Việt-Long, RFA
Một phái đoàn quân sự của Philippines đi Washington hồi tuần trước, ký thoả thuận cho Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á. Việc này có ý nghĩa gì đối với tình hình an ninh quanh biển Đông, và phản ứng của Trung Quốc ra sao?
Tăng cường hiện diện
Báo Washington Post loan tin hôm thứ năm, 26 tháng 1- 2012, về cuộc thảo luận giữa Philippines với Hoa Kỳ quanh vấn đề Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á.
Hai ngày sau, hôm thứ bảy, tin AP dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gazmin Voltaire từ Manila cho biết Mỹ và Philippines đang thảo luận tìm cách gia tăng số lượng và tầm cỡ của những cuộc tập trận chung, nhưng không thiết lập căn cứ Mỹ trên lãnh thổ Philippines. Hiến pháp 1987 của Philippines cấm quân ngoại quốc hiện diện thường xuyên. Thoả ước này của hai nước xử trí vấn đề đó ra sao?
Trươc hết diễn tiến và kết quả hội nghị quân sự này hoàn toàn phù hợp với chiến lược quân sự của Mỹ trong tương lai. Chiến lược ấy đã được Tổng thống và các Bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao của Hoa Kỳ quảng bá nhiều lần từ một năm nay. Đó là chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, coi châu Á là địa bàn chiến lược trọng yếu, trong khi vẫn không giảm mối quan tâm tới Trung Đông.
Trên thực tế quân đội Mỹ đã rời Iraq và đang thực hiện kế hoạch dứt khỏi Afghanistan vào năm 2014, trong khi Mỹ và đồng minh nói đến kế hoạch sẽ đồn trú 2500 thuỷ quân lục chiến Mỹ tại Darwin ở bắc Úc từ 2016-2017, hạm đội 7 cho chiến hạm lui tới thường xuyên ở Singapore, chưa kể sự gia tăng hoạt động hải quân với nhiều nước châu Á.
Hôm qua, thứ tư đầu tháng này, Hoa Kỳ và Singapore lại vừa ký hiệp ước tăng cường quan hệ ngoại giao, và ngoại trưởng Singapore tuyên bố sự can dự của Hoa Kỳ vẫn là trụ cột và nền móng cho hoà bình và thịnh vượng của châu Á. Vì thế có thể nói diễn tiến trong hội nghị Mỹ-Philippines hoàn toàn ăn khớp với kế hoạch được bàn thảo với Philippines.
Tóm tắt nội dung thoả hiệp. Philippines và Mỹ sẽ thực hiện những cuộc tập trận chung quy mô lớn hơn và thường xuyên hơn, dựa theo thoả ước quân sự song phương 1999 mà nay có thể gọi là thoả ước mở rộng. Philippines dành cho lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương những vị trí để tàu bè, phi cơ lui tới nhưng không đóng căn cứ thường xuyên. Hoa Kỳ cũng sẽ cung cấp môt số chiến cụ, vũ khí cho Philippines.
"Vị trí" và "căn cứ"
Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương đô đốc Robert Willard từng nói lực lượng quân sự Mỹ phải có một mạng lưới những "vị trí" gần thuỷ lộ Đông Nam Á để thay nhau lui tới, ông nói chữ "places" thay vì "bases" để tránh bị hiểu là những căn cứ cố định cho quân Mỹ, có tính cách thường xuyên.
Philippines muốn có thêm một tàu tuần duyên, một phi đội chừng 15 tới 18 chiếc F-16 phản lực chiến đấu cùng nhiều vũ khí khác. Philippines nói là đang nghiên cứu đề nghị của Mỹ muốn cho phi cơ tuần thám hoạt động ở biển Đông, dựa vào Philippines làm vị trí xuất phát. Tại Mamila, Bộ trưởng quốc phòng
Philippines nói với báo chí: không có lực lượng ngăn đe của Mỹ thì Phi dễ bị xâm lấn lãnh hải.
Rõ ràng Manila đang chơi lá bài Washington để Bắc Kinh nể mặt đôi chút. Hoa Kỳ cũng dựa vào đó để tăng cường vị thế quân sự ở châu Á. Trước những diễn tiến đó, Bắc Kinh vẫn không lên tiếng. Cho đến hôm chủ nhật mùng 1 tháng 2. Bắc Kinh chỉ nhỏ nhẹ nói là Trung Quốc hy vọng rằng các bên liên quan sẽ nỗ lực thêm nữa cho hoà bình và ổn định trong khu vực.
Ngược lại, tờ Hoàn cầu Thời báo, dưới quyền chủ quản của Nhân dân nhật báo của Bắc Kinh, đã đòi Trung Quốc phải trừng trị Philippines về kinh tế, với lý do là Manila đã kêu gọi lực lượng quân sự Mỹ kéo vào biển Đông trong kế hoạch be bờ cô lập Trung Quốc. Vì sao hai quan điểm cùng phát xuất từ Bắc Kinh lại trái ngược như vậy?
Trước hết, trên mặt chính thức, Trung Quốc lần này phải tỏ thái độ nước lớn ngang hàng với Mỹ, không cần chú ý những chuyện đang diễn ra ở Manila và Washington, coi đó như chuyện nhỏ không đáng chấp.
Qua những lần đụng chạm gần đây nhất với Philippines ta cũng thấy thái độ chừng mực của Bắc Kinh. Bắc Kinh làm như vậy để tránh bị lên án như trước đây là lúc nào cũng hùng hổ bắt nạt nước yếu ở Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc lại phản đối, hay có phản ứng gay gắt, thì đúng là bị chạm nọc khi người ta tỏ ra chống hành vi bá quyền nước lớn.
Vả lại có gay gắt cũng không thay đổi được tình thế, một khi Mỹ đã nhất quyết tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á với bất cứ giá nào. Thêm vào đó Mỹ cũng đã từng xoa dịu Bắc Kinh về việc chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á. Bắc Kinh có chịu nghe hay không thì cũng không thay đổi được gì.
Về Hoàn Cầu thời báo, đó là tờ báo dưới quyền chủ quản của báo Nhân dân, có hai ấn bản Anh ngữ và Hoa ngữ. Báo khổ nhỏ, phát hành tại Bắc Kinh và Thượng hải, ấn bản internet được coi trên khắp thế giới.
Báo này khá phổ biến trong giới truyền thông và giới quan sát chính trị quốc tế, sau khi ra mắt trong chiến dịch quảng bá mọi phương tiện truyền thông tuyên truyền của Trung Quốc trên thế giới, một chiến dịch tốn kém tới 6 tỉ rưỡi đô la . Nhiều người Trung Quốc trong nước cũng đọc bản Anh ngữ.
Một cách "nhắn nhủ"
Tờ báo khổ nhỏ mà tiếng không nhỏ này thường nói lên quan điểm cứng rắn của giới quân sự và phe bảo thủ ở Trung Quốc, không phải là quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc, nhưng đôi khi là mặt trái của quan điểm chính thức, nhiều trường hợp có thể coi đó là chủ ý trong quan điểm của giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Giới quan sát cho rằng tờ báo Hoàn Cầu này thường nhắn nhủ với thế giới đại ý là "quan điểm và lập trường của một thành phần quan trọng trong giới lãnh đạo ở Hoa lục chúng tôi là như thế này… như thế kia…" Tờ báo này đã từng đòi trừng trị Việt Nam vì những hành động gần đây, nay lại đòi trừng trị Philippines…
Ngoài sự nhắn nhủ vừa là hăm doạ đó, tờ báo này còn có ý xoa dịu thành phần quá khích ở Trung Quốc khi nói lên những suy nghĩ của thành phần ấy, mà họ không thấy Nhà nước của họ nói lên. Đó là trường hợp ứng dụng được cho kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ và Philippines lần này.
Làm như thế, cơ quan ngôn luận chính thức của Nhà nước Bắc Kinh tránh được những lời lẽ có thể bị quốc tế lên án, hay làm cho các nước châu Á phản ứng bất lợi cho Trung Quốc.