THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 April 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh


2012-04-08

Trả lời báo Wall Street Journal nhân khi tham dự thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, Kampuchia, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ đẩy mạnh kế hoạch cải tổ các doanh nghiệp quốc doanh đang bị các tổ chức thẩm định quốc tế hạ mức tín nhiệm vì sự cồng kềnh, yếu kém và bất ổn của nó khiến đồng bạc Việt Nam liên tục bị mất giá.

Courtesy Doanhnhanvn.dvt

Tập đoàn Sông Đà (ảnh minh họa)

Thanh Trúc có bài chi tiết.

Trong cuộc phỏng vấn với thủ tướng Việt Nam, phóng viên James Hookway của báo Wall Street Journal đã đề cập đến sự kiện khu vực quốc doanh của Việt Nam có nhiều bất ổn, tạo áp lực nặng nề lên đồng nội tệ đã liên tục bị mất giá từ trước.

Vẫn theo báo Wall Street Journal, kinh tế Việt Nam, trên đà bùng phát một thời, đã gặp khá nhiều thách thức vài năm trở lại đây, trong đó một phần lớn do tình trạng nợ nần trong khu vực quốc doanh vốn đang nắm giữ 40% GDP cả nước.

Dưới mắt giới đầu tư nước ngoài, cuộc khủng hoảng Vinashin không chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên các doanh nghiệp nhà nước mà còn tạo cái nhìn không mấy lạc quan từ bên ngoài vào hiện tình kinh tế Việt Nam.

Kém hiệu quả

Nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình trước  tòa ngày 27 tháng 3, 2012
Nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình trước tòa ngày 27 tháng 3, 2012. AFP
Trả lời những câu hỏi này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Hà Nội đang tập trung vào vấn đề cải cách kinh tế nhà nước, qua đó xác định phạm vi và qui mô của khu vực doanh nghiệp quốc doanh trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đồng thời đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa để đa dạng hóa quyền sở hữu các doanh nghiệp nhà nước.

Về hiện tình khu vực quốc doanh mà ông Nguyễn Tấn Dũng gọi là khu vực kinh tế nhà nước, tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính trong nước, nhận định:

"Thực trạng hiện nay của doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam và nói chung của các nước là làm ăn kém hiệu quả. Chính vì vậy nhà nước đã chủ trương cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua hình thức cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa từ trước đến nay đã đề ra nhưng mà tiến hành rất chậm.

Đặc biệt cái hậu quả Vinashin là một doanh nghiệp nhà nước thì rất là lớn. Vì làm ăn thua lỗ cho nên làm mất uy tín của các doanh nghiệp quốc doanh. Chính vì vậy mà thủ tướng lần này phải cương quyết để tiến trình cải cách sẽ khẩn trương và quyết liệt hơn."

Từ trước tới giờ, ông Ngô Trí Long nói, nhà nước vẫn xác định quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Thế nhưng nếu cứ ôm mãi quan điểm đó thì sẽ phải chịu những hệ lụy nhất định:

Bởi hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh thì hiệu quả rất yếu kém. Hiệu quả yếu kém là do thể chế do cơ chế. 

Ô. Ngô Trí Long

"Bởi hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh thì hiệu quả rất yếu kém. Hiệu quả yếu kém là do thể chế do cơ chế. Yếu kém thứ hai của nó cũng do xuất phát từ yêu cầu của nhà nước là những ngành mà tư nhân không làm được thì buộc nhà nước phải đảm bảo vấn đề an ninh, vấn đề quốc phòng, vấn đề an sinh xã hội, vấn đề xã hội… thì nhà nước phải đầu tư vào những doanh nghiệp nhà nước. Chính vì vậy mà hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước rất thấp và rất hạn chế.

Thế thì với cái xác định trước nay là vai trò chủ đạo, có nghĩa là giữ vị trí thống soái, một anh thống soái mà làm ăn không hiệu quả thì chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Hầu như tất cả doanh nghiệp quốc doanh làm ăn không có hiệu quả, phải nói như thế. Cho nên quan điểm cá nhân tôi cho rằng phải xác định lại xem nó có giữ đúng vị trí chủ đạo hay không hay chỉ giữ vai trò định hướng để giải quyết những vấn đề then chốt nào của nền kinh tế quốc dân thôi.

Tôi nghĩ vấn đề này còn phải bàn luận rất nhiều. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì không chỉ ở Việt Nam mà bất cứ nước nào trên thế giới thường quốc doanh làm ăn không có hiệu quả. Từ cái hậu quả của Vinashin thì đã nhìn thấy vấn đề nhãn tiền rồi, cho nên chính phủ phải quyết tâm tiến hành nhanh, cương quyết và mãnh liệt."

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn cho biết chính phủ sẽ tái khởi động các kế hoạch cổ phần hóa đang bị trì chậm. 

Sân chơi bình đẳng

vinashin-250.jpg
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam Vinashin. RFA photo.
Mặt khác, vẫn theo lời ông, một sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư với khu vực công là một trong những mục tiêu chính của tiến trình tái cơ cấu kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Xã Hội ở Hà Nội, phân tích:

"Trước hết cần khẳng định những điều thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói mà đài vừa nêu là những điều thực ra không có gì mới. Lãnh đạo Việt Nam cũng như giới khoa học và giới doanh nhân thực ra cũng đã bàn về vấn đề này. Văn kiện đại hội của đảng cũng như các cương lĩnh phát triển đất nước và các chỉ đạo khác của chính phủ hay của nhà nước đã khẳng định điều đó.

Tóm lại có mấy điểm, một là Việt Nam sẽ đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt tập trung trong thời gian tới là tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước đang đóng vai trò quan trọng cũng như tiêu tốn khá nhiều nguồn lực của đất nước mà hiệu quả chưa được như mong muốn.

Cái thứ hai, trong định hướng tái cấu trúc và điều chỉnh khu vực nhà nước thì có hai hướng rõ rệt. Hướng thứ nhất, với doanh nghiệp nào kinh doanh vì lợi nhuận thì sẽ đặt ngang với các doanh nghiệp tư nhân khác xét về môi trường kinh doanh, tức phải tham gia các điều kiện cạnh tranh, các yếu tố đầu vào như là các doanh nghiệp tư nhân, giảm thiểu các ưu đãi mà cho đến nay họ đã nhận được. Đây là một trong những định hướng thuốc về nguyên tắc và rất quan trọng.

Định hướng thứ hai là giảm bớt các hoạt động đa ngành, các tập đoàn lớn là chỉ tập trung vào những lãnh vực được giao nhiệm vụ chứ không được phép đầu tư đa ngành theo kiểu chụp giật và kiểu tranh thủ cơ hội như trước đây.

Tuy nhiên một điểm cần nhấn mạnh là ngay cả những dự án công ích thì năm tới cũng sẽ đảm bảo tính cạnh tranh cao hơn, cho phép doanh nghiệp tư nhân cùng cạnh tranh để có được những dự án như vậy và triển khai những dự án như vậy chứ không chỉ thầu trong riêng khu vực nhà nước.

TS Nguyễn Minh Phong

Và thứ ba, những dự án cổ phần hóa, đang bị đình hoãn do một loạt kỹ thuật, ví dụ như chưa tính được giá đất hoặc do chờ đợi quá trình tái cấu trúc vân vân… thì sẽ được đề cao hơn để mà giảm nhanh hơn tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước trong khu vực doanh nghiệp của đất nước, nói chung là giảm bớt kinh tế nhà nước trong nền kinh tế, đặc biệt trong khu vực kinh doanh vì lợi nhuận. Đấy là những điểm tôi cho là đúng mà Việt Nam cần làm nhanh hơn và tốt hơn."

Với câu hỏi liệu sẽ có một sân chơi bình đẳng thực sự giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước hay không trong thời điểm chính phủ vẫn đang tập trung vào vấn đề xác định pham vi và qui mô của nền kinh tế nhà nước, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong giải thích:

"Cách nói của thủ tướng Dũng trong điều kiện chưa được dẫn giải sâu thì có thể hiểu không hết. Tôi cho rằng đây là một trong những cách diễn đạt để khẳng định là trong năm tới các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp nhà nước trong nhiều lãnh vực, kể cả lãnh vực sử dụng ODA, sử dụng ngân sách nhà nước cho đầu tư các dự án công, cũng như các điều kiện tiếp cận đầu vào thí dụ đất đai,cơ sở hạ tầng, tín dụng… sẽ đặt trong một sự cạnh tranh bình đẳng chứ không còn được ưu ái như trước đây. Đây là một điểm rất quan trọng, buộc các doanh nghiệp kinh doanh phải đảm bảo tính hiệu quả.

Thế còn đương nhiên phải có sự phân biệt tương đối công bằng, doanh nghiệp nhà nước hơn hẳn doanh nghiệp tư nhân ở một số lĩnh vực. Ví dụ có những lãnh vực hoạt động không vì lợi nhuận thì rất khó xác định hiệu quả, rất khó xác định sự công bằng sự cạnh tranh ở đây, mà là có những dự án buộc doanh nghiệp nhà nước phải làm vì chỉ đạo của chính phủ cho những mục tiêu an sinh xã hội."

Dưới mắt tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng nghiên cứu thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội, có hai nhóm mục tiêu phải đặt ra trong cơ chế nhà nước năm tới. Một là nhóm mục tiêu vì lợi nhuận thì chắc chắn các doanh nghiệp phải cạnh tranh bình đẳng với nhau. Hai là mục tiêu phi lợi nhuận thì có những tiêu chí và có thể có những cơ chế tương đối khác để đánh giá, quản lý cũng như đo lường các hiệu quả:

"Tuy nhiên một điểm cần nhấn mạnh là ngay cả những dự án công ích thì năm tới cũng sẽ đảm bảo tính cạnh tranh cao hơn, cho phép doanh nghiệp tư nhân cùng cạnh tranh để có được những dự án như vậy và triển khai những dự án như vậy chứ không chỉ thầu trong riêng khu vực nhà nước. Tôi cho rằng đây là điểm rất mới và rất quan trọng."

construction-250.jpg
Một công trình xây dựng ở Hà Nội. Hình chụp vào tháng 3 năm 2012. RFA photo.
Tưởng cần biết từ cuối 2011 đến nay, nhiều công ty quốc tế có uy tín chuyên thẩm định mức độ đáng tin cậy trong kinh doanh ở các nước như Fitch Ratings, Standard & Poors và Moody's Investors Service chẳng hạn, đã hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam xuống. Còn theo báo Wall Street Journal, sự kiện công ty quốc doanh Vinashin vỡ nợ và trên bờ vực phá sản là nguyên nhân gián tiếp của sự mất giá đồng bạc, đẩy mức lạm phát có lúc lên đỉnh 28% như hồi tháng Tám 2011.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho là các tổ chức thẩm định uy tín kinh doanh trên thế giới có cách đánh giá riêng của họ mà Việt Nam tính cho đến giờ cơ bản vẫn không chấp nhận những sự đánh giá đó:

"Chúng tôi tôn trọng những sự đánh giá này, tuy nhiên không phải vì thế mà có sự nhìn nhận sai về bản chất đánh giá hay tín nhiệm của Việt Nam. Hiện tượng một vài công ty nhà nước hoặc một vài công ty tư nhân bị hạ mức tín nhiệm dĩ nhiên có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư hay cách nhìn của nước ngoài vào Việt Nam, thì còn tùy theo quan điểm của từng nhà đầu tư cũng như cái sự kiện mà các tổ chức đánh giá căn cứ vào đấy.

Chúng tôi vẫn cho rằng có thể năm tới sẽ có những sự điều chỉnh và nên có sự điều chỉnh nhất định trong việc nhà nước bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước vay nợ nước ngoài. Để giảm bớt cái hệ lụy liên quan tới uy tín hoặc là tín nhiệm của nhà nước trong con mắt quốc tế thì các doanh nghiệp quốc doanh khi vay nợ của nước ngoài bị buộc phải tự chịu trách nhiệm và giảm bớt cái hoạt động bảo lãnh của nhà nước. Với tinh thần đấy tôi tin rằng các tổ chức quốc tế cũng sẽ không gắn tín nhiệm của doanh nghiệp nhà nước đấy với tín nhiệm của nhà nước Việt Nam nói chung."

Trả lời báo chí tại Phnom Penh, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trong tiến trình tái cơ cấu và đẩy mạnh cổ phần hóa thì chỉ một số doanh nghiệp nhà nước được giữ lại. Bên cạnh đó, ông còn khẳng định chính phủ đang hướng tới các biện pháp giải quyết những thách thức hiện hữu trong một số doanh nghiệp quốc doanh khác.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.