Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-04-20
Chưa khi nào báo chí Việt Nam và các chuyên gia lại ráo riết truy tìm kẻ tội đồ gây ra điều gọi là “Vòng xoáy đình trệ-lạm phát” như thời gian gần đây.
Sai lầm chiến lược?
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Đỗ Chí được Thời báo Kinh tế Saigon Online trích lời hôm 19/4 nhận định rằng, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã phải thay đổi 180 độ về chính sách kinh tế vĩ mô ba bốn lần. Lý do là nền kinh tế đã mất đi cân bằng vĩ mô. Theo lời nhân vật từng có thời gian là chuyên gia kinh tế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, từ 2007 đến nay, Chính phủ luôn thay đổi mục tiêu vì kế hoạch phát triển dài hạn không đúng.
Tuy tránh dùng từ sai lầm chiến lược nhưng ông Phạm Đỗ Chí cho là cần sửa chữa căn bản chiến lược kinh tế, ông cũng đề nghị phải đề cao vai trò chủ đạo của khu vực tư nhân và phải khuyến khích nông nghiệp nông thôn hơn nữa vì đó chính là trụ đỡ cho nền kinh tế.
Đề nghị của ông Phạm Đỗ Chí có thể được mô tả là đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước khi mà Hiến pháp 1992 xác định khu vực doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng chủ đạo nền kinh tế.
Hệ lụy của vòng xoáy chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế mà Việt Nam phải đối mặt trong suốt 5 năm qua là hệ lụy của đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, và đầu tư của nhà nước quá lớn nhưng không mang lại hiệu quả tương xứngông Tomoyuki Kimura/SaigonTimes
Trước chuyên gia Phạm Đỗ Chí, TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhận định là, đã xuất hiện xu hướng nguy hiểm rất khó thoát ra, là vòng xoáy đình trệ-lạm phát mà nền kinh tế Việt Nam lâm vào. Trong cùng một bài báo trên SaigonTimes Online, ông Tomoyuki Kimura giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu á tại Việt Nam được trích dẫn: “Hệ lụy của vòng xoáy chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế mà Việt Nam phải đối mặt trong suốt 5 năm qua là hệ lụy của đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, và đầu tư của nhà nước quá lớn nhưng không mang lại hiệu quả tương xứng.”
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp ở Hà Nội trong dịp trả lời chúng tôi đã phát biểu:
“Điểm rõ nhất ở Việt Nam là vai trò còn quá lớn của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế, kể cả các họat động kinh doanh. Ví dụ nhìn sang các nước xung quanh, thì không ở nước nào nhà nước lại chiếm lượng lớn trong đầu tư, tỷ trọng cao trong đầu tư như ở Việt Nam, hay không ở đâu có lượng doanh nghiệp nhà nước lớn và sử dụng nguồn lực quá lớn của đất nước như ở Việt Nam.”
Một người có nhiều kinh nghiệm trong thời kỳ Việt Nam bắt đầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương mại nhiệm kỳ 1992-1997 nói với chúng tôi:
Điểm rõ nhất ở Việt Nam là vai trò còn quá lớn của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế, kể cả các họat động kinh doanh. Ví dụ nhìn sang các nước xung quanh, thì không ở nước nào nhà nước lại chiếm lượng lớn trong đầu tư, tỷ trọng cao trong đầu tư như ở Việt Nam...Bà Phạm Chi Lan
“Quốc doanh cũng có mặt tích cực nhưng những cái quốc doanh sơ hở gây ra nhiều sự sụp đổ cho nền kinh tế là có rất nhiều chứ không phải ít. Nhiều người không tán thành không đồng tình với cái gọi là sự vun xới quá mức cho quốc doanh mà để nó làm ăn chạy theo lợi nhuận cá nhân, bản thân tập thể của mình mà coi nhẹ lợi ích của cả xã hội hay lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác. Điều này quả là có như thế.”
Cùng một đề tài vòng xoáy đình trệ-lạm phát, Báo điện tử VnEconomy mô tả lạm phát cao là một nỗi ám ảnh của người Việt Nam, theo đó trong vòng 8 năm từ năm 2004 đến 2011, chỉ số vật giá CPI tăng gấp 2,6 lần và đồng tiền mất giá tới 61%. Còn nếu tính trong vòng 5 năm từ 2007 đến 2011 thì CPI tăng 89,8%, đồng tiền mất giá 47,3%.
Như các chuyên gia mà chúng tôi đã trích dẫn lúc đầu, Việt Nam gần như loanh quanh trong vòng xoáy đình trệ-lạm phát, khi giảm được lạm phát thì xảy ra trì trệ sản xuất, khi tìm cách cởi trói tín dụng tăng vốn cho khu vực sản xuất thì lại đẩy lạm phát cao trở lại.
Nhiều người không tán thành không đồng tình với cái gọi là sự vun xới quá mức cho quốc doanh mà để nó làm ăn chạy theo lợi nhuận cá nhân, bản thân tập thể của mình mà coi nhẹ lợi ích của cả xã hội hay lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác. Điều này quả là có như thếông Lê Văn Triết
Theo nhận định của chuyên gia Phạm Đỗ Chí trên Saigon Times Online, khi chính phủ áp dụng chính sách giảm tổng cầu, thì đương nhiên sẽ làm tăng hàng tồn kho, giảm chỉ số tăng trưởng bán lẻ, làm doanh nghiệp phá sản và thất nghiệp gia tăng. Sau khi phải đối phó lạm phát cao, nay chính phủ phải tập trung lo về đình đốn sản xuất. Đình trệ sản xuất bắt đầu từ quí 4 năm ngoái kéo dài đến nay là cái giá phải trả.
Hai năm trở lại đây, trên báo chí Việt Nam xuất hiện nhiều bài phân tích tình trạng khu vực kinh tế nhà nước với các tập đòan, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, nhưng ít có những qui kết thẳng thừng là khu vực doanh nghiệp Nhà nước với vai trò chủ đạo nền kinh tế lại chính là nguồn gốc của áp lực lạm phát cao, cũng như mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Giải pháp lâu dài
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Đỗ Chí nhận định trên Thời báo kinh tế Saigon Online, chính sách tài khóa với chi tiêu công quá cao đã gây ra áp lực lên chính sách tiền tệ trong suốt những năm qua và gây ra áp lực lạm phát. Theo vị cựu chuyên gia kinh tế của IMF thì lạm phát đích thực là do chính sách tài khóa quá nới lỏng trong thời gian dài. Chính phủ đã theo đuổi chính sách đầu tư công mạnh, bằng chứng là tỷ lệ đầu tư công của Việt Nam lên tới 42% GDP, mức cao thứ nhì châu Á chỉ sau Trung Quốc. Việt Nam loan báo giảm đầu tư công trong năm 2011 và tiếp tục trong năm nay nhưng thực tế chưa giảm được bao nhiêu. Vẫn theo chuyên gia Phạm Đỗ Chí thay đổi cơ cấu bằng nỗ lực giảm đầu tư công khuyến khích đầu tư tư nhân là bài thuốc chữa lạm phát trong lâu dài.
...theo chuyên gia Phạm Đỗ Chí thay đổi cơ cấu bằng nỗ lực giảm đầu tư công khuyến khích đầu tư tư nhân là bài thuốc chữa lạm phát trong lâu dài.
Chúng tôi xin thêm rằng, khu vực doanh nghiệp nhà nước nắm giữ tới 65% tài sản cố định của quốc gia. Hiệu quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước rất thấp mặc dù được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Thống kê năm 2009 cho thấy, để tạo ra 1 đồng doanh thu doanh nghiệp nhà nước phải cần 2,2 đồng vốn, trong khi khu vực tư nhân chỉ cần 1,2 đồng vốn và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cần 1,3 đồng vốn. Đó chỉ là nói tới vấn đề hiệu quả thấp trong đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, chưa nói tới những vụ vỡ nợ phá sản, nhà nước phải gánh đỡ như Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin làm thất thoát 84 ngàn tỷ đồng tương đương hơn 4 tỷ USD.
Ông Lê Trọng Nghi chuyên gia tài chính độc lập ở Saigon cho rằng điều quan trọng là phải tìm hiểu đúng nguyên nhân của lạm phát để giải quyết, chứ không phải là cứ loay hoay trong vấn đề tăng giảm lãi suất ngân hàng. Về triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô của Việt nam trong tương lai gần, ông Lê Trọng Nghi phát biểu:
Tôi nghĩ rằng không tích cực lắm. đúng ra vấn đề này phải nhìn lại thời kỳ 2007 hay trước đó nữa chứ không phải bây giờ. Cho nên vấn đề bây giờ đặt ra là khó, tôi không tin rằng vấn đề kiềm chế lạm phát với những hành vi hay những tác động bây giờ là khả thi được, thực hiện được trong bối cảnh này.Ông Lê Trọng Nghi
“Tôi nghĩ rằng không tích cực lắm. đúng ra vấn đề này phải nhìn lại thời kỳ 2007 hay trước đó nữa chứ không phải bây giờ. Cho nên vấn đề bây giờ đặt ra là khó, tôi không tin rằng vấn đề kiềm chế lạm phát với những hành vi hay những tác động bây giờ là khả thi được, thực hiện được trong bối cảnh này.”
Trên Thời báo kinh tế Saigon Online, chuyên gia Phạm Đỗ Chí nhận định rằng, chương trình cải cách kinh tế ba điểm gồm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại, đã bắt đầu trả lời được những yếu kém cơ bản của kinh tế Việt Nam. Nhưng theo ông, vấn đề thực hiện các chính sách này phải mất nhiều thời gian và cần nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Phạm Đỗ Chí kiên định với khuyến cáo của mình, ưu tiên số một vẫn là phải nâng cao hiệu quả của nền kinh tế bằng cách nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, vì đó mới chính là động lực dẫn dắt nền kinh tế ra khỏi tình trạng hiện nay.
Theo dòng thời sự:
- Giảm lãi suất-Cứu bất động sản-Gỡ nợ xấu
- Doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn như thế nào?
- Ngân hàng nhà nước: Động cơ nào sau công cụ lãi suất?
- Hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể
- Tái cấu trúc kinh tế: Quá nhiều rào cản
- TT Nguyễn Tấn Dũng: tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh
- Sai phạm tại các tập đoàn kinh tế và các nhóm lợi ích
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4% trong quý 1