Nhiều năm nay, hàng VN xuất khẩu sang Trung Quốc (TQ) chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc sơ chế. Gần đây quốc gia đông dân này đang dần trở thành thị trường tiềm năng cho những đặc sản tinh chế của VN thì lại xuất hiện hàng giả.
Cà phê G7 của Trung Nguyên bán tại thị trường Trung Quốc - Ảnh: Q.T
|
Theo Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Hải Dương, nhiều sản phẩm xuất khẩu của các DN trong tỉnh có ưu thế vượt trội về giá bán so với các sản phẩm cùng loại của TQ. Chẳng hạn như cải bắp, ớt ngọt, cà chua, vải thiều sấy khô, long nhãn, bánh đậu xanh Hải Dương hiện có giá thấp hơn từ 10-15% so với các sản phẩm của TQ. Tuy nhiên, các sản phẩm mang thương hiệu Việt bị làm giả, làm nhái quá nhiều tại các khu vực cửa khẩu, đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, cũng bức xúc: "Trong thời gian gần đây chúng tôi phát hiện các sản phẩm giả mạo trái cây sấy của Vinamit tại thị trường TQ. Họ làm các loại mít sấy, trái cây sấy, sử dụng cả tên và địa chỉ công ty chúng tôi trên bao bì, giả danh công ty chúng tôi là nhà sản xuất. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công ty chúng tôi".
Theo đại diện Công ty cà phê Trung Nguyên, thị trường tiêu thụ cà phê hòa tan tại TQ rất tiềm năng, có thể thấy nhiều điểm thuận lợi, nhưng nạn làm giả sản phẩm hết sức phổ biến đang gây lo lắng cho DN. "Khi chúng tôi phát hiện ra thì lập tức nhờ đến cơ quan chức năng ở địa phương để phối hợp xử lý. Hiện nay Trung Nguyên chỉ tập trung phân phối ở hệ thống siêu thị TQ để bảo đảm không bị làm giả", đại diện công ty này cho biết.
| | Cần có cơ quan bảo vệ thương hiệu Việt Theo ông Nguyễn Lâm Viên, việc TQ làm giả hàng VN xảy ra hết sức thường xuyên và hầu hết các trường hợp đều gây thiệt hại lớn cho DN VN, thậm chí khi đi kiện cũng phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Vì vậy, bên cạnh việc DN tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nước sở tại, rất cần có các cơ quan hỗ trợ bảo vệ thương hiệu Việt tại nước ngoài, thông qua các thương vụ hoặc cơ quan ngoại giao để có tiếng nói chính thức trong các vụ xâm phạm bản quyền thương hiệu, đừng để DN tự bơi như hiện nay. | |
|
Bà Vũ Thị Thái, Tổng giám đốc Công ty CP bánh đậu xanh Quê Hương (Hải Dương), chia sẻ: "Gần 80% sản lượng bánh đậu xanh của chúng tôi là xuất khẩu sang TQ. Tuy nhiên, trước tình trạng làm giả, làm nhái tại TQ quá nhiều, ngoài các loại bánh đậu xanh truyền thống, chúng tôi phải nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm mới như bánh dành cho người bị tiểu đường, người béo phì, huyết áp cao, bánh đậu xanh hương dừa, hương sô cô la...".
Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện VN xuất khẩu sang TQ hầu hết các loại nông sản, tuy nhiên đa số đều là hàng nguyên liệu sơ chế. Các sản phẩm chất lượng cao có thương hiệu của VN xâm nhập sang thị trường này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, xu hướng sắp tới sẽ có sự thay đổi. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết: "Thị trường TQ, Hồng Kông hiện nay có nhu cầu mua gạo thơm từ VN rất lớn. Nếu như cả năm 2011 TQ chỉ nhập 250.000 tấn gạo, thì năm nay đã đăng ký 600.000 tấn gạo theo đường chính ngạch".
Trên thực tế, cà phê, mít sấy, bánh đậu… là những mặt hàng tinh chế của VN đã, đang và sắp có những kế hoạch dài hạn để xâm nhập thị trường TQ. Trong tháng 3 vừa qua, Công ty cà phê Trung Nguyên cũng đã khánh thành nhà máy chế biến cà phê hòa tan thứ 2 riêng tại Bắc Giang và không giấu giếm tham vọng chiếm lĩnh thị trường TQ. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cà phê Trung Nguyên, bày tỏ: "Năm 2010 doanh thu sản phẩm cà phê hòa tan của chúng tôi tại TQ là 25 triệu USD, đến năm 2011 đã tăng lên 50 triệu USD. Với việc đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Bắc Giang, chúng tôi đã định hướng TQ là thị trường xuất khẩu chính, mục tiêu của chúng tôi đến năm 2014 là lấy của mỗi người TQ 1 USD mỗi năm".
Quang Thuần