Làn sóng phá sản càn phá siêu thị điện máy
Sự ra đời của nhiều trung tâm, siêu thị điện máy (ST ĐM) những năm qua đã khiến thị trường ĐM thêm sôi động nhờ các chương trình khuyến mãi, ưu đãi khách hàng rầm rộ. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì không ít ST ĐM, mà mới đây nhất là hệ thống HomeOne đã phải đóng cửa khiến không ít người tiêu dùng (NTD) thiệt thòi.
Hiện, ba chi nhánh thuộc hệ thống ST ĐM HomeOne tại Q.1, 10, Gò Vấp (TP.HCM) đã đóng cửa, chấm dứt các hoạt động giao dịch. Website bán hàng qua mạng của hệ thống trên cũng ngừng hoạt động. Ngày 3/9, chủ sở hữu HomeOne tiến hành kiểm kê tài sản tại ST ĐM HomeOne trên đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp để trả mặt bằng, theo thỏa thuận hạn chót là ngày 10/9/2013. Bàn về nguyên nhân “rời cuộc chơi”, nhiều nguồn tin cho là do HomeOne không gánh nổi chi phí, mất cân đối thu chi, công nợ quá lớn, nợ lương nhân viên…
Dự báo từ nay đến 2014, sẽ còn nhiều ST ĐM “rơi rụng” nếu tiềm lực không đủ mạnh. Chuyên gia tư vấn thương hiệu Đoàn Đình Hoàng phân tích: “Từ năm 2011, kinh tế khó khăn, sức mua giảm, cho thấy có dấu hiệu suy thoái nhưng nhiều ST ĐM lại ra đời vào thời điểm này nên tồn tại khá chật vật. Hơn nữa, những đơn vị ra sau không có gì độc đáo, khác biệt so với những ST ĐM quy mô lớn đã có nhiều năm kinh doanh. Áp lực lớn từ hành vi mua sắm của NTD, thị trường ĐM lại có sự chẻ nhỏ, giành giật thị phần. Không chỉ cạnh tranh giữa các ST ĐM mà ngay cả các hãng lớn như Canon, Sony, FPT… cũng chủ động tiếp cận thị trường, mở kênh phân phối riêng tạo thêm sự cạnh tranh”.
Theo kết quả khảo sát và nghiên cứu thị trường của các công ty khảo sát thị trường GFK và AC Nielsen, nhu cầu tiêu thụ của thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam có thể đạt doanh thu khoảng bốn tỷ USD/năm, nhưng hiện doanh số bán lẻ chung của các thị trường chỉ đạt khoảng 1,2 – 1,3 tỷ USD, tương đương 40%; còn đến 60% thị trường chưa được khai thác đúng mức. Như vậy, đây là thị trường đầy tiềm năng nên nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn nhảy vào, dù chưa sẵn sàng cho bài toán kinh doanh trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Trước HomeOne, đã có nhiều ST ĐM “rời khỏi cuộc chơi” như Best Carering, Wonderbuy, Ebest… Theo phân tích của các đơn vị trong ngành bán lẻ điện máy, các thương hiệu này đều thất bại do chi phí vận hành lớn, trong đó chi phí mặt bằng chiếm tỷ lệ từ 30% – 50%, kế đến là chi phí cho hậu mãi. DN đầu tư dàn trải, mở nhiều trung tâm, chi nhánh nhưng thu không bù chi nên cái kết đóng cửa là không tránh khỏi.
Bán lẻ ĐM là một ngành đòi hỏi tiềm lực tài chính cùng nhiều kỹ năng về vận hành. Ông Lê Phạm Anh Thy – Giám đốc marketing Công ty cổ phần điện tử Nguyễn Kim, cho biết công tác hậu mãi như: giao nhận, lắp đặt, bảo trì, bảo hành… đòi hỏi đầu tư chi phí tốn kém và kinh nghiệm quản lý. Với mức lãi gộp trung bình 10%, chi phí cho hậu mãi thật sự một vấn đề đau đầu.
Thực tế cho thấy, ngoài đẩy mạnh dịch vụ hậu mãi các ST ĐM Việt Nam hiện vẫn chủ yếu cạnh tranh về giá với hàng loạt chương trình khuyến mãi để thu hút khách. Thế nhưng, ông Đoàn Đình Hoàng cho rằng: “Giá hàng ĐM hiện nay đã gần sát đáy, lợi nhuận không còn hấp dẫn như trước. ST ĐM cần đa dạng ngành hàng, đẩy mạnh nhóm hàng gia dụng để lôi kéo các bà nội trợ, thay vì nhắm đến sản phẩm điện tử”.
Nhiều NTD quan tâm: sản phẩm đã mua tại HomeOne sẽ được bảo hành ở đâu khi hệ thống này đóng cửa. Luật gia Phan Thị Việt Thu – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM, tư vấn: “NTD mua sản phẩm có giấy bảo hành của nhà sản xuất (NSX) thì có thể yên tâm vì khi sản phẩm trục trặc, NSX sẽ bảo hành. Với trường hợp NTD mua sản phẩm tồn kho, thanh lý… thường chính đơn vị bán chịu trách nhiệm bảo hành. Dù luật chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của DN đối với sản phẩm bán cho NTD sau khi giải thể, nhưng nếu có đạo đức kinh doanh, DN sẽ làm tròn trách nhiệm của mình, phối hợp với các đơn vị khác hỗ trợ bảo hành sản phẩm cho khách hàng.
THEO PHỤ NỮ ONLINE