Nhiều học sinh và cô giáo mỗi ngày đối mặt với tử thần khi vượt sông để đến trường học. Lũ về hay thủy điện xả lũ, trượt chân sẽ là tai họa với cô, trò...
Vượt sông Ba
Chúng tôi chứng kiến một tốp học sinh của xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai vượt sông Ba lúc 12 giờ trưa để đến trường.
Các em khá thành thục khi xắn quần, cởi áo, vác xe đạp vượt qua sông Ba để đến trường ở thị trấn Kbang, huyện Kbang. Những nữ sinh cũng hai tay đưa cặp sách lên quá đầu, dò từng bước đi tránh đá cuội trơn nhẫy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những học sinh này đã lội sông đến trường, đối mặt với tử thần từ nhiều năm nay. Em Nguyễn Công Long, học sinh lớp 11 Trường THPT Lương Thế Vinh, có thâm niên lội sông từ 6 năm nay. Long thở hổn hển vì phải vác chiếc xe đạp khá nặng, lại phải khéo léo tránh những hòn đá cuội trơn nhẫy để qua sông, kể: "Lắm hôm có mưa đầu nguồn, nước sông chảy xiết lắm, nhưng đoạn này là cạn nhất nên chúng em cũng liều vì sợ trễ học. Có hôm lội qua sông rồi nhưng thương các em học lớp 6 qua sông nguy hiểm, chúng em phải quay lại đưa các em qua sông cho kịp giờ đến lớp...".
Chừng 30 học sinh của hai cấp THCS và THPT của xã Lơ Ku vẫn ngày ngày đánh liều lội sông Ba tìm con chữ. Cách đây chưa lâu, cả xã náo động khi hai học sinh Lê Ngọc Sơn và Nguyễn Thị Hằng, đều là học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Quý Đôn, bị nước cuốn khi lội sông về nhà lúc tan trường, may mắn cả hai được các học sinh lớp 11, 12 liều mình lao xuống kéo vào bờ.
Vượt sông đến lớp - Ảnh: Trần Hiếu |
Lũ về, ai bảo đảm tính mạng của những học sinh này - Ảnh: Trần Hiếu
|
Chuyện bị nước cuốn trôi nhưng may mắn thoát chết, hay bị trôi cặp sách, dép... trong khi vượt sông đến trường không còn là lạ. Chỉ lạ là sự thờ ơ của cơ quan chức năng huyện Kbang. Nguy hiểm hơn, có những buổi học phụ đạo ban đêm, những học sinh hiếu học vẫn vượt sông đến trường. Nhiều phụ huynh không an lòng đã cõng con mình vượt sông trong ánh đèn pin loang loáng giữa dòng sông Ba gồ ghề đá cuội, nước xiết.
Anh Nguyễn Công Minh, một phụ huynh, than thở: "Mỗi ngày con đến trường, nghe tiếng ai gọi to là tôi lại thon thót, sợ có chuyện không may. Mỗi lúc nước sông Ba lên nhanh, tôi bỏ cả việc, lội qua sông đưa con về nhà. Nhưng vì quá bận việc đồng áng nên không thể theo các cháu mỗi ngày được...". Em Nguyễn Văn Phòng thì còn tiếc hùi hụi khi nước lớn sông Ba mới đây đã cuốn luôn chiếc xe đạp mới mà bố mẹ chắt bóp tiền bán dưa hấu mua cho.
Đoạn sông mà các em học sinh hồn nhiên nói cạn, chỗ sâu phải đến gần 1,5m. Mỗi lần đến trường, Long cùng các bạn luôn trang bị sẵn một bộ quần áo hoặc chọn cách... cởi truồng! Tội là các em nữ lội sông, áo quần ướt nhem, lội qua được sông lại tất tả chui vào một lùm cây nào đó để thay. Bộ quần áo ướt được bỏ vào túi nilon đem theo vào lớp học.
Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cô Phạm Thị Kim Thu, cho biết: "Số học sinh học ở xã Lơ Ku có trên dưới 10 em. Những ngày sông Ba cạn nước hoặc thủy điện không xả lũ thì các em thường lội sông đến trường. Còn khi nào không thể vượt sông vì nước lớn, các em có thể đi đường vòng, tuy xa hơn nhưng có cầu treo đỡ nguy hiểm...".
Cách đó không xa, một cây cầu đang xây, nghe người dân quanh vùng nói là đã mấy năm nay mà chưa hẹn ngày hoàn thành. Cảnh lội sông này hy vọng sẽ không biến thành đại họa khi cơn lũ lớn của sông Ba bất thần đổ về!
Và qua sông Gianh Trong khi đó, ngày ngày, các giáo viên ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình phải lội qua dòng nước lạnh trên thượng nguồn sông Gianh để truyền dạy cái chữ cho đồng bào Mã Liềng. Từ đường Hồ Chí Minh đến bản Kè chỉ chừng hơn 3 km nhưng lại bị ngăn cách bởi con sông rộng. Không có cầu nên người dân cũng như cán bộ đi lại bằng 2 con đò gỗ. Nói là thế nhưng thực tế chẳng mấy khi đi đò bởi về mùa khô, nước sông cạn, có chỗ lòng sông thu hẹp còn khoảng 20m, nước cao hơn đầu gối nên ai cũng chọn phương án lội qua. Còn về mùa mưa lũ, nước dâng đầy cuồn cuộn càng không thể chèo đò qua được. Các giáo viên đều ở nội trú hoặc có nhà tại khu vực trung tâm xã, sáng sớm họ lội vào dạy, đến trưa lại lội về. Chúng tôi đến bản khi trời đã xế trưa nhưng thầy cô giáo và các em học sinh vẫn đang say sưa dạy học. Phòng học cấp tiểu học và mẫu giáo được tận dụng từ các phòng chức năng cũ. Đối với giáo viên dạy ở bản, việc đi lại khó khăn thì ít mà để dạy được chữ, vận động học sinh chịu khó tới lớp học và nhất là thay đổi nhận thức, suy nghĩ của 45 hộ dân Mã Liềng mới gian nan. Tại phòng học ghép của lớp 4 và 5, chỉ có thầy giáo Lê Văn Thành cùng 4 học sinh ngồi quay ngược nhau, trong đó 2 em lớp 4, 2 em lớp 5. Sĩ số lớp ghép là 8, vị chi nghỉ học một nửa. Thầy giáo Thành cho biết 2 em bị ốm, 1 em phải đi làm thay bố mẹ, còn 1 không rõ lý do. Với 17 năm thâm niên cắm bản, thầy Thành bảo: "Ngày nào cũng vậy, cứ bắt đầu buổi học là chúng tôi đến từng nhà vận động nhưng sẽ rất khó để các em đi học đầy đủ. Nhất là với các em ở độ tuổi lớn như lớp 4 và 5, vì các em là con đầu trong gia đình nên phải giúp bố mẹ gánh vác việc nhà". Giáo viên và học sinh ở bản Kè phải lội qua sông như thế này mỗi ngày - Ảnh: T.Q.N
|
Ở phòng lớp mầm non thì đầy đủ, đông vui hơn. Phụ trách lớp là cô giáo trẻ Nguyễn Thị Nguyệt, quê cách mấy chục cây số. Nguyệt tâm sự: "Sáng nào em cũng đến từng nhà gọi các cháu đi học, có khi đến không thấy các cháu đâu, hỏi thì bố mẹ lắc đầu. Trẻ con ở đây thường ra rừng hay đến các con suối để chơi, hái quả, bắt cá. Tội nhất là mùa đông rét mướt nhưng đứa nào cũng quần áo phong phanh, nước mũi nhem nhuốc. Sau khi đến lớp, được học, được bày vẽ nên các cháu đã thay đổi; giờ áo quần sạch sẽ hơn, biết chào hỏi người lớn". Học sinh bậc THCS phải qua trung tâm xã học, thành ra giáo viên và học sinh đều lội sông. Mùa mưa lũ, nước dâng cao chảy xiết cả tuần nên giáo viên không thể vào bản và học sinh cũng không ra được. Việc dạy học lại bị ngưng trệ. Lo nhất khi mưa rừng đổ về đột ngột, trong ngoài gì cũng mắc kẹt. Trưởng bản Cao Dung kể rằng từ trước đến nay mới có duy nhất một cháu học đến lớp 12. Người Mã Liềng không biết chữ là gì, trẻ con nghe nhắc đến chữ là sợ, khóc, bỏ chạy. Tuy nhiên, vừa rồi có cháu Cao Thoại (lớp 3) đi thi nói tiếng Kinh giỏi, lớp 9 thì có Cao Thị Hằng cũng học tốt. Đó là những tín hiệu vui ở xứ thâm sơn cách trở này. Trương Quang Nam |
Trần Hiếu