn là không người Pháp nào lại chỉ thị cho họa sĩ Lê Văn Đệ vẽ lá quốc kỳ Việt Nam.
   Miền Bắc Việt Nam thì bị Pháp biến thành miền bảo hộ của Pháp (Protectorat) và chịu ảnh hưởng của Pháp tuy về hành chánh vẫn còn liên hệ với Triều Đình Huế qua các vị Khâm Sai, Tổng Đốc, Tri Phủ, Tri Huyện, nhưng họ chịu ảnh hưởng của Pháp. Miền Bắc cũng như miền Nam lúc đó chỉ liên hệ với Hoàng Đế Bảo Đại khi Pháp bật đèn xanh, cho phép.
    Miền Trung Việt Nam, theo Hiệp ước ký kết với Pháp thì do Triều Đình Huế cai trị nhưng trên thực tế vẫn bị ông Khâm Sứ Pháp tại Huế khống chế. Triều Đình Huế không được phép toàn quyền cai trị miền Trung và phải qua sự duyệt xét, chấp thuận của ông Khâm Sứ Pháp. Dù vậy, Miền Trung vẫn gắn bó với Vua và Triều Đình hơn hai miền Bắc và Nam. Do đó việc Cụ Trần Văn Lý và phái đoàn miền Trung qua Hồng Kông ngày 21.12.1947 bệ kiến Hoàng Đế Bảo Đại, thỉnh cầu ngài về chấp chánh rồi đệ trình lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được biểu quyết tại Huế và được ngài chấp thuận. Đó là chuyện hợp lý. Còn bảo rằng phái đoàn của Tướng Xuân (quốc tịch Pháp) qua Hồng Kông một năm sau (1948) để bàn luận biểu quyết về lá Quốc Kỳ là chuyện khó nghe. Phái đoàn qua gặp Hoàng Đế Bảo Đại để bàn về chính trị chứ đâu qua đó để bàn với vua về lá cờ nào đó rồi Hoàng Đế đồng ý. Tại sao không bàn thảo về lá cờ tại VN mà phải qua Hồng Kông mới bàn ? Phái đoàn qua gặp Hoàng Đế Bảo Đại để bàn về chính trị chứ đâu qua đó để bàn với nhau về lá cờ rồi trình lên Hoàng Đế.
    Ngày 02.6.1948, Pháp dùng lá bài Bảo Đại. Một Đại Hội Nhân Sĩ và đại diện các đảng phái nhóm họp tại Sài Gòn. Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân (quốc tịch Pháp), Thủ Tướng Chính phủ Nam Kỳ tự trị, đọc chiếu chỉ của Hoàng Đế Bảo Đại. Sau đó tất cả đồng thanh bầu Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng của Chính phủ lâm thời Quốc Gia Việt Nam, nhưng miền Nam vẫn còn tự trị riêng biệt.
    Ngày 05.6.1948, Hoàng Đế Bảo Đại từ Hồng Kông về Việt nam. Phi cơ Calatina của hãng hàng không Anh đáp xuống chiến hạm của Pháp tại Vịnh Hạ Long. Hoàng Đế cùng Trung Tướng quốc tịch Pháp Nguyễn văn Xuân và Đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp Định Hạ Long. Tiếc rằng người Pháp không thành thật. Hiệp Định này không đem lại độc lập và thống nhất cho Việt nam. Pháp vẫn nắm trọn chính trị và quân sự. Về ngoại giao thì Việt nam chỉ được đặt đại diện tại ba nơi mà thôi: Paris (Pháp), Washington (Hoa Kỳ) và London (Anh). Như thế chủ quyền ngoại giao của Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay của Pháp. Hoàng Đế Bảo Đại ở lại Hạ Long một đêm rồi đi Bangkok để qua Pháp.
    Đầu tháng 4 năm 1949, Thủ Tướng Xuân tổ chức Đại Hội với sự hiện diện của một ngàn đại biểu cư dân Nam Kỳ và 700 kiều dân Pháp quyết định sát nhập đất Nam Kỳ vào nước Việt nam. Chuyện buồn cười là ngày 02.6.48, Trung Tướng Xuân được bầu làm Thủ Tướng chính phủ lâm thời Quốc Gia Việt Nam nhưng một năm sau tức là tháng 4.1949 thì đất Nam Kỳ của Thủ Tướng Xuân mới được sát nhập vào nước Việt Nam.
    Ngày 01.7.1949, chính phủ Quốc Gia Việt nam được thành lập do Quốc Trưởng Bảo Đại kiêm Thủ Tướng lãnh đạo. Phó Thủ Tướng là Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng.
    Năm 1950, Pháp công nhận quyền độc lập của Quốc Gia Việt Nam.

    Quốc kỳ Việt Nam, cờ vàng Ba Sọc Đỏ thuộc cung CÀN, tức thuộc về THIÊN mà Thiên là Trời. Trời ở với dân tộc là điềm lành. Quẻ CÀN thuộc về hướng Nam là hướng tốt nhất trong các hướng. Người ta thường nói ngôi nhà thuộc hướng Nam dù không làm cũng có mà ăn. Đó là điềm quý báu cho dân tộc. Quốc kỳ Việt nam hình chữ nhật. Chiều cao bằng hai phần ba chiều dài. Chiều cao được chia ra làm ba phần bằng nhau. Phần ở giữa lại chia làm năm phần bằng nhau gồm ba sọc đỏ và hai sọc vàng nằm xen kẻ, song song với nhau.
Màu vàng của Quốc Kỳ là màu của dân tộc. Màu đỏ biểu trưng cho lòng can đảm chiến đấu bảo vệ quê hương. Ba sọc đỏ biểu trưng cho ba miền Bắc, Trung, Nam chung trên lá cờ, đoàn kết bất khả phân. Cờ Vàng ba sọc đỏ là lá cờ của chính nghĩa, cờ của Tổ Quốc. Đó là Quốc Kỳ của nước Việt Nam.