Kỳ án ly hôn của bà Hoàng Yến
08/04/2012
Đại biểu quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến
Phương Hà
-
Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ra phán quyết và vụ ly hôn mờ ám gây xôn xao dư luận của bà Đặng Thị Hoàng Yến cuối cùng đã bị lật tẩy. Một thẩm phán của TAND tỉnh Long An cũng đã phải trả giá bằng mức kỷ luật cảnh cáo, không được tái bổ nhiệm.
Bà Hoàng Yến ly hôn với ông Trần Jimmy (quốc tịch Mỹ) và người được phân công thụ lý giải quyết vụ án này là thẩm phán Lê Văn Lắm của TAND tỉnh Long An.
Mọi chuyện tưởng có thể đã chìm vào “bí mật đời tư” nhưng sau khi bà Hoàng Yến ứng cử đại biểu Quốc hội với những thông tin trái chiều, cơ quan chức năng cấp cao phải lật lại hồ sơ và phát hiện những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng vụ án ly hôn này.
Một phiên tòa, 2 bản án
Điều kỳ lạ đầu tiên là trong một vụ xử ly hôn nhưng có tới 2 bản án, một bản 9 trang và một bản án dài 10 trang với nội dung không giống nhau.
Cụ thể, ngày 6-10-2010, Hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Long An do thẩm phán Lê Văn Lắm làm chủ tọa đưa ra xét xử và tuyên án vụ ly hôn này. Nhưng mãi đến 3 tháng sau Viện KSND tỉnh Long An vẫn chưa nhận được bản án, dù theo quy định là trong hạn 10 ngày.
Thấy chuyện bất thường, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An phát văn bản yêu cầu thì mãi đến ngày 6-1-2011, thẩm phán Lê Văn Lắm mới gửi cho Viện KSND tỉnh Long An bản án gồm 9 trang đánh máy.
Nhưng gần 2 tuần sau đó, Viện KSND tỉnh Long An lại bất ngờ nhận thêm một bản án sơ thẩm xét xử vụ ly hôn này nữa qua đường bưu điện. Đối chiếu với bản án trước đó thì thấy cả hai đều cùng số, cùng ngày và cùng do thẩm phán Lê Văn Lắm thay mặt Hội đồng xét xử ký, nhưng về nội dung thì lại khác. Bản án nhận qua đường bưu điện có 10 trang đánh máy trong khi bản án trước đó chỉ có 9 trang. Sự khác nhau nằm ở đoạn “xét thấy” dài hơn một trang với văn phong lê thê rất khó hiểu, giống như là được copy từ bản án của nước ngoài. Xin trích một đoạn:
“Tòa án xác định các quyền xét xử công bằng của cả hai Trần Jimmy và Đặng Thị Hoàng Yến đã được tôn trọng và được thực hiện đúng theo quy trình xét xử. Trần Jimmy và Đặng Thị Hoàng Yến đều đã nhận được cơ hội để được xét xử đầy đủ và công bằng… Việc xét xử và phán quyết này được xét và xử bởi tòa án có thẩm quyền thực thi theo quy tắc luật pháp của nước CHXHCN Việt Nam. Quyền để xét xử cả hai bên đều có được đầy đủ và thích đáng, bởi vì cả hai bên đều có những liên hệ tối thiểu với nước CHXHCN Việt Nam… Tòa án không thấy có dấu hiệu gian lận bên trong hay bên ngoài việc xét xử này… Tòa án cũng thấy là Trần Jimmy đã không hề bị bất kỳ một cản trở nào để được điều trần đối chất công bằng… Tòa án được thành lập một cách hợp pháp và phù hợp”.
200 ngàn đồng án phí và khối tài sản kếch sù
Từ những tình tiết kỳ lạ trên, Viện trưởng KSND tỉnh Long An kiến nghị cấp trên xem xét lại toàn bộ bản án.
Trong kiến nghị, người đứng đầu cơ quan công tố tỉnh Long An phân tích: Trong cùng một vụ kiện, bản án cùng một số, một ngày, nhưng lại có 2 bản án với nội dung không giống nhau. Việc TAND Long An thụ lý, giải quyết vụ án trong thời gian Trần Jimmy bị khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và đang bị truy nã, nhưng tòa đã không tiến hành làm rõ để xác định tài sản chung, tài sản riêng, mà lại căn cứ vào thỏa thuận giữa bà Yến và Trần Jimmy lập trước khi kết hôn để xử giao tài sản cho các đương sự. Đặc biệt, bản án chỉ tuyên buộc bà Yến chịu 200 ngàn đồng án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm mà không xem xét tính án phí về tài sản với khối tài sản kếch sù là điều hết sức bất thường.
Ngoài ra, trong thời gian chờ tòa án giải quyết ly hôn thì ngày 5-7-2010 Trần Jimmy đã rời VN, đến 16-9-2010 thì bị Cơ quan điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, suốt quá trình giải quyết vụ án đều không có mặt Trần Jimmy.
Là thẩm phán am tường pháp luật, lẽ ra ông Lắm biết rõ Trần Jimmy vừa là bị đơn trong vụ án ly hôn, vừa là bị can trong vụ án hình sự. Thay vì vụ án dân sự phải tạm đình chỉ chờ giải quyết vụ án hình sự, vậy mà chỉ 4 ngày sau khi Trần Jimmy bị khởi tố, thẩm phán Lắm đã ký quyết định đưa vụ án ly hôn ra xét xử.
Hơn nữa, căn cứ vào sự thỏa thuận về tài sản giữa Trần Jimmy và bà Yến trước khi kết hôn ở bên Mỹ, thẩm phán Lắm đã phán quyết giao toàn bộ khối tài sản lớn cho nguyên đơn trong khi chưa làm rõ, cũng là điều bất thường.
Kỳ lạ hơn, theo biên bản phiên tòa thì “biên bản kết thúc vào lúc 11 giờ 5 phút…”, trong khi biên bản tống đạt bản án sơ thẩm cho bà Yến lại thể hiện vào lúc 11 giờ 00 phút. Nếu đúng như vậy thì TAND tỉnh Long An đã có sẵn bản án và tống đạt cho bà Yến trước khi kết thúc phiên tòa.
Kỳ cục và khôi hài
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Lê Minh Triết (Đoàn luật sư Tiền Giang) thẳng thắn: “Tôi thấy vụ này hơi kỳ cục và khôi hài. Trong lúc Jimmy Trần bị cơ quan điều tra khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì TAND Long An lại đưa vụ án ly hôn ra giải quyết và phân chia tài sản giống như một kiểu tẩu tán tài sản hợp pháp. Ngoài ra, nếu tống đạt thư mời trực tiếp 2 lần mà bà Yến không đến thì đình chỉ vụ án, vì bà Yến là nguyên đơn. Còn nếu tống đạt không thành, phải niêm yết ở xã, phường thì sau 30 ngày phải đình chỉ vụ án. Việc tòa mời bà Yến lần thứ 3, thứ 4 để xét xử lại tôi thấy hơi lạ”.