Việt Hà, phóng viên RFA
2012-11-26
Các tháng 9, 10 hàng năm được coi là đỉnh điểm của mùa dịch bệnh tay chân miệng vốn rất phổ biến trong trẻ dưới 10 tuổi tại Việt Nam, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Mặc dù tháng 10 đã qua, nhưng vì đây là căn bệnh dễ lây nhiễm nên có nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục các ca bệnh mới, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải rất cẩn thận về vấn đề vệ sinh phòng bệnh cho trẻ. Mời quý vị cùng tìm hiểu về căn bệnh này trong trang Tạp chí Sức Khỏe Đời Sống do Việt Hà phụ trách.
1/ Bệnh tay chân miệng – căn bệnh không chỉ ở Việt Nam
Từ vài năm trở lại đây, bệnh tay chân miệng không còn xa lạ đối với nhiều người dân Việt Nam. Đây đã trở thành bệnh dịch quen thuộc khiến hàng chục ngàn người nhiễm bệnh mỗi năm và cướp đi sinh mệnh của hàng chục người. Điều đáng buồn là nạn nhân phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.
Tính đến tháng 10 năm nay, Bộ Y Tế Việt Nam cho biết đã có khoảng hơn 116,000 ca bệnh tại 63 tỉnh thành, trong đó có 42 trường hợp tử vong ở 15 tỉnh thành.
Tuy nhiên, đây là căn bệnh không phải của riêng Việt Nam. Bệnh tay chân miệng cũng là dịch bệnh phổ biến ở nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, và Singapore. Mỗi năm có trung bình khoảng 2 triệu trẻ em ở khu vực Đông Nam Á bị mắc căn bệnh này và trong một số trường hợp đã dẫn đến tử vong.
Nói về sự phổ biến của căn bệnh trong khu vực, bác sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) cho chúng tôi biết:
Takeshi Kasai: đây là một bệnh dịch trong khu vực châu Á, phổ biến ở trẻ em. Các nước châu Á thường báo cáo có nhiều trường hợp mắc bệnh này.
Năm 1997, một ổ bệnh tay chân miệng được phát hiện tại Malaysia đã khiến 31 trẻ em tử vong. Năm 1998, dịch bệnh bùng phát tại Đài Loan khiến 78 em nhỏ bị chết.
Người đại diện của WHO cho biết vì là một bệnh truyền nhiễm, WHO lo ngại dịch bệnh tay chân miệng còn
có khả năng lây nhiễm trong một thời gian dài, kể cả sau đỉnh điểm của mùa dịch.
Takeshi Kasai:Một lý do mà các bệnh truyền nhiễm thế này sẽ có thể còn tiếp tục lây nhiễm trong một thời gian dai là khi bạn bị nhiễm bệnh thì virus có thể được truyền ra ngoài. Vì thế chúng ta phải duy trì các nỗ lực lâu dài nếu muốn có hiệu quả. Đây là một đặc điểm khác biệt so với các bệnh truyền nhiễm khác và nó làm cho việc kiểm soát bệnh rất khó khăn.
Cần chú ý các triệu chứng đầu tiên của trẻ là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Sau đó 1 đến 2 ngày mới phát hiện các chấm đỏ nhỏ ở tay, chân, trong miệng. Các chấm đỏ nhỏ này sau đó biến thành bọng nước và loét.
Bệnh TCM được phát hiện chủ yếu ở trẻ em, nhưng cũng có thể tìm thấy ở người lớn. Hiện tại bệnh phổ biến ở Việt nam, nhưng không vì thế mà không loại trừ khả năng phát hiện bệnh ở các vùng khác trên thế giới, tuy nhiên dường như ở Đông Nam Á, bệnh có vẻ như nặng hơn. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên PHó Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh giải thích:
Trần Tịnh Hiền: người ta thấy là ở Đông Nam Á bệnh nặng hơn, có thể cấu trúc di truyền của người Á châu nhất là con nít Á châu khác. Cũng có tìm ra một vài yếu tố khác biệt làm cho những đứa trẻ ở châu Á nó nặng hơn châu Âu.
2/ Lây nhiễm bệnh
Bệnh tay chân miệng là một chứng bệnh ở người do virut đường ruột gây ra. Hai giống vi rút phổ biến nhất của bệnh TCM là coxsackie A và virut Enterovirus 71 (EV 71). Bệnh thường phổ biến ở trẻ em, nhưng cũng có thể phát hiện ở người lớn. Nói về triệu chứng căn bệnh, bác sĩ Takeshi Kasai giải thích:
Takeshi Kasai: đây là một bệnh lây nhiễm, thường gây sốt, gây ngứa nổi mẩn ở tay chân, và mồm. Thường thì bệnh này không quá nghiêm trọng, trẻ em có thể khỏi bệnh sau một tuần, nhưng rất không may có một số trường hợp thì bệnh nghiêm trọng.
Các phụ huynh có con nhỏ cần chú ý các triệu chứng đầu tiên của trẻ là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Sau đó 1 đến 2 ngày mới phát hiện các chấm đỏ nhỏ ở tay, chân, trong miệng. Các chấm đỏ nhỏ này sau đó biến thành bọng nước và loét. Một số trường hợp có thể phát hiện các vết đỏ ở mông.
Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết từ mũi họng, nước bọt, chất dịch từ nước hoặc phân của người bệnh. Bệnh TCM không phải là bệnh lây từ động vật sang người. Người nhiễm bệnh thường dễ có khả năng truyền vi rut cho người khác cao nhất trong vòng tuần đầu tiên. Tuy nhiên virut cũng có thể tìm thấy trong phân người bệnh nhiều tuần sau khi các triệu chứng bệnh đã biến mất. Đáng chú ý là có những người dù mắc bệnh TCM nhưng lại không biểu hiện triệu chứng rõ ràng và do đó có khả năng gây lâybệnh cho người khác rất cao nếu không có sự đề phòng.
Phụ nữ mang thai cũng thường hay nhiễm bệnh. Nhiễm virut ruột trong giai đoạn mang thai thường gây bệnh nhẹ, hoặc không có triệu chứng. Cũng không có dữ kiện nào cho thấy nhiễm virut trong quá trình mang thai gây các hậu quả xấu lên thai như sẩy thai, thai chết lưu hay dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên nếu người mẹ nhiễm bệnh trong thời gian ngắn trước khi sinh thì có thể truyền virut cho trẻ sơ sinh. Đa số những trẻ này chỉ biểu hiện bệnh nhẹ nhưng một số có thể có biểu hiện bệnh trầm trọng đưa đến rối loạn chức năng đa cơ quan và tử vong.
Trong hai loại virut gây bệnh TCM, vi rút EV 71 là loại gây bệnh nặng và có thể dẫn đến tử vong. Một số các trường hợp bệnh nặng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Tuy nhiên theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, chưa tới 5% các ca bệnh tiến vào thể nặng.
Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết từ mũi họng, nước bọt, chất dịch từ nước hoặc phân của người bệnh...Người nhiễm bệnh thường dễ có khả năng truyền vi rút cho người khác cao nhất trong vòng tuần đầu tiên
3/ Điều trị và phòng bệnh
Cho đến bây giờ vẫn chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh TCM. Các bác sĩ thường không kê đơn thuốc kháng sinh với người bệnh trừ khi có trường hợp bội nhiễm. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền cho biết:
Trần Tịnh Hiền: bởi vì không có thuốc, không có vaxin nên mình chỉ chờ đứa trẻ nó sốt, triệu chứng nổi lên thì đưa vào bệnh viện theo dõi, chờ khi nào biến chứng nặng thì điều trị nâng đỡ như thở máy, chứ không có thuốc nào điều trị chặn đứng diễn tiến đó được. Hiện người ta vẫn sử dụng huyết thanh IVIG khá nhiều. Cái này rất đắt tiền. Cũng chưa chắc hẳn là cái IVIG có kết quả, thế giới thì khuyến cáo dùng vậy nhưng cũng chưa có nghiên cứu chắc chắn nào là cái ngày có tác dụng tốt. Tuy nhiên hiện nay vẫn phải xài vì không có gì ngoài thứ đó.
Vì hiện không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh này, các bác sĩ khuyên người dân khi phát hiện bệnh, trước hết nên theo dõi tại nhà. Người bệnh có thể uống thuốc giảm sốt không kê đơn, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, sử dụng nước xúc miệng, và uống nhiều nước để tránh mất nước. Trẻ nhỏ nhiễm bệnh vẫn phải được tiếp tục cho bú sữa mẹ.
bởi vì không có thuốc, không có vaxin nên mình chỉ chờ đứa trẻ nó sốt, triệu chứng nổi lên thì đưa vào bệnh viện theo dõi, chờ khi nào biến chứng nặng thì điều trị nâng đỡ như thở máy, chứ không có thuốc nào điều trị chặn đứng diễn tiến đó đượcBác sĩ Trần Tịnh Hiền
Bởi vì chưa có vaxin phòng căn bệnh này, cách phòng bệnh tốt nhất là giữ vệ sinh cá nhân. Theo tài liệu hướng dẫn của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ, các biện pháp phòng bệnh cần phải được tuân thủ bao gồm rửa tay xà phòng, nhất là trước vào sau khi sử dụng nhà vệ sinh hoặc khi thay tã cho trẻ. Nếu không có đủ nước và xà phòng, có thể sử dụng nước rửa có cồn ở độ 60%. Người dân được khuyên luôn mang theo mình nước rửa tay chứa cồn. Các đồ dùng cá nhân, mặt bàn cũng luôn phải được làm sạch, hoặc với nước xà phòng hoặc nước chloride. Tránh tiếp xúc gần như hôn, bắt tay hoặc dùng chung đồ với người có bệnh TCM.
4/ Hy vọng vaxin phòng bệnh
Một số công ty trên thế giới đã tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm vacxin với loại bệnh này. Hồi đầu năm nay, công ty Inviragen cho biết công ty này đã thử nghiệm lâm sàng thành công giai đoạn 1 vaxin INV21 với virut tay chân miệng. Việc thử nghiệm được tiến hành trên những người lớn khỏe mạnh. 100% những người tham gia tiêm vacxin đã tăng đáng kể khả năng kháng virut EV71. Bác sĩ Paul Tambyah, người tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vacxin này cho báo chí biết kết quả của thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vacxin INV21 là rất khả quan. Những nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu này trên phạm vi thử nghiệm rộng hơn để sớm đưa vacxin này vào sử dụng để bảo vệ trẻ em có khả năng nhiễm bệnh cao ở khu vực Đông Á.
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền cho biết ở Việt Nam, một số đơn vị cũng đã lên tiếng muốn được nghiên cứu thử nghiệm vacxin phòng chống căn bệnh này. Tuy nhiên tất cả mới chỉ là bước đầu, chưa có kết quả cụ thể. Theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền thì vacxin là con đường duy nhất để kiểm soát dịch bệnh này.
Trần Tịnh Hiền: nếu đẩy mạnh làm vaxin thì cũng có được. Tôi nghĩ đó là con đường duy nhất đẩy mạnh kiểm soát bệnh, còn nếu không thì không có cách gì minh kiểm soát được hoàn toàn bệnh này.
Mặc dù chưa có vaxin phòng bệnh, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng việc phòng tránh căn bệnh TCM cũng không phải là quá khó khăn. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần phải rất cẩn thận trong vấn đề giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, vì đây là căn bệnh lây nhiễm từ người sang người, đặc biệt cần lưu ý các đỉnh điểm mùa dịch là tháng 4, 5 và tháng 9, 10 hàng năm.
For magazine only: tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại emailvietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà thân mến tạm biệt và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình thứ tư tuần tới.
Theo dòng thời sự:
- Phát động Chiến Dịch chống bệnh tay-chân-miệng
- Bộ y tế cảnh báo về các dịch bệnh đang bộc phát
- Bộ Y Tế vẫn chưa cho công bố dịch tay-chân-miệng
- Báo động bệnh tay chân miệng ở người lớn
- Dịch tay, chân, miệng làm chết 70 người tại VN
- Bệnh tay chân miệng lan rộng cả nước
- Cloramine B có thể ngừa bệnh tay chân miệng
- Trường học đóng cửa vì dịch bệnh tay chân miệng
- Dịch bệnh tay chân miệng tấn công nặng nề Đồng Nai
- Dịch bệnh tay, chân, miệng đang có diễn biến phức tạp
- Hiện có 60 tỉnh thành bị bệnh tay chân miệng hoành hành