THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 March 2012

Thừa nhận huyện tiêu hủy “nhầm” nhưng dân vẫn không được đền bù

Ngày 23/3, TAND tỉnh TT-Huế đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ “Chính quyền tiêu hủy “nhầm” 2ha tôm của dân”. Dù bị đơn là huyện Phú Lộc và TAND tỉnh xác nhận có việc tiêu hủy nhầm song kết quả vẫn là không bồi thường cho bị đơn.

Phiên tòa diễn ra với sự đối chất khá căng thẳng của nguyên đơn - anh Nguyễn Xuân Hòa (SN 1974, trú xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc) cùng với 2 luật sư bảo trợ là luật sư Hồ Văn Hồng (VP Luật sư Phụng Công, TPHCM) và luật sư Lê Minh Tâm (VP Luật sư Hướng Dương, tỉnh Quảng Bình); bị đơn là UBND huyện Phú Lộc với người đại diện cho huyện là ông Nguyễn Đình Phú, chánh thanh tra huyện.
Dân trí đã từng theo dõi vụ việc này với 2 bài viết. Gần nhất là bài Tòa bác đơn kiện của nông dân vì “không có cơ sở” đăng tháng 10/2011. Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 23/3, tòa chỉ tập trung làm rõ việc bồi thường tôm đã tiêu hủy sai của UBND huyện Phú Lộc đối với ông Hòa. Trước đó ông Lê Trường Lưu, PCT UBND tỉnh TT-Huế đã ký quyết định yêu cầu huyện Phú Lộc tổ chức xác định mức độ thiệt hại để đền bù vì đã cưỡng chế tiêu hủy toàn bộ số tôm thẻ chân trắng và tôm sú của ông Nguyễn Xuân Hòa.
Bị đơn đưa ra các nhân chứng để xác định trước khi đoàn kiểm tra của huyện (gồm 40 người) đến đổ thuốc độc vào hồ tôm của anh Hòa, nguyên đơn đã cho người này đến lấy tôm chân trắng từ hồ ra để bán cho ông Tịnh. Phía vợ ông Tịnh (ông Tịnh vắng mặt) tại tòa cũng xác nhận việc đã thanh toán tiền từ mua tôm chân trắng cho gia đình anh Hòa. Từ đó bị đơn cho rằng khi đến tiêu hủy thì tôm trong hồ của anh Hòa chỉ còn ít, vài chục kg.
Ngược lại, phía nguyên đơn, anh Nguyễn Xuân Hòa bức xúc khẳng định không hề bán tôm trước lúc đoàn cưỡng chế tới. Anh Hòa khẳng định các nhân chứng trên đã bị huyện Phú Lộc và công an huyện ép buộc để phải đi làm chứng cho việc “không thể có” này.

2 vợ chồng anh Hòa, chị Quyến tại phiên tòa phúc thẩm đòi bồi thường việc tiêu hủy tôm sai của UBND huyện Phú Lộc

Tòa hỏi căn cứ vào đâu mà nguyên đơn cho là đã chết 85 vạn con tôm trắng và 15 vạn con tôm sú, anh Hòa đưa ảnh chụp sau 2 ngày tôm chết nhưng không được chấp nhận vì tòa cho rằng ảnh không có công văn xuất trình chứng minh là chụp vào thời điểm đó.
Ông Trần Y, người dân ở sát hồ tôm anh Hòa, cũng cho biết có thấy tôm chết nổi đỏ cả 10 hồ nuôi với diện tích 2ha của anh Hòa. Số tôm chết đó chỉ thấy ở trên mặt chứ dưới nước còn một lượng lớn nữa.

Tôm nuôi bị chết ở hồ anh Hòa sau khi bị huyện tiêu hủy sai quy định. Tấm ảnh này không được Hội đồng xét xử công nhận vì "thiếu cơ sở pháp lý"

Dù cũng thừa nhận việc tiêu hủy tôm là sai nhưng cuối cùng, bị đơn khẳng định không bồi thường đồng nào cho anh Hòa vì không có chứng cứ. Luật sư Tâm nói “Tôi đã làm nghề hơn 15 năm nay và khẳng định có thiệt hại. Vậy mà huyện Phú Lộc cuối cùng vẫn không chịu đền bù cho người dân. Chúng tôi tuy đã không có bằng chứng cân, đếm cụ thể nhưng đền bù cho dân là điều hợp lẽ”.
Cũng theo luật sư Hồng, UBND huyện Phú Lộc đã làm biên bản thống kê số lượng tôm thực tế vào thời điểm cưỡng chế nhưng không có số lượng cụ thể bị tiêu hủy, điều này cũng đã được nói đến ở phiên tòa sơ thẩm nhưng đến nay không được làm kỹ.
“Tỉnh TT-Huế đã có công văn yêu cầu huyện Phú Lộc giải quyết, đây là một điểm lợi thế cho người nông dân khi tỉnh đã nhìn ra cái sai của huyện. Nhưng cuối cùng huyện vẫn phủi bay mọi trách nhiệm và không chịu đền cho dân. Từ 1 người làm ăn khấm khá, đóng góp cho địa phương, giờ phải cùng gia đình vô gia cư sống chui nhủi ở đất khách quê người làm thuê kiếm sống qua ngày. Nếu tòa không làm kỹ việc này thì người dân còn tin tưởng vào ai được nữa” - luật sư Hồng cho ý kiến.

Luật sư Hồ Văn Hồng cho rằng tỉnh đã nhìn thấy cái sai của huyện thì huyện phải tìm hướng đền bù cho dân.

Ngoài ra, đại diện VKSND tỉnh cũng khẳng định huyện có tiêu hủy tôm của anh Hòa, nhưng việc anh Hòa đòi số tiền bồi thường trên 3 tỷ là quá cao, cần phải xem xét lại.
Phía TAND tỉnh cũng thừa nhận huyện Phú Lộc nói tiêu hủy tôm không gây thiệt hại là không đúng. Tuy nhiên vì chứng cứ của anh Hòa không có cơ sở pháp lý nên nếu phía huyện không đồng tình chuyện đền bù thì tòa cũng không có cơ sở xem xét.
Từ nhiều điểm trên, kết thúc phiên tòa, ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tọa phiên tòa đã đọc quyết định về việc không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Xuân Hòa và giữ nguyên án sơ thẩm như TAND huyện Phú Lộc đã tuyên trước đó. Kết quả, dù bị tiêu hủy tôm nhưng ông Hòa không được bồi thường đồng nào. Bên UBND huyện Phú Lộc dù thừa nhận tiêu hủy tôm sai quy định nhưng cũng không phải bồi thường cho dân.
 
Ông Hòa rời tòa với hai hàng nước mắt, cho biết sẽ đi đến cùng và sẽ gửi đơn lên Tòa án nhân dân tối cao để làm rõ nỗi uất ức mà gia đình đang phải gánh chịu.

Nỗi buồn của vợ chồng người nông dân khi bị bác đơn kháng cáo.

Đại Dương