THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 December 2013

Vì sao Mỹ cho B-52 bay qua vùng nhận dạng bay của Trung Quốc?

(Tin Nóng) Vụ hai máy bay ném bom cũ kỹ B-52H không vũ trang của Mỹ bay ngang vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc trên biển Hoa Đông mà không thông báo cho Trung Quốc khiến dư luận cho rằng Mỹ thách thức Trung Quốc. Ngoài ra là còn gì nữa?

Hai chiếc B-52H cũ kỹ của Mỹ đã bay qua vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc ngày 26.11 - Ảnh: Không lực Mỹ
Nửa đêm 25.11 (giờ Guam), hai máy bay B-52 H của Không lực Mỹ cất cánh khỏi căn cứ quân sự Andersen, bay về phía biển Tây Thái Bình Dương. Hai chiếc máy bay này không mang theo bom, tên lửa, đã bay qua ADIZ của Trung Quốc trong khoảng 1 giờ vào buổi trưa 26.11 mà không thông báo cho Trung Quốc, và chẳng gặp trở ngại gì. Sau đó hai chiếc B-52H đã bay về lại căn cứ Andersen trong ngày.
Trung tá không quân Mỹ Tom Crosson cho trang tin USNI News biết đây là chuyến bay tuần tra thường lệ mang tên Coral Lightning.
Điều lạ là Mỹ không sử dụng máy bay hiện đại nhất để bay "dằn mặt" Trung Quốc, như cách nói của một số báo phương Tây, mà lại sử dụng hai chiếc máy bay ném bom thuộc loại cổ lổ (Boeing giao máy bay B-52H cho quân đội Mỹ từ năm 1962, tức đã hơn 50 năm, theo tạp chí USNI). Loại máy bay này không có công nghệ tàng hình nên rất dễ dàng bị radar của Trung Quốc phát hiện và máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng dễ ngăn chặn. Tuy nhiên người ta không rõ Trung Quốc có thấy B-52H hay không.
Người ta ngạc nhiên vì khi báo Wall Street Journal đưa tin về vụ 2 chiếc B-52 nói trên, Trung Quốc dường như im lặng trước sự việc này, và chỉ có cư dân mạng Trung Quốc là tức tối chê bai chính phủ mềm yếu!
Phía Trung Quốc ngày hôm sau 27.11 nói họ biết vụ việc và đã giám sát hai chiếc B-52H bay qua ADIZ hơn 1 tiếng, từ 11 giờ đến 13 giờ 22 phút ngày 26.11, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 200 km về phía đông.
Điều này nghĩa là Mỹ cố tình cho Trung Quốc thấy sự phản kháng của họ đối với việc Trung Quốc thành lập ADIZ, vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông bị Mỹ, Nhật Bản bác bỏ.

Sơ đồ đường bay của hai chiếc B-52H của Mỹ ngày 26.11 - Nguồn: CNN
Với Hàn Quốc, việc dùng B-52 để thị uy là điều không lạ. Mỗi khi Bắc Triều Tiên có những hành động gây hấn là B-52 của Mỹ lập tức xuất hiện trên bầu trời Hàn Quốc như lời cảnh cáo.
Chẳng hạn vào tháng 3.2013, Mỹ lần đầu tiên công bố các chuyến bay bằng B-52 từ Guam đến Hàn Quốc để cảnh cáo Bắc Triều Tiên khi nước này thử nghiệm một thiết bị nổ hạt nhân vào tháng 2. Không chỉ B-52 mà máy bay ném bom tàng hình B-2 cũng thường bay lượn trên vùng trời Hàn Quốc, gần biên giới Bắc Triều Tiên.
Thực ra căn cứ Andersen không phải là nơi chỉ có B-52, mà Mỹ thường xuyên thay đổi loại máy bay đậu tại đây. Những năm gần đây căn cứ này có B-52, B-1, và thỉnh thoảng có B-2. Ngoài ra các máy bay chiến đấu như F-22 Raptor và F-15 cũng như máy bay không người lái RQ-4 Global Hawks thường xuyên sử dụng căn cứ này.
Dù B-52H đã già cỗi nhưng nó vẫn là máy bay ném bom chiến lược khó thay thế, khi có khả năng bay xa hơn 10.000 km không cần tiếp dầu, mang lượng lớn bom, tên lửa, kể cả bom hạt nhân.
Theo báo CSMonitor (Mỹ), phi vụ bay của hai chiếc B-52H cho thấy phản ứng tức thời của Mỹ trong việc phủ nhận ADIZ của Trung Quốc. Mỹ, với hàng trăm máy bay chiến đấu trong khu vực, đã nói không với việc tuân thủ ADIZ. Nhật Bản cũng bác bỏ và nói ADIZ không có hiệu lực.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể đã tính nhầm về mức độ và thời gian phản ứng của các nước đối với ADIZ mà họ đưa ra. Đó là chưa kể Trung Quốc còn đối mặt với lỗ hổng tiếp dầu trên không cũng như khả năng cảnh báo sớm trên không, và rất khó cho máy bay Trung Quốc trong việc ngăn chặn máy bay nước ngoài cũng như duy trì bay lâu dài trên không, theo phân tích của Greg Waldron (tạp chí Flightglobal).

Máy bay B-52 tại căn cứ quân sự Andersen trên đảo Guam - Ảnh: Không lực Mỹ
Còn đại biểu của Guam, bà Madeleine Bordallo tự hào rằng vụ việc B-52H bay qua ADIZ cho thấy tầm quan trọng của hòn đảo Guam đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
“Hòn đảo của chúng ta một lần nữa cho thấy chúng ta là điểm chiến lược để bảo vệ các lợi ích của đất nước và của đồng minh chúng ta tại châu Á - Thái Bình Dương", bà Bordallo nói với báo MilitaryTimes của quân đội Mỹ ngày 27.11.
“Việc bay tuần tiễu vừa qua cho thấy khả năng của chúng ta trong việc ngăn chặn sự xâm lăng và là giải pháp của chúng ta trong việc bảo vệ đồng minh. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là mọi tranh chấp lãnh thổ trong khu vực nên được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao và hòa bình", bà Bordallo phát biểu.
Anh Sơn