Đài Loan bác bỏ phản đối của Việt Nam
Bộ Ngoại giao Đài Loan lên tiếng bác bỏ phản đối của Việt Nam quanh chuyến thăm tháng trước của các quan chức Đài Loan tới đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa.
Hầu hết các nước đang tranh chấp đều có sự hiện diện quân sự tại một số đảo ở Trường Sa
Bộ Ngoại giao Đài Loan nói: "Không nước nào được quyền bình luận về những hoạt động bình thường, được tiến hành trên đảo này khi Đài Loan thực thi quyền toàn vẹn lãnh thổ và quyền quản lý của mình."
Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Hồ Vị Chân đã đáp xuống hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa bằng máy bay quân sự hôm 31/8.
Cùng đi còn có Phó tổng thư ký Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Nội vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển cùng một số quan chức chính phủ.
Nhóm còn đi tham quan cả bãi cạn Bàn Than (Đài Loan gọi là Rặng Chung Châu), nằm cách đảo 3,1 hải lý về phía đông, và đã cắm cờ tại nơi này.
Chuyến đi khiến Việt Nam giận dữ.
Người phát ngôn Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm 7/9 khẳng định những hành động trên là "hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam" ở Trường Sa.
Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, do Đài Loan nắm quyền kiểm soát và gọi tên là đảo Thái Bình.
Đảo này có diện tích 0,49km2, nằm cách Cao Hùng 1.600km về phía tây nam.
Việt Nam nói đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng trái phép.
Trung Quốc và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo này.
Tuy nhiên, phía Đài Loan nhanh chóng đáp trả: "Xét từ khía cạnh lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế thì Quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) cũng như Quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Đông Sa cùng các vùng nước lân cận đều là những phần lãnh thổ không thể tách rời của Đài Loan."
"Chính phủ Đài Loan không thừa nhận hành động của bất kỳ quốc gia nào khác trong việc chiếm đóng hay tuyên bố quyền kiểm soát đối với các quần đảo này," Bộ ngoại giao tuyên bố.
Quan điểm của Đài Loan là đảo Ba Bình do Đài Loan nhận chủ quyền đầu tiên vào năm 1947 và đã hiện diện thường trực tại đây kể từ năm 1956 tới nay.
Tranh cãi
Đài Loan cũng thúc giục các nước láng giềng hãy đưa Đài Loan vào các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử tại Biển Đông.
Đài Loan nói "mong muốn hợp tác với các bên trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên" ở vùng biển này.
Chủ quyền đối với một số đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa và các bãi đá cạn - một số bãi chỉ có thể nhìn thấy khi triều xuống - đang là vấn đề tranh cãi giữa Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines.
Không hòn đảo nào có dân cư sinh sống thực sự và tất cả các nước có tranh chấp, trừ Brunei, đều ít nhiều có hiện diện quân sự tại một số đảo.
Hồi tháng Ba, Việt Nam cử một số sư sãi ra làm các nghi lễ tôn giáo tại một số chùa trên quần đảo Trường Sa.
Tranh chấp tại Trường Sa có lúc đã nổ bùng thành đối đầu quân sự.
Hồi năm 1988, một cuộc giao tranh ngắn tại bãi đá Gạc Ma (tên tiếng Anh là Johnson South Reef) giữa Trung Quốc và Việt Nam đã khiến gần 70 lính hải quân Việt Nam thiệt mạng.
Việt Nam và Trung Quốc cũng tranh cãi về quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hồi đầu năm nay đã bắt giữ một số tàu cá của Việt Nam.
Cũng hồi đầu năm nay, giữa Trung Quốc và Philippines, rồi Trung Quốc và Việt Nam, đã nổ ra những cuộc đấu khẩu gay gắt về chủ quyền ở Biển Đông liên quan tới quyền thăm dò khai thác dầu khí.
BBC - 12/09/2012 -